35.000 tấn rác chôn lấp mỗi ngày được xem là nguồn tài nguyên đang bị lãng phí mà Việt Nam chưa tận dụng hết cho sản xuất năng lượng.

Việt Nam đang lãng phí gần 35.000 tấn rác thải chôn lấp mỗi ngày

tuyetnhung | 20/08/2017, 06:49

35.000 tấn rác chôn lấp mỗi ngày được xem là nguồn tài nguyên đang bị lãng phí mà Việt Nam chưa tận dụng hết cho sản xuất năng lượng.

Đó là thực trạng được đưa ra tại Hội thảo tham vấn "Sổ tay hướng dẫn phát triển dự án phát điện nối lưới từ chất thải rắn tại Việt Nam" do Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 18.8 vừa qua.

Chưa sử dụng rác thải triệt để

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Trọng Thực - Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo (Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương) cho biết, với dân số hơn 93 triệu người, hàng năm lượng rác được thải ra tại Việt Nam là rất lớn, trung bình có gần 35.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn chất thải sinh hoạt nông thôn thải ra mỗi ngày. Ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, mỗi ngày có từ 7.000 - 8.000 tấn rác thải ra. Tuy nhiên, lượng rác hiện nay chưa được sử dụng triệt để để biến thành nguồn năng lượng phục vụ cuộc sống.

Theo ông Thực, có khoảng 85% lượng chất thải hiện nay tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, đòi hỏi nhiều quỹ đất, trong đó 80% là bãi chôn lấp không hợp vệ sinh tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và chưa tận dụng được hiệu quả nguồn năng lượng sinh ra.

Trong khi đó, để khuyến khích việc xử lý hiệu quả chất thải rắn cho sản xuất năng lượng, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích như giá mua điện (FIT) ở mức 10,05 US cents/kWh cho các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn sử dụng công nghệ đốt trực tiếp.

Theo chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo được phê duyệt vào cuối năm 2015, tỷ lệ xử lý chất thải rắn đô thị cho mục tiêu năng lượng được sự kiến sẽ tăng từ mức không đáng kể hiện nay lên 30% vào năm 2020, xấp xỉ 70% vào năm 2030 và phần lớn chất thải rắn sinh hoạt đô thị sẽ được sử dụng cho mục đích sản xuất năng lượng vào năm 2050.

Thế giới đã tận dụng từ lâu

Ông Ingmar Stelter, Giám đốc Chương trình Hỗ trợ năng lượng Bộ Công Thương (GIZ) cho biết, sản xuất năng lượng từ chất thải hiện đang trở thành một giải pháp hữu hiệu trên thế giới. Với Việt Nam, đây cũng sẽ được xem là giải pháp cho những thách thức về môi trường và nhu cầu sử dụng đất tại các đô thị, đồng thời đóng góp vào sản xuất năng lượng bền vững của quốc gia.

Ông Ingmar nhìn nhận có 35.000 tấn rác đô thị được thải ra mỗi ngày tại Việt Nam được chôn lấp, nhưng lượng đất dùng làm bãi rác thì không thể dùng cho các hoạt động khác như bất động sản hay phát triển kinh tế, đây là nguồn lãng phí lớn. Theo dự báo, khoảng 10-15 năm nữa, Việt Nam phải sử dụng năng lượng tăng gấp 3 lần hiện nay.

Nhiều ý kiến cho rằng sản xuất điện từ rác thải thì đắt hơn so với các mô hình truyền thống như than, tuy nhiên theo ông Ingmar Stelter, ý kiến trên chỉ đúng một phần bởi phải tính toán đến các lợi ích khác như không phải sử dụng đất để chôn rác, thải loại rác theo mô hình này sẽ không ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, ông Trương Việt Anh, đại diện Công ty Fecom đề xuất cần ổn định về nguồn rác cho các nhà đầu tư là vấn đề cốt yếu. Thực tế ở Việt Nam hiện nay nguồn rác đang bị lãng phí, như nguồn rác Nam Sơn, mỗi ngày có từ 5.000-6.000 tấn rác được chở đi chôn lấp. Trong khi đó nhiều nhà đầu tư không thể tìm được nguồn rác ổn định để phát triển. Đó là một nghịch lý đã diễn ra nhiều năm nay mà chưa tìm được cách giải quyết.

Giải đáp những thắc mắc trên, ông Phạm Trọng Thực cho rằng khi làm Quyết định 31, vấn đề chấm dứt chôn lấp rác vào năm 2020 đã đưa ra hội thảo nhiều lần. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề xuất không nên đưa vào Quyết định bởi Việt Nam vẫn chưa tìm được công nghệ xử lý phù hợp.

"Bộ Công Thương quan tâm đến vấn đề biến rác thành tài nguyên, phục vụ cho con người, giảm ô nhiễm. Phương pháp đốt là nhanh nhất nhưng chưa phải là tối ưu", ông Thực cho hay.

Đề xuất công nghệ chuyển đổi chất thải rắn thành năng lượng cho Việt Nam, ông Joerg Wagner - đại diện Công ty TNHH Intecus cho rằng Việt Nam có thể sử dụng việc chuyển đổi bằng công nghệ xử lý nhiệt hoặc xử lý sinh học như nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cần quan tâm đến hàm lượng hữu cơ cao trong chất thải rắn.

"Chuyển đổi chất thải rắn thành năng lượng đang và sẽ tăng lên phù hợp với nhu cầu của thế giới. Trong những năm gần đây, động lực tăng trưởng là từ các nước đã phát triển. Chuyển đổi chất thải rắn thành năng lượng đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc như: có năng lượng sạch, công việc phù hợp, tăng trưởng kinh tế, giảm thiểu biến đổi khí hậu...", ông Joerg Wagner nói.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam đang lãng phí gần 35.000 tấn rác thải chôn lấp mỗi ngày