Sáng 14.9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung chủ trì khai mạc Hội thảo về hỗ trợ nhóm công tác ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong nỗ lực giảm phát thải.
Thứ trưởng Hoàng Trung cho rằng: “ĐBSCL là vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hóa. Đây là vùng có trên 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu và 45% sản lượng trái cây trên toàn quốc. Về cây lúa, năm 2023 ước đạt gieo trồng hơn 3,8 triệu ha. Quy mô này khiến lượng phát thải tăng rất cao, vì vậy Việt Nam sẵn sàng kêu gọi sự hợp tác và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới nỗ lực hướng tới xây dựng nền nông nghiệp phát thải thấp.
Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, lúa là một trong những loại cây trồng phát thải nhiều nhất, nhưng cũng có tiềm năng giảm phát thải cao nếu áp dụng các giải pháp sản xuất, thực hành công nghệ tốt. Do đó, Bộ NN-PTNT đã lập kế hoạch phát triển ngành hàng lúa gạo với tầm nhìn sản xuất chất lượng cao, giàu dinh dưỡng và bền vững, thiết lập mối liên kết mạnh mẽ giữa các công ty xuất khẩu, nhằm phát triển chuỗi cung ứng và chuyển đổi ngành từ đơn giá trị sang đa giá trị tích hợp.
Trong đó, Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (Gọi tắt: Chương trình 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao) là một trong những nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi này.
Bộ NN-PTNT cũng đang triển khai Trung tâm Đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm để cung cấp giải pháp công nghệ xanh trong sản xuất nông nghiệp khu vực ASEAN.
Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh, Việt Nam sẵn sàng kêu gọi sự hợp tác và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt từ khu vực tư nhân để hiện thực hóa các chương trình này. Bộ NN-PTNT triển khai nhiều chương trình hợp tác quốc tế thực hiện chuyển đổi ngành nông nghiệp, đưa Việt Nam là quốc gia điển hình sản xuất gạo phát thải thấp ở ASEAN.