Chủ tịch Microsoft - Brad Smith đưa ra bài học từ vụ kiện chống độc quyền những năm 2000 khi lĩnh vực này phải đối mặt với sự giám sát mới.

Chủ tịch Microsoft: 'Facebook, Google phải có trách nhiệm vì tạo ra công nghệ thay đổi thế giới, chịu bị giám sát’

Nhân Hoàng | 08/12/2020, 09:08

Chủ tịch Microsoft - Brad Smith đưa ra bài học từ vụ kiện chống độc quyền những năm 2000 khi lĩnh vực này phải đối mặt với sự giám sát mới.

Với tư cách là Phó tổng cố vấn tại Microsoft, Brad Smith đã đúng trong cuộc chiến chống độc quyền của gã khổng lồ công nghệ này với Chính phủ Mỹ trong những năm 1990 và đầu những năm 2000.

Trong cuộc phỏng vấn với Nikkei, Brad Smith, hiện là Chủ tịch Microsoft, đã đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp công nghệ lớn khác đang bị giám sát tương tự khi sự nghi ngờ của công chúng với ngành công nghiệp này tăng lên.

Brad Smith khẳng định: “Khi bạn tạo ra công nghệ thay đổi thế giới, bạn phải có trách nhiệm với thế giới mà bạn đã góp phần tạo ra”.

Mối quan tâm ngày càng tăng về việc các công ty công nghệ lớn đã ngăn chặn sự cạnh tranh, gây bất lợi cho người dùng. Bộ Tư pháp Mỹ đã đệ đơn kiện chống độc quyền chống lại Google vào tháng 10 và Ủy ban Thương mại Liên bang được cho đang chuẩn bị kiện Facebook sau một cuộc điều tra chống độc quyền.

Hôm 20.10, Bộ Tư pháp Mỹ và 11 tiểu bang đã đệ đơn kiện chống độc quyền với Google. Lý do Google bị cáo buộc vi phạm luật trong việc sử dụng sức mạnh thị trường của mình để chống lại các đối thủ. Động thái này đánh dấu vụ kiện chống độc quyền lớn nhất 20 năm, có thể so sánh với vụ kiện Microsoft vào năm 1998 và vụ kiện năm 1974 chống lại AT&T, dẫn đến sự tan rã của Bell System.

Khi được hỏi về hai trường hợp này, Brad Smith nói rằng "không thể nói thay" hai công ty đó, nhưng ông đã thảo luận về các bài học từ cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm của Microsoft với Mỹ.

Vào thời điểm đó, Bộ Tư pháp cho rằng Microsoft đã sử dụng trái phép sự phổ biến của hệ điều hành Windows để thúc đẩy trình duyệt Internet Explorer đi kèm. Brad Smith cùng nhóm Microsoft lập luận rằng hệ điều hành và trình duyệt gắn liền với nhau như một phần của cùng một sản phẩm.

Vụ kiện kết thúc trong cuộc dàn xếp 5 năm sau khi đơn kiện được đệ trình vào năm 1998, nhưng cuộc chiến kéo dài tại tòa án là một trong những lý do khiến Microsoft xuất hiện muộn màng trong kỷ nguyên smartphone. Phán quyết cuối cùng, bao gồm cả các nghĩa vụ với Microsoft nhằm thúc đẩy các điều kiện cạnh tranh, đã hết hạn vào năm 2011.

Brad Smith nói: “Chúng tôi đã nghiên cứu luật và cảm thấy rất tốt, rằng các hoạt động của chúng tôi đang tuân thủ luật. Nhưng điều mà chúng tôi không đánh giá cao là khả năng hoặc xác suất luật sẽ thay đổi để thích ứng với thế giới mới này".

Ví dụ ở Mỹ, một cuộc tranh luận đang diễn ra về việc có nên làm lại Mục 230 của Đạo luật về khuôn phép trong giao tiếp, vốn giới hạn trách nhiệm pháp lý của các công ty công nghệ với nội dung được đăng thông qua dịch vụ của họ, trong bối cảnh ông Trump và nhiều người phản đối cách Facebook và Twitter kiểm duyệt nội dung .

Brad Smith nhận định: “Về cơ bản, công nghệ đang tác động đến mọi phần của cuộc sống, từ quyền riêng tư và bảo mật đến các vấn đề như băng thông rộng, kỹ năng và giáo dục. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng nó đang dẫn đến rất nhiều cuộc thảo luận, tập trung và thậm chí là xem xét kỹ lưỡng hơn về những gì các công ty công nghệ đang làm".

Với các doanh nghiệp công nghệ, Brad Smith lập luận: "Điều thực sự quan trọng là phải hiểu những vấn đề mà mọi người đang lo lắng. Tôi nghĩ người ta phải thực sự hiểu cách bạn đang được nhìn nhận".

facebook-google-phai-chiu-trach-nhiem-khi-tao-ra-cong-nghe-thay-doi-the-gioi1.jpg
Chủ tịch Microsoft - Brad Smith: 'Các công ty công nghệ phải chấp nhận sự giám sát của công chúng và chuẩn bị để thay đổi".

Sự tập trung của dữ liệu và sự giàu có trong vài công ty khổng lồ đã gây ra sự mất lòng tin vào công nghệ lớn. Hầu hết người ở Thung lũng Silicon (California, Mỹ) có thể khẳng định với nhau rằng họ đang làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn, nhưng một số người khác không giữ cùng quan điểm, thúc đẩy việc kiện tụng và quy định.

Brad Smith ví sự khác biệt trong nhận thức này giống như tấm gương so với bức ảnh. Chủ tịch Microsoft nói: "Khi nhìn vào gương, chúng ta thấy những nét đẹp nhất của mình. Nhưng trớ trêu thay, khi nhìn vào bức ảnh của chính mình, hầu hết chúng ta đều không thích nó. Hầu hết người trên thế giới đều nhìn chúng ta theo cách chúng ta nhìn vào một bức ảnh. Tôi nghĩ bạn cần phải chấp nhận điều đó và bạn cần phải chuẩn bị để thay đổi".

Microsoft thoát được khỏi chiến pháp lý của mình và tránh được trường hợp xấu nhất là tan rã. Gần đây, Microsoft đã không bị soi như các công ty cùng ngành như Google, Facebook, Apple hay Amazon, thể hiện qua việc vắng mặt ở Quốc hội Mỹ trong phiên điều trần của các giám đốc điều hành công nghệ hàng đầu vào mùa hè này.

facebook-google-phai-chiu-trach-nhiem-khi-tao-ra-cong-nghe-thay-doi-the-gioi2.jpg
Giám đốc điều hành Facebook - Mark Zuckerberg phát biểu qua hội nghị video trong phiên điều trần của Tiểu ban Tư pháp Hạ viện về Luật chống độc quyền, thương mại và hành chính về "Nền tảng trực tuyến và sức mạnh thị trường" vào ngày 29.7. Microsoft không bị triệu tập đến phiên điều trần như Facebook, Apple, Amazon và Google

Tuy nhiên, Microsoft không phải là không có mối quan tâm chống độc quyền. Vào tháng 7, Slack Technologies, nhà cung cấp phần mềm trò chuyện cho các doanh nghiệp, đã đệ đơn khiếu nại chống lại Microsoft tại Liên minh Châu Âu, cáo buộc việc công ty đưa sản phẩm Microsoft Teams vào bộ phần mềm doanh nghiệp Office được sử dụng rộng rãi là hành vi lạm dụng sức mạnh thị trường của họ.

Tháng này, Slack Technologies đồng ý để được Salesforce (công ty hàng đầu thế giới về điện toán đám mây) mua lại, từ bỏ việc tiếp tục hoạt động như một công ty độc lập.

Khi được hỏi liệu đây có phải là kết quả của cạnh tranh công bằng hay không, Brad Smith nói ông nghĩ như vậy: “Tôi luôn hỏi khi những câu hỏi này nảy sinh liệu có điều gì đó mà chúng tôi nên làm khác đi không. Nhưng cho đến nay, chúng tôi chưa nhận được phản hồi như vậy từ các cơ quan quản lý".

Quy mô của thỏa thuận Salesforce, 27,7 tỉ USD, nói lên thành công của Slack", Smith lập luận.

"Tôi nghĩ rằng khi hầu hết mọi người xem xét giao dịch mua bán mà Salesforce thực hiện tháng này, họ có thể kết luận rằng đó là số tiền khủng khiếp. Đó có lẽ là một thương vụ rất khôn ngoan", ông nhận xét.

Brad Smith sẽ giải quyết việc cạnh tranh của Microsoft với Salesforce sau thương vụ mua lại Slack.

Về chuyện này, ông nói: "Chúng tôi cạnh tranh với nhau hàng ngày, nhưng tôi thực sự nghĩ điều đó tốt cho khách hàng, tốt cho thế giới và cuối cùng là tốt cho chính chúng ta. Tôi nghĩ rằng hầu hết chúng ta đều làm tốt công việc của mình khi cạnh tranh với một người luôn giữ chúng ta trên mặt đất và Salesforce chắc chắn làm được điều đó cho Microsoft".

Bài liên quan
Google đối mặt vụ kiện chống độc quyền lớn nhất trong 2 thập kỷ
Bộ Tư pháp Mỹ và 11 tiểu bang đã đệ đơn kiện chống độc quyền với Google của Alphabet vào 20.10. Lý do Google bị cáo buộc vi phạm luật trong việc sử dụng sức mạnh thị trường của mình để chống lại các đối thủ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch Microsoft: 'Facebook, Google phải có trách nhiệm vì tạo ra công nghệ thay đổi thế giới, chịu bị giám sát’