Việt Nam nằm ở tâm giông châu Á - một trong 3 tâm giông trên thế giới, có hoạt động giông sét mạnh. Mỗi năm trên lãnh thổ Việt Nam xuất hiện khoảng 2 triệu cú (tia) sét.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, từ đầu năm 2024 đến ngày 5.6, cả nước có 15 trường hợp thiệt mạng do sét đánh.
Đặc biệt vào sáng qua (5.6), tại khu vực Hà Nội và vùng lân cận có mưa giông kèm hơn 7.000 cú sét. Có thời điểm, trong 1 giây có tới 10 cú sét. Tương tự, lúc 12 - 13 giờ trưa cùng ngày, các đám mây tích điện đã tạo ra 1.866 cú sét đánh xuống biển Quảng Ninh, khu vực gần vịnh Hạ Long.
Sấm sét tăng 43% theo biến đổi khí hậu
Theo trang rmets.org, có khoảng 2.000 cơn giông xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trên khắp thế giới, với 100 cú sét đánh mỗi giây và 8 triệu cú sét đánh mỗi ngày.
Độ ẩm và không khí ấm rất liên quan tới giông bão nên giông bão thường xảy ra vào mùa xuân và mùa hè, sấm sét cũng xuất hiện thường xuyên hơn trong khoảng thời gian này.
Nhiệt độ toàn cầu tăng do biến đổi khí hậu làm không khí ấm hơn, giúp giữ ẩm nhiều hơn. Độ ẩm tăng thêm khoảng 7% khi nhiệt độ tăng thêm 1 độ C. Điều này làm tăng khả năng xảy ra giông bão, dẫn đến nhiều cơn bão dữ dội hơn và nhiều sấm sét hơn.
Tại Việt Nam, theo thông tin từ Tổng cục Khí tượng thủy văn, mùa giông tương đối dài, số ngày giông trung bình 100 ngày mỗi năm và số giờ giông trung bình 250 giờ/năm. Mỗi năm, Việt Nam hứng chịu 2 triệu cú sét.
Tại Nam Bộ và TP.HCM, sét xuất hiện nhiều vào thời điểm chuyển mùa, tháng 5, 6 và tháng 10. Tuy nhiên, những tháng trong mùa mưa, những ngày có đối lưu mạnh, buổi trưa oi bức, nắng mạnh... cũng dễ hình thành sét.
Yếu tố bề mặt cũng góp phần tạo sét. Mặt đất nếu là khu vực đất sét, có độ dẫn điện tốt, cũng dễ hình thành sét, hoặc dưới lòng đất chứa nhiều kim loại như quặng sắt, đồng, nhôm… cũng xuất hiện sét nhiều hơn những nơi khác.
Sét xuất hiện có cả dạng trực tiếp và dạng lan truyền, sét đánh có thể xảy ra bất kỳ chỗ nào, ngay cả khi đang ở trong nhà vẫn có thể bị sét đánh trúng.
Lý giải về đợt mưa giông kèm hơn 7.000 cú sét tại Hà Nội vào sáng 5.6, Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Vũ Anh Tuấn cho biết nguyên nhân của đợt mưa này do ảnh hưởng của rãnh áp thấp đi qua Bắc Bộ bị nén yếu bởi bộ phận không khí lạnh từ phía bắc.
Các đợt mưa đặc trưng trong tháng 5 và 6 thường đi kèm theo nhiều giông, gây ra lốc sét và mưa đá. Đây là thời điểm các khối khí nóng và lạnh giao tranh. Sấm sét thường xuất hiện nhiều trong giai đoạn đầu mùa mưa, sau một thời gian nắng nóng, khô hạn. Trước khi đón đợt mưa diện rộng từ ngày 5.6, miền Bắc đã trải qua một tuần nắng nóng gay gắt, oi bức.
Việt Nam ứng phó thế nào với 2 triệu cú sét?
Theo các chuyên gia, Việt Nam là nước thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió ẩm, hoạt động dông sét có cường độ mạnh thường xuyên xảy ra ở cả 63 tỉnh thành. Viện Vật lý địa cầu cũng cho biết Việt Nam nằm trong tâm giông bão của châu Á, có hoạt động giông sét mạnh.
Bên cạnh mặt lợi của giông sét là mang lại mưa, cung cấp chất đạm thì giông sét có mặt hại là gây nguy hiểm cho tính mạng con người, gây thiệt hại về tài sản (nhiều công trình bưu chính viễn thông, thiết bị điện tử có giá trị cao đã bị sét đánh hỏng gây thiệt hại rất lớn).
Các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý địa cầu bắt đầu thu thập dữ liệu để lập bản đồ sét tại Việt Nam từ năm 2022 bằng cách tổ chức mạng lưới đo sự phóng điện trên bề mặt đất tại 8 trạm đo đếm sét đặt ở các điểm: Thái Nguyên, Bạc Liêu, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Trị, Mộc Châu, Phú Thụy và Nghĩa Đô (Hà Nội).
Theo ông Nguyễn Đức Phương, Trưởng phòng Radar thời tiết thuộc Trung tâm Mạng lưới khí tượng - thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng - thủy văn), đến nay, mạng lưới định vị sét của Việt Nam đã được nâng lên tổng số 18 trạm và được kết nối với hệ thống định vị sét quốc tế.
Mạng lưới định vị sét của Việt Nam hiện nay có thể phát hiện, định vị, phân tích… các cú sét (truyền trong mây hoặc truyền xuống mặt đất) theo thời gian thực.
Ngoài thông số thu thập từ các trạm ở Việt Nam, các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý địa cầu còn kết hợp sử dụng dữ liệu vệ tinh từ Cơ quan Vũ trụ Mỹ về thời tiết tại Việt Nam để xử lý, phân tích giông sét trên toàn lãnh thổ.