Theo Bộ TT-TT, về dài hạn, Việt Nam cần có những mạng xã hội tương đương, có khả năng thay thế hoặc cạnh tranh được Facebook...
Bộ TT-TT vừa có văn bản gửi Bộ Công an về việc phối hợp trả lời kiến nghị của cử tri TP.Hài Phòng gửi Thủ tướng Chính phủ trước Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV.
Trong văn bản của Bộ TT-TT nêu rõ trong nhiều năm qua, Bộ TT-TT đã triển khai nhiều giải pháp đấu tranh về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật nhằm buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (Facebook, Google, Apple) tuân thủ pháp luật Việt Nam; kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin xấu, độc, thông tin xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước...
Kết quả cho thấy, tính đến ngày 10.11.2020, theo yêu cầu của Bộ TT-TT, Facebook đã ngăn chặn, gỡ bỏ 290 tài khoản giả mạo cá nhân, tổ chức tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam.
Facebook đã chặn, gỡ hơn 3.900 bài viết trong năm 2020 (gỡ hơn 2.300 bài viết, tăng 400% so với cả năm 2019); xóa 154 fanpage đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm, gây mất uy tín nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Với Google, tính đến ngày 10.11.2020, YouTube đã ngăn chặn và gỡ bỏ hơn 29.000 video clip vi phạm, gỡ bỏ 24 kênh YouTube phản động thường xuyên đăng tải nội dung chống phá chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước với hàng nghìn video mỗi kênh.
Tổng số website xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam do Bộ TT-TT chủ động chặn kỹ thuật trên không gian mạng là hơn 1.700 với hàng chục ngàn bài viết. Về xử lý hành chính, từ đầu năm 2020 đến ngày 20.10.2020, Bộ TT-TT, Sở TT-TT các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương đã xử lý các trường hợp cung cấp thông tin sai sự thật trên môi trường mạng (trừ báo chí điện tử).
Tuy nhiên, Bộ TT-TT cũng cho rằng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, hạn chế về giải pháp kỹ thuật. Cụ thể, giải pháp kỹ thuật hiện chưa cho phép tách riêng nội dung vi phạm trên Facebook và YouTube để ngăn chặn, mà chỉ có thể chặn toàn bộ website vi phạm. Vì vậy, trong nhiều trường hợp cần cân nhắc, theo phân tích từ Bộ TT-TT, nếu áp dụng việc chặn triệt để sẽ gây phản ứng dư luận trong nước do Việt Nam chưa có dịch vụ tương tự thay thế được Facebook, Google.
Ngoài ra, theo Bộ TT-TT, những kẻ phát tán thông tin thường xuyên tận dụng những thay đổi, những bước phát triển mới về công nghệ để cải tiến các hình thức phát tán thông tin; quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định hiện hành gồm nhiều bước, khá phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian...
Trong thời gian tới, Bộ TT-TT khẳng định tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật; áp dụng các giải pháp đấu tranh về pháp lý, truyền thông, kỹ thuật nhằm yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong việc xác định danh tính người sử dụng dịch vụ, xử lý thông tin sai sự thật, thông tin xấu, thông tin mạo danh, tin giả; đồng thời nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp mới để công tác đấu tranh đạt hiệu quả, mục tiêu cao hơn.
Về giải pháp thúc đẩy mạng xã hội do doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp dịch vụ, Bộ TT-TT cho biết hiện nay, tại Việt Nam, một số mạng xã hội của nước ngoài như Facebook, YouTube vẫn đang chiếm phần lớn thị trường. Vì vậy trong ngắn hạn, các giải pháp quản lý về tuyên truyền vẫn cần tiến hành với mạng xã hội này.
Về dài hạn, Việt Nam cần có những mạng xã hội tương đương, có khả năng thay thế hoặc cạnh tranh được Facebook tại Việt Nam và do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ. Do đó, Bộ TT-TT nhấn mạnh cần có các giải pháp, cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy mạng xã hội trong nước phát triển...