Thanh tra Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế đã vào cuộc kiểm tra quầy thuốc Tốt số 33 tại Bệnh viện đa khoa Chân Mây (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế), tuy nhiên, quầy thuốc này trông rất khác so với khi vụ việc mới xảy ra.

Vụ bán thuốc hết hạn cho bệnh nhi: Tạm đình chỉ công tác dược sĩ

Lê Đình Dũng | 24/04/2018, 15:21

Thanh tra Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế đã vào cuộc kiểm tra quầy thuốc Tốt số 33 tại Bệnh viện đa khoa Chân Mây (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế), tuy nhiên, quầy thuốc này trông rất khác so với khi vụ việc mới xảy ra.

Sáng 24.4, đoàn thanh tra thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế do Phó chánh thanh tra Sở Y tế tỉnh Võ Đại Tùng đã về Bệnh viện đa khoa Chân Mây tiến hành thanh tra những nội dung liên quan đến việc bán thuốc hết hạn cũng như tổ chức hoạt động tại quầy thuốc lẻ thuộc của Công ty cổ phần dược trung ương Medipharco – Tenamyd đặt trong Bệnh viện đa khoa Chân Mây.

Trước đó, ngày 23.4, Cục quản lý dược, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế tỉnh kiểm tra, xác minh và xử lý những vấn đề mà báo Một Thế Giới phản ánh.

Tại buổi làm việc đã làm việc với các bên liên quan như Ban giám đốc Bệnh viện đa khoa Chân Mây, đại diện Công ty cổ phần dược trung ương Medipharco – Tenamyd, chủ quản quầy thuốc Tốt số 33. Đoàn thanh tra cũng đã gặp anh Nguyễn Quốc Thiện (39 tuổi, ở xã Lộc Thủy), người nhà bệnh nhi trót mua thuốc cho con uống để thăm hỏi sức khỏe, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của gia đình bệnh nhi để có hướng xử lý.

Sự trống trải khác thường ở quầy thuốc Tốt 33 lúc đoàn thanh tra Sở Y tế kiểm tra sáng 24.4

Theo thỏa thuận ban đầu, trong vài ngày tới con anh Thiện sẽ được đưa đi bệnh viện tuyến trên tại TP.Huế để khám, kiểm tra tổng quát sức khỏe để có hướng điều trị. Ngoài ra trong vòng 6 tháng tới, mỗi tháng một lần, con anh Thiện sẽ khám định kỳ tại Bệnh viện đa khoa Chân Mây, các chi phí phát sinh trong việc khám và điều trị con anh Thiện sẽ do Công ty cổ phần dược trung ương Medipharco – Tenamyd lo.

Làm việc với đoàn thanh tra, anh Thiện tái khẳng định quan điểm của anh là yêu cầu doanh nghiệp, các đơn vị liên quan có trách nhiệm phải thu hồi số thuốc hết hạn đã trót bán ra cho bệnh nhân cũng như việc tổ chức khám, đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhi nếu đã uống thuốc hết hạn mua từ quầy thuốc Tốt 33 để có hướng điều trị tích cực.

Đoàn thanh tra ghi nhận ý kiến anh Thiện, tuy nhiên trước mắt sẽ giải quyết trường hợp của con anh Thiện, những trường hợp bệnh nhi khác tiếp tục xác minh, tiếp nhận và xử lý sau.

Một thành viên đoàn thanh tra Sở Y tế Thừa Thiên – Huế ghi chép công việc thanh tra quầy thuốc Tốt 33 của Công ty cổ phần dược trung ương Medipharco – Tenamyd

Ngay trong sáng ngày 24.4 đoàn thanh tra đã tiến hành kiểm tra thực tế việc tổ chức hoạt động tại quầy thuốc Tốt số 33, trong đó kiểm tra các loại thuốc, sổ sách ghi chép cũng như các hoạt động khác có đảm bảo theo quy định của pháp luật hay không.

Đáng chú ý, vào thời điểm này số hộp, gói và nhiều loại thuốc, dược phẩm, thực phẩm chức năng trưng bày tại quầy thuốc trông rất khiêm tốn; khá nhiều ô hộc, ngăn đựng thuốc có dấu hiệu không còn trưng một số loại thuốc như ngày 20.4 – thời điểm mà người nhà bệnh nhân, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Chân Mây, chính quyền địa phương cùng PV Một Thế Giới và đồng nghiệp tiếp cận, ghi nhận sự việc bán thuốc hết hạn cho người nhà bệnh nhi.

Mặc dù đã nhận được thông tin, nhưng sự vào cuộc chậm trễ của Thanh tra Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế rất có thể đã tạo điều kiện cho việc tẩu tán những loại thuốc, dược phẩm và những hàng hóa khác bày bán tại quầy thuốc này không đúng quy định của pháp luật. Sau khi kết thúc đợt kiểm tra vàotrưa cùng ngày 24.4, quầy thuốc Tốt đã được niêm phong.

Theo thông tin mới nhất mà chúng tôi vừa nhận được, lãnh đạo Công ty cổ phần dược trung ương Medipharco – Tenamyd đã có quyết định tạm đình chỉ công tác chuyên môn với dược sĩ Nguyễn Thị Tự - nhân viên Phòng kinh doanh thị trường thuộc Công ty cổ phần dược trung ương Medipharco – Tenamyd, người đảm trách quầy thuốc Tốt 33 đã bán thuốc hết hạn cho người nhà bệnh nhi.

Nguyên nhân tạm đình chỉ công tác là do dược sĩ Tự vi phạm quy chế quản lý chất lượng, bán thuốc hết hạn sử dụng; việc tạm đình chỉ công tác là để làm bản tường trình và phục vụ công tác kiểm tra, xác minh vụ việc do vi phạm quản lý chất lượng thuốc.

Người nhà bệnh nhân có quyền khởi kiện công ty bán thuốc quá hạn

Liên quan việc nhân viên Công ty cổ phần dược trung ương Medipharco – Tenamyd bán thuốc hết hạn cho bệnh nhi, Luật sư Luật sư Võ Công Hạnh (Công ty Luật Công Khánh, Huế), cho biết hành vi bán thuốc hết hạn có thể bị xử lý hành chính theo quy định Nghị định 176/2013/NĐ-CP, ngày 14.11.2013, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, cụ tế. Cụ thể: Người vi phạm bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng – 20.000.000 đồng (điểm a, Khoản 5 Điều 40 Nghị định 176).

Hình phạt bổ sung đối với hành vi này là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược đối với cá nhân hành nghề dược, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc đối với cơ sở kinh doanh trong thời hạn từ 3 tháng đến 6 tháng (điểm b, Khoản 7, Điều 40 Nghị định 176). Đồng thời, buộc cơ sở kinh doanh dược thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Khoản 8 Điều 40 Nghị định, bao gồm: Hoàn trả lại số tiền bán thuốc đã thu được từ việc bán thuốc hết hạn; tiêu hủy thuốc theo quy định. Trong trường hợp mà việc sử dụng thuốc gây ra thiệt hại về sức khỏe đối với người dùng thì cơ sở kinh doanh dược còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho người bị thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.

- Phóng viên:Hiện Công ty Cổ phần dược trung ương Medipharco – Tenamyd vẫn chưa rõ có baonhiêu bệnh nhi đã trót uống số thuốc Hapacol mà nhân viên công ty đã bán để có thể thu hồi. Ông đánh giá mức độ sự việc này như thế nào?

Luật sư Võ Công Hạnh:Thực tế là việc bán thuốc của các quầy thuốc không được quản lý chặt chẽ tạo sự tuỳ tiện cho đơn vị dược trong việc kiểm tra thuốc hết hạn hoặc thậm chí biết thuốc hết hạn nhưng vẫn bán vì tự tin rằng thuốc hết hạn nhưng vẫn còn sử dụng được và không gây hậu quả nguy hiểm cho người bệnh. Mặc khác người bán và cả người mua thuốc tự kê dơn không theo đơn thuốc của bác sĩ dẫn đến khó để kiểm tra số lượng bệnh nhân đã dùng thuốc hết hạn nói trên. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng vì dùng thuốc hết hạn có thể gây hậu quả ngay lập tức hoặc những biến chứng về sau. Đối với các bệnh nhân đã xác định được dùng thuốc quá hạn, phải tiếp tục theo dõi. Trong trường hợp phát sinh những biến chứng từ việc dùng thuốc trên thì công ty, bệnh viện phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường.

- Trường hợp nào thì bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân khởi kiện Công ty Cổ phần dược trung ương Medipharco – Tenamyd ra tòa án và liệu tòa có thụ lý, thưa ông?

Luật sư Võ Công Hạnh:Trong trường hợp này bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có quyền khởi kiện Công ty cổ phần dược trung ương Medipharco – Tenamyd, đơn vị bán thuốc quá hạn và Toà án phải thụ lý vụ việc dựa trên những chứng cứ, hoá đơn và số lượng thuốc đã được bán và đã uống. Các yêu cầu về bồi thường thiệt hại về mặt sức khỏe cũng như tổn hại về tinh thần sẽ được đặt ra trong quá trình Toà án thụ lý và giải quyết vụ việc.

- Cảm ơn ông.

Nhật Lam (thực hiện)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ bán thuốc hết hạn cho bệnh nhi: Tạm đình chỉ công tác dược sĩ