Thống đốc ngân hàng trung ương Iran - Abdolnaser Hemmati cho biết các hạn chế kinh tế do Mỹ áp đặt đang ngăn Iran mua vắc xin COVID-19.
Abdolnaser Hemmati bày tỏ sự thất vọng về việc nước này không thể chuyển tiền để có thể mua vắc xin COVID-19 từ nước ngoài. Abdolnaser Hemmati nói Iran gặp trở ngại do “các biện pháp trừng phạt vô nhân đạo của Chính phủ Mỹ”.
Ông giải thích: “Hàn Quốc không thể đảm bảo rằng quỹ của Ngân hàng Trung ương Iran sẽ không bị tịch thu bởi Chính phủ Mỹ trong quá trình giao dịch tiền bằng đô la để mua hàng nhân đạo”.
Thống đốc ngân hàng trung ương tuyên bố rằng Iran đủ điều kiện cho một khoản vay nhân đạo từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để trả tiền cho vắc xin, nhưng tiết lộ Mỹ đang gây áp lực chính trị để chặn hỗ trợ tài chính đó.
Abdolnaser Hemmati lưu ý việc mua vắc xin cần được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tạo điều kiện để đảm bảo rằng không quốc gia nào bị từ chối tiếp cận.
Mối quan tâm từ Abdolnaser Hemmati tương tự các tuyên bố của Iran về hậu quả của các lệnh trừng phạt từ Mỹ. Thứ trưởng Bộ Y tế Iran tháng trước thông báo rằng Cộng hòa Hồi giáo đã bị tước bỏ 5 triệu liều vắc xin ngừa cúm trong năm nay do ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Hồi tháng 9, Bộ trưởng Ngoại giao Iran - Mohammad Javad Zarif nói với trang RT rằng Mỹ đang ngăn chặn Iran sử dụng tiền của mình để mua các vật tư y tế quan trọng, gây ra tác hại khôn lường trong việc chống lại COVID-19.
Mohammad Javad Zarif nói những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn Tehran xuất khẩu dầu đã hạn chế khả năng của chính phủ nước này trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và cứu trợ người dân.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Iran lưu ý rằng Iran có “khá nhiều tiền được cất giữ ở các nước ở nước ngoài”, nhưng Mỹ đã ngăn cản họ tiếp cận các quỹ này, thậm chí để mua thuốc.
Mohammad Javad Zarif than thở rằng, do các lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran không thể sử dụng “tiền riêng” của mình để đảm bảo tiếp cận với vắc xin COVID-19 đang được phát triển. Ông thậm chí không thể mua liều vắc xin ngừa cúm.
“Dù người Mỹ đang nói gì về việc các lệnh trừng phạt của họ không ảnh hưởng đến các mặt hàng nhân đạo thì đó chỉ là một lời nói dối ... Về cơ bản, đó là khủng bố y tế”, Mohammad Javad Zarif nhấn mạnh.
Khi được hỏi về nỗ lực của Mỹ trong việc đơn phương áp đặt các lệnh trừng phạt trã đũa Iran, Mohammad Javad Zarif thừa nhận rằng Chính phủ Mỹ có "sức mạnh tài chính", nhưng nhấn mạnh rằng các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phản đối hoàn toàn động thái này. Theo Mohammad Javad Zarif, các quốc gia trên thế giới đang ngày càng từ bỏ đồng đô la Mỹ để tự bảo vệ mình trước các lệnh trừng phạt kinh tế từ Washington.
Ông chỉ ra rằng ngay cả các đồng minh châu Âu của Mỹ tuyên bố rằng sẽ không từ bỏ các cam kết theo Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) năm 2015, trong đó bác bỏ các lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc để đổi lấy các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn với chương trình hạt nhân của Tehran. Thỏa thuận đã được ký kết bởi Trung Quốc, Pháp, Nga, Đức, Iran, Anh, EU (Liên minh châu Âu) và Mỹ, nhưng Mỹ đã đơn phương rút khỏi đó vào năm 2018.
Hiện Iran ghi nhận 1.051.374 ca mắc COVID-19 với 50.594 người chết và 742.955 trường hợp hồi phục. Số ca mắc COVID-19 mới trong ngày gần nhất ở Iran là 10.827.