Tại dự án "đất vàng" số 8 - 12 Lê Duẩn, P.Bến Nghé, Q.1 (TP.HCM) có quá nhiều bất thường trong quá trình biến tài sản sở hữu nhà nước vào tay tư nhân.

Vụ 'đất vàng' 8-12 Lê Duẩn: Nhóm lợi ích lũng đoạn tài sản nhà nước?

10/12/2018, 07:51

Tại dự án "đất vàng" số 8 - 12 Lê Duẩn, P.Bến Nghé, Q.1 (TP.HCM) có quá nhiều bất thường trong quá trình biến tài sản sở hữu nhà nước vào tay tư nhân.

Khu đất vàng số 8 - 12 Lê Duẩn nhìn từ trên cao - Ảnh: Báo TN

Giao “đất vàng” trái luật

Theo tìm hiểu của báo Thanh Niên, khu đất số 8 - 12 Lê Duẩn diện tích hơn 4.896m2, có lợi thế đặc biệt về thương mại; sau khi được xác lập quyền sở hữu nhà nước vào năm 1994, UBND TP.HCM giao cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM quản lý, cho thuê. Căn cứ theo luật định, nếu khai thác khu "đất vàng" này, buộc phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án, bởi trường hợp này không thuộc diện được giao chỉ định. Tuy nhiên, việc tổ chức thẩm định, đấu giá đất để triển khai dự án đã không được thực hiện.

Vào thời điểm năm 2010, dự án khách sạn cao cấp, trung tâm thương mại và căn hộ cho thuê trên “đất vàng” số 8 - 12 Lê Duẩn có tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 2.700 tỉ đồng. Theo đó, UBND TP.HCM giao chỉ định các cổ đông nhà nước được quyền thực hiện dự án, cụ thể là Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM giữ tỷ lệ vốn góp 50% (tương ứng khoảng 1.300 tỉ đồng); 4 đơn vị được thuê đất trước đó, thuộc Bộ Công Thương: Công ty cổ phần Hóa chất vật liệu điện TP, Công ty cổ phần Kim khí TP, Công ty cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn và Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu Vitaco (gọi tắt là 4 công ty thuộc Bộ Công Thương) góp 50% vốn còn lại (mỗi công ty góp 12,5%).

Một điểm rất đáng chú ý là vào thời điểm đó, vốn điều lệ của Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM chỉ có khoảng 635 tỉ đồng, không đủ điều kiện tham gia đầu tư dự án; bởi lẽ đối chiếu với quy chế quản lý tài chính tại Nghị định 09/2009 của Chính phủ, công ty này chỉ được phép sử dụng tối đa không quá 30% tổng nguồn vốn để đầu tư vào các lĩnh vực không phải là ngành nghề kinh doanh chính và tổng mức đầu tư ra ngoài công ty không vượt quá mức vốn điều lệ. Tương tự, 4 công ty thuộc Bộ Công Thương cũng không có năng lực tài chính.

Liên quan đến vấn đề này, qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ (TTCP) khẳng định việc không triển khai tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư uy tín và có năng lực tài chính, mà tiến hành giao chỉ định nhà đầu tư là “vi phạm quy định pháp luật”.

Bị lũng đoạn

Trên thực tế, tài sản sở hữu nhà nước đối với “đất vàng” số 8 - 12 Lê Duẩn bị lũng đoạn ngay trước khi UBND TP.HCM đồng ý phương án các cổ đông nhà nước (Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM và 4 công ty thuộc Bộ Công Thương) lập công ty cổ phần thực hiện dự án (vào tháng 10.2010). Hệ quả là quyền chi phối, khai thác tài sản sở hữu nhà nước “rơi” vào tay tư nhân một cách “chớp nhoáng”.

Minh chứng là Công ty TNHH một thành viên Hoa Tháng Năm đăng ký thành lập vào ngày 6.4.2010 do bà Lê Thị Thanh Thúy đứng tên chủ sở hữu và làm giám đốc; đến ngày 6.8.2010 (4 tháng sau thành lập), công ty này đề nghị hợp tác đầu tư thực hiện dự án.

5 ngày sau đó, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM có văn bản đề nghị UBND TP.HCM, và chỉ sau thêm 6 ngày nữa (ngày 17.8.2010) Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm được chấp thuận hợp tác đầu tư với tỷ lệ 30% vốn góp, trong tổng 50% vốn góp mà Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM sở hữu. Điều đáng nói là theo biên bản làm việc với Thanh tra TP.HCM ngày 8.4.2013, kể từ ngày thành lập, Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm chưa tham gia thực hiện bất cứ dự án nào, cũng không có cơ quan nào thẩm định và kết luận công ty này có năng lực về tài chính.

Cùng thời điểm trên, ngày 20.8.2010, 4 công ty thuộc Bộ Công Thương “đi đêm” ký thỏa thuận với Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty TNHH đầu tư Kido). Theo đó, 4 công ty thuộc Bộ Công Thương đồng ý chuyển nhượng và Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô đồng ý nhận chuyển nhượng quyền đầu tư phát triển dự án trên khu đất số 8 - 12 Lê Duẩn “theo giá trị chuyển nhượng tự thỏa thuận”. “Phi vụ” này cũng được hợp thức hóa chỉ trong vòng hơn 2 tháng; và 4 công ty thuộc Bộ Công Thương thu lợi mỗi công ty 50 tỉ đồng, đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 12,5 tỉ đồng/công ty, số tiền còn lại được dùng vào việc thuê, mua trụ sở làm việc, trích lập các quỹ và chi trả cổ tức cho cổ đông.

Liên quan đến những phi vụ “đi đêm” của cổ đông nhà nước trên, TTCP đã khẳng định “có dấu hiệu của việc cố ý làm trái các quy định của nhà nước”; trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM vì đề xuất “bán đứt” quyền chi phối, khai thác “đất vàng” cho tư nhân, gây ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước và không phù hợp quy định pháp luật. Đối với 4 công ty thuộc Bộ Công Thương, trách nhiệm chính thuộc về giám đốc và kế toán trưởng vào thời điểm năm 2010, vì đã kê khai không trung thực để được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương ưu tiên cho tham gia góp vốn thực hiện dự án, nhưng đã chuyển nhượng cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô, lấy tiền chênh lệch 50 tỉ đồng/công ty.

Kiến nghị thu hồi, đấu giá

Khu “đất vàng” số 8 - 12 Lê Duẩn đang được trao quyền sở hữu cho Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue (gọi tắt là Lavenue) với các cổ đông, tỷ lệ sở hữu cổ phần thực tế đã góp: Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM tỷ lệ 20% (tương đương 155 tỉ đồng vốn góp); Công ty TNHH Đầu tư Kido tỷ lệ 50% (tương đương hơn 387 tỉ đồng); Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm tỷ lệ 30% (tương đương 232 tỉ đồng).

Lavenue ban đầu do Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM và 4 công ty thuộc Bộ Công Thương sáng lập, nhưng qua các phi vụ chuyển nhượng trái quy định pháp luật, các cổ đông nhà nước này cũng đã “chuyển” quyền chi phối, quyền đầu tư phát triển dự án vào tay các cổ đông tư nhân. Hiện khu “đất vàng” số 8 - 12 Lê Duẩn đang làm bãi giữ xe (mới đóng 2 cọc thăm dò địa chất); và qua các đợt thanh tra, Thanh tra TP.HCM và TTCP đều có kiến nghị thu hồi, thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định (ước sẽ thu về ngân sách trên 2.000 tỉ đồng, chỉ tạm tính giá khoảng trên 400 triệu đồng/m2).

TTCP cũng đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của 4 công ty trực thuộc trong việc chuyển nhượng quyền đầu tư dự án không đúng quy định pháp luật; yêu cầu 4 công ty hoàn trả lại tiền tổng cộng 200 tỉ đồng cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (Kido), trường hợp có tranh chấp thì yêu cầu các công ty khởi kiện ra tòa theo pháp luật dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Như Thanh Niên số ra ngày 9.12 thông tin, liên quan trực tiếp đến sai phạm tại khu “đất vàng” số 8 - 12 Lê Duẩn, ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM; ông Nguyễn Hoài Nam (53 tuổi, Bí thư Quận ủy Q.2, nguyên Trưởng phòng Quản lý sử dụng đất Sở TN-MT TP.HCM); ông Đào Anh Kiệt (61 tuổi, nguyên Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM) và ông Trương Văn Út (48 tuổi, Phó trưởng phòng Quản lý đất Sở TN-MT TP.HCM) bị khởi tố cùng về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Trong đó, 3 bị can bị bắt tạm giam là Nguyễn Thành Tài, Đào Anh Kiệt và Trương Văn Út; bị can Nguyễn Hoài Nam bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

Trước đó, bị can Đào Anh Kiệt và Trương Văn Út đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, liên quan đến dự án 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng (Q.1) và dự án 15 Thi Sách (Q.1).

Hiện Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tiến hành điều tra mở rộng vụ án, làm rõ toàn bộ sai phạm của các cá nhân có liên quan tại các sở, ban, ngành của TP.HCM, Bộ Công Thương để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo Đình Phú/Báo Thanh Niên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
11 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ 'đất vàng' 8-12 Lê Duẩn: Nhóm lợi ích lũng đoạn tài sản nhà nước?