Thủ tướng phê bình các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công, đồng thời yêu cầu các cơ quan này xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.

Giải ngân đầu tư công: Áp lực 'tiêu' 247.000 tỉ đồng trong 35 ngày

Lam Thanh | 27/11/2023, 14:22

Thủ tướng phê bình các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công, đồng thời yêu cầu các cơ quan này xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.

Giải ngân cao hơn 122,6 nghìn tỉ đồng so với cùng kỳ

Theo báo cáo tại hội nghị của Thường trực Chính phủ về đầu tư công ngày 27.11, giải ngân đến hết tháng 10.2023 đạt gần 389,7 nghìn tỉ đồng (55,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), tăng 3,68% và tăng trên 99 nghìn tỉ về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.

Ước giải ngân đến hết tháng 11.2023 đạt gần 461 nghìn tỉ (65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), cao hơn 6,77% và cao hơn 122,6 nghìn tỉ về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh các cơ quan giải ngân tốt thì có 21/52 bộ, cơ quan trung ương và 30/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao với tổng số vốn phân bổ chậm gần 16,2 nghìn tỉ đồng.

Có 43 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Đến hết tháng 11, bình quân các bộ, cơ quan, địa phương này chỉ đạt tỷ lệ giải ngân khoảng 44%, thấp hơn nhiều bình quân chung cả nước (65,1%), trong đó 15 bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân được dưới 15%, 8 địa phương giải ngân dưới 50%.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu: "Mặc dù chúng ta làm tương đối tốt so năm ngoái, nhưng tại sao Thường trực Chính phủ lại phải tổ chức hội nghị này vào thời điểm cuối năm? Qua đánh giá chi tiết, hiện còn nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức giải ngân trung bình của cả nước”.

Phó thủ tướng cho rằng tuy có nhiều chuyển biến nhưng chưa phát huy được tốt vai trò động lực của giải ngân và thực hiện đầu tư công. Trong môi trường pháp lý và chỉ đạo như nhau, nhưng có cơ quan, địa phương giải ngân tốt, có cơ quan, địa phương giải ngân chậm hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết còn nhiều dự án lớn, trọng điểm quốc gia còn chậm tiến độ, bố trí kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư chậm; công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách chưa tốt, chưa sát với thực tiễn, khả năng thực hiện, còn dàn trải, bình quân, thiếu trọng tâm, trọng điểm; công tác chuẩn bị dự án còn hạn chế, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chưa phù hợp, dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần…

tt-1.jpeg
Thường trực Chính phủ họp về giải ngân vốn đầu tư công

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, còn vướng mắc trong tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất; một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chậm ban hành, chậm được sửa đổi, còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất; có tình trạng thiếu đất, cát và nguyên vật liệu thi công, nhất là thiếu hụt cát sử dụng trong đắp nền để thi công các dự án giao thông trọng điểm quốc gia…

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng phê bình các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công. Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương này cần nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công.

Còn 35 ngày để quyết tâm

Thủ tướng nêu rõ, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc niên độ ngân sách nhà nước năm 2023, trong khi khối lượng giải ngân còn khá lớn (còn khoảng 247 nghìn tỉ đồng).

Thủ tướng đề nghị mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu, cần nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm với dân với nước để "không cần phải họp nhiều mà công việc vẫn chạy"; lấy khó khăn, thách thức là động lực để phấn đấu vươn lên, quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch được giao năm 2023.

Thủ tướng nêu rõ cần bám sát, nhận diện và đánh giá đúng, trúng tình hình; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; chủ động, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách, trên nguyên tắc cấp nào ban hành, cấp đó phải tháo gỡ, trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền; phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân.

tt-2.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, bảo đảm hiệu quả, thực chất trong xử lý công việc.

"Xác định đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành, nhất là những công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, các công trình, dự án liên vùng, có tính lan tỏa cao...", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm (đặc biệt là về đất đai, tài nguyên, bãi đổ thải…); cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn; kiểm điểm, xử lý, thay thế kịp thời các công chức, viên chức yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ, dẫn tới dự án kéo dài, đội vốn, lãng phí.

Bài liên quan
Thủ tướng: Không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ
Nhấn mạnh vai trò của doanh nhân, Thủ tướng cho biết không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ và đất nước sẽ không thể thịnh vượng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp các Tổng thống Guinea-Bissau, Madagascar và Ghana
một giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19, tại Lâu đài Villers-Cotterêts, Pháp, chiều 4.10.2024 (giờ địa phương), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp xúc ngắn với Tổng thống Guinea-Bissau Umaro Sissoco Embaló, Tổng thống Madagascar Andry Nirina Rajoelina và Tổng thống Ghana Nana Addo Dankwa Akuffo-Addo.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải ngân đầu tư công: Áp lực 'tiêu' 247.000 tỉ đồng trong 35 ngày