Sáng nay 11.6, tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nói: “Tôi nhận thức rằng, chiến lược phát triển của Việt Nam nói chung và chiến lược tài chính nói riêng từ bây giờ trở đi không thể không tính đến yếu tố Trung Quốc. Nhiều cử tri bức xúc, liên lạc đề nghị chất vấn về vấn đề này”.
“Xin cho biết bằng thông tin và số liệu mức độ phụ thuộc và lệ thuộc nếu có về tài chính của Việt Nam đối với Trung Quốc. Cụ thể là nợ công mà chủ nợ là nhà nước hoặc DNNN Trung Quốc, nguồn vốn, vốn ODA từ Trung Quốc và các dự án có liên quan. Hiệu quả chất lượng của các dự án này. Vốn của các DN tư nhân, hoặc nhà nước Trung Quốc trong các công ty cổ phần hóa của Việt nam (nếu có). Tình hình các DN trung Quốc thâu tóm và chi phối nền kinh tế Việt Nam, thị trường Việt Nam thông qua hoạt động mua bán công ty, các chính sách, biện pháp của Chính phủ nói chung và Bộ Tài chính nói riêng để khắc phục tình trạng và nguy cơ lệ thuộc vào tài chính Trung Quốc” - đại biểu Nghĩa nói.
Trả lời câu hỏi chất vấn này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: "Mức độ chúng ta vay của Trung Quốc không nhiều.
Về chứng khoán, đầu tư trong lĩnh vực này của các nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam đã được thống kê rất sát là chỉ 0,33% so với quy mô thị trường chúng ta. Đây là mức không lớn. Trong đó 2 nhà đầu tư lớn, đầu tư vào Vincom và Công ty Cà phê Đồng Nai. Số còn lại là nhà đầu tư nhỏ, không đáng kể. Hai nhà đầu tư lớn là dài hạn nên chúng tôi nghĩ là không lo ảnh hưởng lớn.
Những thông tin về tổng số nợ vay, ODA, các dự án của Trung Quốc, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng xin phép Quốc hội được trả lời trực tiếp với đại biểu. “Bộ đã chuẩn bị toàn bộ số liệu, văn bản này rồi. Chúng tôi cho rằng, các con số này không ảnh hưởng lớn”.
Theo Vũ Hạnh (VOV)