Tiêm vắc xin COVID-19 mũi 2 khác loại với mũi 1 có tốt hơn so với tiêm cùng loại hay không? Đây là điều khiến nhiều người tiêm vắc xin COVID-19 đang phân vân, vì nhiều khả năng họ sẽ không được tiêm mũi 2 cùng loại với mũi 1.

Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM: “Chưa thể nói tiêm vắc xin COVID-19 cùng loại hay khác loại tốt hơn”

Hồ Quang | 14/07/2021, 17:20

Tiêm vắc xin COVID-19 mũi 2 khác loại với mũi 1 có tốt hơn so với tiêm cùng loại hay không? Đây là điều khiến nhiều người tiêm vắc xin COVID-19 đang phân vân, vì nhiều khả năng họ sẽ không được tiêm mũi 2 cùng loại với mũi 1.

Theo Bộ Y tế, hiện nay nguồn cung vắc xin phòng COVID-19 rất hạn chế, việc tiếp cận nguồn cung để có đủ vắc xin tiêm mũi 2 cùng loại cho các đối tượng đã được tiêm mũi 1 khi đến lịch tiêm là rất khó khăn. Một số quốc gia đã xem xét và triển khai tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca và tiêm mũi 2 bằng vắc xin của Pfizer.

Ghi nhận tại các nước ấy cho thấy việc triển khai tiêm chủng 2 mũi vắc xin khác loại như trên cho cùng một đối tượng vẫn có hiệu lực bảo vệ, phòng chống COVID-19. Tuy nhiên, khi tiêm 2 loại vắc xin AstraZeneca và Pfizer thì có nhận thấy gia tăng một số phản ứng thông thường sau tiêm chủng.

vien-truong-vien-pasteur-tphcm-chua-the-noi-tiem-vacxin-covid-9-cung-loai-hay-khac-loai-tot-hon-hinh-anh(1).png
GS-TS  Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - Ảnh: PV

Về điều này, GS-TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết các nhà khoa học khuyến cáo tiêm vắc xin cùng loại vẫn là tốt nhất. Theo phác đồ của AstraZeneca, tiêm mũi 1 cách mũi 2 từ 8 đến 12 tuần là tốt nhất và các loại vắc xin phòng COVID-19 khác cũng tương tự. Trường hợp thấy khó khăn về nguồn lực, khan hiếm vắc xin thì đành phải chuyển sang phác đồ khác.

- Như vậy có nghĩa là tiêm vắc xin COVID-19 cùng loại sẽ tốt hơn so với tiêm khác loại phải không thưa giáo sư?

- GS-TS Phan Trọng Lân: Tiêm vắc xin COVID-19 cùng loại là tốt nhất; còn tiêm khác loại so với tiêm cùng loại, cách nào tốt hơn cách nào rất khó nói. Các nhà khoa học khuyến cáo nên tiêm cùng loại nhưng chắc gì tiêm khác loại không tốt bằng.

Tôi lấy ví dụ thực tế trong cuộc sống ở nước ta, các ngành chức năng khuyến cáo nên “một vợ một chồng” là tốt nhất, nhưng chưa chắc. Nhiều khi tốt cho người này, nhưng lại không tốt cho người kia. Vắc xin cũng vậy. Vì vậy chưa thể nói tiêm vắc xin COVD-19 cùng loại hay khác loại, cách nào tốt hơn.

Trong tình hình cung ứng vắc xin COVID-19 như hiện nay, nhiều khả năng trong thời gian tới Viện Pasteur TP.HCM sẽ tiêm cho những người tiêm mũi 2 là vắc xin Pfizer (trước đó tiêm mũi 1 là AstraZeneca). Tuy nhiên, nếu họ không đồng ý tiêm Pfizer thì chúng tôi cũng sẽ tiêm AstraZeneca.

- Theo ông thì chưa thể nói tiêm vắc xin COVID-19 cùng loại hay khác loại, cách nào tốt hơn. Tuy nhiên, nói về mặt miễn dịch, ông đánh giá như thế nào về việc tiêm vắc xin cùng loại so với tiêm vắc xin khác loại?

- Thật ra mỗi nghiên cứu của các nhà sản xuất vắc xin phòng COVID-19 đều khác nhau. Những người cùng “chung nhà” thì người ta mới đảm bảo được; còn “khác nhà” không ai dám đảm bảo cả. Khi anh đến nhà một người khác có thể thấy vui vẻ, hạnh phúc, nhưng lỡ có chuyện gì thì chưa chắc đã hay.

Hiện các nghiên cứu vẫn chưa khẳng định được điều gì đảm bảo. Với 2 nhà sản xuất vắc xin khác nhau, khi có xảy ra vấn đề gì, không nhà sản xuất nào chịu trách nhiệm. Nhà sản xuất này sẽ đẩy cho nhà sản xuất kia, chứ có nhà sản xuất nào chịu trách nhiệm điều đó đâu. Do đó, không ai mạnh miệng khuyến cáo khi dùng cùng lúc vắc xin của 2 nhà sản xuất khác nhau.

- Vậy theo ông các loại vắc xin COVID-19 hiện được Tổ chức Y tế thế giới phê duyệt có thể tiêm kết hợp được với nhau?

- Hiện nay chưa có nghiên cứu nào về hiệu quả của việc tiêm 2 loại vắc xin COVID-19 khác nhau sẽ như thế nào. Vì vậy việc chọn tiêm vắc xin phòng COVID-19 như thế nào là do con người quyết định. Hiện nay trong luật pháp, cơ bản cho phép tiêm mũi 1 là AstraZeneca, tiêm mũi 2 là Pfizer, nếu nguồn lực còn hạn chế.

Trong khi đó, với Moderna, nhà sản xuất không cho phép tiêm chung với các loại vắc xin khác. Đó chỉ là về mặt pháp lý do cam kết giữa nhà sản xuất với người được cung ứng mà thôi.

- Xin cảm ơn ông.

Theo Bộ Y tế, tính đến ngày hôm nay (14.7), tổng số mũi tiêm đã thực hiện là hơn 4 triệu, trong đó số người được tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca là hơn 3,7 triệu, số người được tiêm đủ 2 mũi vắc xin AstraZeneca là hơn 280 nghìn. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ các loại vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm… để tổ chức tiêm chủng theo chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, hướng tới mục tiêu đạt được độ bao phủ vắc xin cho hơn 70% người dân.

Tổ chức Y tế thế giới và các nhà sản xuất khuyến cáo tốt nhất là mỗi người cần tiêm đủ liều của cùng 1 loại vắc xin phòng COVID-19. Tuy nhiên, căn cứ số lượng vắc xin được cung ứng, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cho các địa phương, trong trường hợp số lượng vắc xin hạn chế thì ưu tiên sử dụng vắc xin của Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vắc xin AstraZeneca từ 8 đến 12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý. Những trường hợp tiêm chủng như vậy phải được theo dõi sức khỏe chặt chẽ hơn sau khi tiêm chủng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM: “Chưa thể nói tiêm vắc xin COVID-19 cùng loại hay khác loại tốt hơn”