Mira Murati hôm 26.9 thông báo sẽ rời OpenAI, nơi bà từng giữ chức vụ Giám đốc công nghệ và cả Giám đốc điều hành tạm thời.  Sau đó vài giờ, Giám đốc nghiên cứu Bob McGrew và Phó chủ tịch nghiên cứu Barret Zoph cũng thông báo nghỉ việc.
Thế giới số

Việc 3 giám đốc rời OpenAI một ngày trở thành chủ đề châm biếm trên mạng xã hội

Sơn Vân 21:40 26/09/2024

Mira Murati hôm 26.9 thông báo sẽ rời OpenAI, nơi bà từng giữ chức vụ Giám đốc công nghệ và cả Giám đốc điều hành tạm thời. Sau đó vài giờ, Giám đốc nghiên cứu Bob McGrew và Phó chủ tịch nghiên cứu Barret Zoph cũng thông báo nghỉ việc.

Việc Mira Murati rời OpenAI gây làn sóng chấn động làng công nghệ. Trang Bloomberg đưa tin các nhân viên OpenAI đã sử dụng biểu tượng cảm xúc WTF trong ứng dụng Slack để phản ứng với tin tức này. Nhiều người trên mạng xã hội X đã suy đoán về lý do Mira Murati rời đi và nơi bà sẽ dừng chân tiếp theo.

Có rất nhiều meme trên mạng xã hội châm biếm về việc hàng loạt lãnh đạo cấp cao rời OpenAI trong năm nay.

Nhà đầu tư mạo hiểm Matt Turck ví von rằng: “OpenAI không có lãnh đạo cấp cao giống như Airbnb không có khách sạn, Uber không có xe hơi”.

Những người khác chỉ vào trang bìa tạp chí Wired năm 2023 có hình dàn lãnh đạo OpenAI gồm Giám đốc điều hành Sam Altman, Mira Murati, Ilya Sutskever (cựu Giám đốc khoa học và đồng sáng lập) và Greg Brockman (Chủ tịch và đồng sáng lập). Vào thời điểm đó, Wired đã gọi OpenAI là “các nhà điều hành AI” của thế giới.

Trong số bốn người này, chỉ còn Sam Altman và Greg Brockman ở lại OpenAI, nhưng Brockman sẽ nghỉ phép kéo dài đến cuối năm 2024.

Ilya Sutskever tuyên bố rời OpenAI vào tháng 5 và thành lập Safe Superintelligence - công ty khởi nghiệp AI riêng tập trung vào vấn đề an toàn.

Sự châm biếm OpenAI tràn làn trên X. Trong đó, tài khoản Madeline viết: “OpenAI sẽ đạt đến hình thái cuối cùng khi nhân viên còn lại chỉ là Sam Altman và chính AGI”. AGI là trí tuệ nhân tạo (AI) siêu thông minh, tiên tiến đến mức có thể làm được nhiều việc ngang bằng hoặc tốt hơn con người, đang được OpenAI nghiên cứu.

viec-3-giam-doc-roi-openai-mot-ngay-tro-thanh-chu-de-cham-biem-tren-mang-xa-hoi.jpg
Mira Murati rời vai trò Giám đốc công nghệ OpenAI gây xôn xao mạng xã hội - Ảnh: Getty Images

Vài giờ sau khi Mira Murati tuyên bố rời OpenAI, Giám đốc nghiên cứu Bob McGrew và Phó chủ tịch nghiên cứu Barret Zoph cũng thông báo nghỉ việc. OpenAI không trả lời khi được trang Insider đề nghị bình luận về sự ra đi của Bob McGrew và Barret Zoph.

Ngoài Sam Altman và Greg Brockman, đội ngũ lãnh đạo OpenAI còn Giám đốc tài chính Sarah Friar, Giám đốc khoa học Jakub Pachocki (người thay thế Ilya Sutskever), Giám đốc vận hành Brad Lightcap, Giám đốc sản phẩm Kevin Weil.

Trong số 11 người đồng sáng lập OpenAI vào năm 2015, chỉ còn lại Sam Altman, Greg Brockman và Wojciech Zaremba.

Elon Musk, một trong những người đồng sáng lập OpenAI, đã đệ đơn kiện công ty cũ lần thứ hai hồi tháng 8. Elon Musk nộp đơn lên tòa án liên bang Mỹ, cáo buộc rằng ông bị Sam Altman lừa dối để cùng thành lập OpenAI.

Theo tỷ phú giàu nhất thế giới, ông bị Sam Altman và Greg Brockman dụ dỗ, lừa dối để cùng tạo công ty với lời hứa "nó sẽ đi theo hướng an toàn và mở hơn so với các gã khổng lồ công nghệ theo đuổi lợi nhuận".

Sau khi tham gia và đầu tư hàng triệu USD vào OpenAI, Elon Musk cảm thấy ông bị phản bội vì Sam Altman cùng những người đồng sáng lập khác cùng với Microsoft thành lập một mạng lưới công ty con của OpenAI và hoạt động vì lợi nhuận.

Đơn kiện yêu cầu tòa án liên bang tại Carlifornia (Mỹ) xác định giấy phép OpenAI cho Microsoft sử dụng mô hình AI của công ty là không hợp lệ. Elon Musk cho rằng các mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI cần nằm ngoài phạm vi của mối quan hệ đối tác với Microsoft.

OpenAI đã phản hồi vụ kiện, nói với trang Insider: “Như chúng tôi đã nói về vụ kiện ban đầu từ Elon Musk (hồi cuối tháng 2), các email trước đây của Elon tự nói lên tất cả”.

Làn sóng nhân sự rời OpenAI

Làn sóng rời OpenAI có cả những cái tên nổi bật khác, gồm cả Jan Leike, người từng đồng lãnh đạo nhóm superalignment với Ilya Sutskever.

Superalignment trong ngữ cảnh của AI đề cập đến việc đảm bảo rằng các hệ thống AI tiên tiến, đặc biệt là AGI, hoạt động theo cách hoàn toàn phù hợp với lợi ích của con người và không gây hại.

Công việc liên quan đến superalignment gồm phát triển các phương pháp để đảm bảo rằng những mục tiêu và hành động của AI không chỉ phù hợp với các giá trị và mong muốn của con người, mà còn có thể đối phó với tình huống phức tạp, không lường trước được. Điều này có thể gồm:

- Xây dựng các biện pháp an toàn và bảo mật mạnh mẽ để đảm bảo rằng AI không thể bị lạm dụng.

- Phát triển các hệ thống giám sát và kiểm soát hiệu quả để theo dõi và điều chỉnh hành vi của AI kịp thời.

- Nghiên cứu về khả năng đối phó với các tình huống bất ngờ hoặc cực đoan để đảm bảo AI hoạt động an toàn ngay cả trong các tình huống ngoài dự đoán.

- Đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm trong quyết định của AI để con người có thể hiểu và kiểm soát được hành vi của AI.

Superalignment là thách thức lớn trong việc phát triển AI tiên tiến, vì yêu cầu hiểu rõ không chỉ về công nghệ mà còn về các khía cạnh đạo đức, xã hội và triết học của việc triển khai AI trong thực tế.

Daniel Kokotajlo và William Saunders, hai người từng làm việc trong nhóm quản trị và an toàn của OpenAI, rời OpenAI vào nửa đầu năm 2023.

Ngoài ra, John Schulman (người đồng sáng lập OpenAI) đã rời đi vào tháng 8 để gia nhập đối thủ Anthropic, nơi Jan Leike cũng đến làm việc.

Andrej Karpathy, người đồng sáng lập OpenAI khác, thôi việc vào tháng 2.2024.

Hồi tháng 8, Daniel Kokotajlo nói OpenAI đã mất gần một nửa số thành viên trong đội ngũ làm việc về an toàn AI của công ty. Daniel Kokotajlo từng làm việc nghiên cứu và đảm bảo an toàn cho các hệ thống AI ở OpenAI.

"Việc mất đi các thành viên trong đội ngũ này không phải là kết quả của quyết định có kế hoạch, mà là từng người tự rời bỏ công việc một cách riêng lẻ", ông nói với hãng tin Fortune.

Rời OpenAI vào tháng 4.2023, Daniel Kokotajlo cho biết ban đầu công ty khởi nghiệp này có khoảng 30 người làm việc về các vấn đề an toàn liên quan đến AGI. Thế nhưng, nhiều người lần lượt rời đi kể từ đó đã khiến đội ngũ an toàn về AI giảm xuống còn khoảng 16 thành viên, theo Daniel Kokotajlo.

Daniel Kokotajlo nói với Fortune rằng: "Những người chủ yếu tập trung vào việc suy nghĩ về sự an toàn và chuẩn bị cho AGI đang ngày càng bị gạt ra ngoài lề".

Khi được hỏi về vấn đề này, một phát ngôn viên của OpenAI nói rằng công ty "tự hào về thành tích cung cấp các hệ thống AI an toàn và có năng lực nhất, đồng thời tin tưởng vào phương pháp tiếp cận khoa học của chúng tôi để giải quyết rủi ro".

Người phát ngôn nói thêm rằng OpenAI sẽ "tiếp tục hợp tác với các chính phủ, xã hội dân sự và những cộng đồng khác trên khắp thế giới" về các vấn đề liên quan đến rủi ro và sự an toàn của AI.

OpenAI đã trở thành công ty thống trị cuộc đua AI kể từ khi ra mắt ChatGPT vào cuối tháng 11.2022. Sau đó, OpenAI đã tung ra các phiên bản phức tạp hơn của chatbot ChatGPT, mô hình chuyển văn bản thành hình ảnh DALL-E, mô hình ngôn ngữ lớn GPT-4, mô hình chuyển văn bản thành video Sora và mô hình AI phức tạp o1 với khả năng suy luận như con người.

Thế nhưng, các đối thủ đang chạy đua để bắt kịp OpenAI. Hôm 25.9, Meta Platforms thông báo Meta AI đang trên đà trở thành “trợ lý AI được sử dụng nhiều nhất trên thế giới”.

Vòng gọi vốn mới nhất của OpenAI sẽ nâng mức định giá công ty lên 150 tỉ USD, hiện đã gần hoàn tất và có cả nhà đầu tư như Apple và Nvidia, theo Bloomberg.

Theo hãng tin Reuters và Bloomberg, Sam Altman có thể nhận được khoản thu nhập lớn với việc tái cấu trúc OpenAI sẽ giúp công ty thoát khỏi tình trạng phi lợi nhuận hiện tại. Cụ thể hơn, OpenAI đã thảo luận về việc trao cho Sam Altman 7% cổ phần trong công ty, có giá trị lên tới 10,5 tỉ USD.

Bài liên quan
OpenAI tự định giá đến 150 tỉ USD ở vòng gọi vốn mới có Nvidia và Apple trước khi ra mắt mô hình AI mới tiên tiến
OpenAI đang đàm phán để huy động 6,5 tỉ USD từ các nhà đầu tư với mức định giá công ty khởi nghiệp AI này lên đến 150 tỉ USD, theo những người hiểu rõ tình hình.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Việt Nam luôn coi Nga là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại
11 giờ trước Sự kiện
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện với Nga, luôn coi Nga là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việc 3 giám đốc rời OpenAI một ngày trở thành chủ đề châm biếm trên mạng xã hội