Nhiều ngân hàng cho biết đối với những khách hàng tốt, các ngân hàng thương mại "tranh nhau cho vay", và ngược lại, lưu ý có những nhóm khách hàng cần phải thận trọng để đề phòng rủi ro.
Tăng trưởng tín dụng rất thấp
Đến thời điểm hiện tại tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 8,4%, thấp hơn so với kế hoạch 14,5% trong năm 2023.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 23.11.2023 dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối tháng 12 năm ngoái mức đã giao cho các tổ chức tín dụng.
Như vậy, có thể thấy phần còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, khoảng 6,2%, tương đương khoảng 735 nghìn tỉ đồng để cấp cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao chủ yếu do nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, quá trình phục hồi còn chậm nên cầu tín dụng giảm và sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế còn yếu…
Trong khi đó, báo cáo của NHNN cho hay chỉ trong tháng 9, số dư tổng phương tiện thanh toán tăng hơn 225.000 tỉ đồng, lên 15,025 triệu tỉ đồng, tăng hơn 5,02% so với cuối năm 2022. Riêng lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng khá mạnh, với 217.000 tỉ đồng, lên 6,23 triệu tỉ đồng. Tốc độ tăng tiền gửi của khối tổ chức nhanh hơn so với dân cư trong những tháng gần đây.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng các DN đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhiều DN phải co cụm, thu hẹp hoạt động, dẫn tới nhu cầu vay vốn xuống thấp. Thậm chí, nếu có vốn nhàn rỗi thì DN cũng thường gửi ngân hàng để chờ cơ hội thời gian tới.
Theo vị chuyên gia, từ việc ngân hàng thừa tiền, còn DN lại khát vốn cho thấy cung và cầu tín dụng không gặp được nhau. Không ít DN có nhu cầu vay vốn thì lại không đáp ứng được các điều kiện vay vốn, khó chứng minh khả năng trả nợ…
TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng phân tích, trong bối cảnh các DN gặp nhiều khó khăn, vẫn còn khoản nợ, trong khi không còn tài sản bảo đảm, phương án kinh doanh không chắc chắn… nên họ không đáp ứng đủ điều kiện để cho vay. Do đó, ngân hàng cũng không thể cho vay được.
Theo Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam (VIRES), trong bối cảnh hiện nay, thay vì dựa vào đòn bẩy tài chính ngân hàng như thường lệ, nhiều DN chủ động chọn giải pháp tiết giảm chi phí, thu gọn quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này dẫn đến tình trạng các tổ chức tín dụng muốn cho vay nhưng không cho vay được.
Mặt khác, gia tăng tín dụng chỉ bằng biện pháp giảm lãi suất mà không song hành với các biện pháp củng cố tổng cầu, đồng thời tìm mọi cách để đẩy vốn ra thị trường sẽ khiến nguồn vốn tín dụng chuyển tải đến các dự án sản xuất kinh doanh thiếu bền vững, không chắc chắn về phương án trả nợ.
Do thiếu các dự án sản xuất kinh doanh có tính khả thi, có khả năng hoàn trả nợ vay, các nỗ lực đẩy mạnh vốn ra thị trường có thể bị rơi vào tình trạng vốn tín dụng được chuyển tới các lĩnh vực có tính đầu cơ. Từ đó, một số thị trường tăng giá bong bóng trở lại.
Làm ngân hàng thì “ai cũng thích cho vay”
Tại cuộc họp với Phó thủ tướng Lê Minh Khái chiều qua, các ngân hàng cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra trong năm nay 14,5% cao hơn trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, cầu tín dụng suy giảm, dù mặt bằng lãi suất cho vay đã hạ sâu, nhiều chương trình ưu đãi được triển khai… nhưng việc giải ngân vẫn gặp khó khăn.
Các ngân hàng cũng cho rằng hiện không thiếu vốn nhưng để bơm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng, vấn đề không chỉ nằm ở công tác điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng hay room tín dụng mà còn nằm ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
“Làm ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại thì "ai cũng thích cho vay", không cho vay được là thất nghiệp. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, tất cả các phân khúc khách hàng đều bị ảnh hưởng nên giải ngân tín dụng là bài toán khó”, đại diện một ngân hàng nói.
Thực tế cho thấy, khi thị trường nước ngoài giảm sút, tổng cầu trong nước và thế giới đều giảm, DN không có đơn hàng, co cụm lại, không những không vay vốn mà khi bán được hàng tồn kho còn trả lại tiền cho ngân hàng. Những người có khả năng vay và trả thì không có nhu cầu, bởi nếu vay vốn sản xuất mà để tồn kho thì rất nguy hiểm.
“Chính vì vậy đối với những khách hàng tốt, các ngân hàng thương mại "tranh nhau để cho vay", nhưng cũng có những nhóm khách hàng cần phải thận trọng để để phòng ngừa rủi ro”, phía ngân hàng nêu rõ.
Cho rằng "không thể vỗ tay bằng một bàn tay", các ngân hàng thương mại đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp tổng thể hơn, nhất là giải quyết những vướng mắc pháp lý liên quan tới các dự án bất động sản; triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư, qua đó khơi thông "mạch máu" tín dụng.
Chia sẻ quan điểm "không thể vỗ tay bằng một bàn tay" của đại diện một ngân hàng thương mại nêu trong cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho rằng "nếu 2 bàn tay mà không vỗ trúng vào nhau thì cũng không thể thành tiếng". Do đó ông Khái đề nghị NHNN và các ngân hàng cần phải chủ động hơn nữa, sẵn sàng hơn nữa để giải ngân vốn kịp thời khi doanh nghiệp, người dân có nhu cầu và đảm bảo điều kiện.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN và nền kinh tế. Trong đó, thực hiện tốt mục tiêu vừa bảo đảm bơm vốn cho nền kinh tế vừa giữ an toàn hệ thống tín dụng, tạo đà cho sự phát triển tốt hơn trong năm 2024.