HĐXX đã đặt câu hỏi với người đại diện theo ủy quyền của Bộ Công Thương để làm rõ một số vấn đề liên quan trong vụ án Gang thép Thái Nguyên.

Vụ Gang thép Thái Nguyên: Đại diện Bộ Công Thương nói các văn bản đều ký đúng luật?!

Nhã Thanh | 13/04/2021, 20:30

HĐXX đã đặt câu hỏi với người đại diện theo ủy quyền của Bộ Công Thương để làm rõ một số vấn đề liên quan trong vụ án Gang thép Thái Nguyên.

“Không phải tất cả đều do vấn đề về giá”

Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Gang thép Thái Nguyên tại TAND TP.Hà Nội, cuối ngày 13.4, luật sư có đặt câu hỏi với người đại diện của Bộ Công Thương rằng: “Việc Bộ Công Thương ký công văn cho ý kiến đồng ý giao cho HĐQT VNS xem xét và điều chỉnh giá của gói thầu EPC số 01 tại công văn số 7355 ngày 20.8.2008 có đúng các quy định của pháp luật hay không?”. Người đại diện theo ủy quyền của Bộ Công Thương cho biết những văn bản của Bộ đều được ký đúng pháp luật.

Tại phiên tòa, người đại diện Bộ Công Thương nói cảm thấy rất đau lòng khi nhìn thấy 19 bị cáo phải đứng trước tòa hôm nay. Theo phần trả lời của người đại diện Bộ Công Thương, tại thời điểm xảy ra vụ án, nguyên nhân lớn nhất là do những biến động về giá của vật tư, thiết bị, sự khủng hoảng của thị trường…

Sau khi nghe câu trả lời từ người đại diện Bộ Công Thương, Thẩm phán Trương Việt Toàn hỏi lại: “Ông có biết quan hệ kinh tế là gì không? Là lời ăn, lỗ chịu, tối ưu hóa lợi nhuận; cứ giá lên là có quyền thay đổi hay sao? Ký hợp đồng thì phải chấp nhận cả rủi ro; không phải tất cả đều do vấn đề về giá”.

Tiếp tục chất vấn người đại diện của Bộ Công Thương, vị thẩm phán hỏi tiếp: “Vậy ông hiểu hợp đồng EPC là như thế nào?”. Chưa cần câu trả lời từ phía người đại diện Bộ Công Thương, Thẩm phán Toàn đã giải thích cặn kẽ, đây là hợp đồng xây lắp, chuyển giao theo hình thức trọn gói, đã ký hợp đồng trọn gói rồi thì lời ăn lỗ chịu, tại sao giá vật liệu xây dựng mới thấp thỏm, nhấp nhô một chút mà đã đòi hỏi?

vu-gang-thep-thai-nguyen-cac-van-ban-cua-bo-cong-thuong-deu-dung-luat.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa 

Trước câu trả lời “Bộ Công Thương ký các văn bản đều đúng pháp luật” thì HĐXX lưu ý với người đại diện: “Nếu Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan quản lý ngành mà ký các văn bản đều đúng pháp luật thì có lẽ rằng hôm nay có rất ít bị cáo, chứ không phải 19 bị cáo đứng trước tòa đâu”.

Bên cạnh đó, vị thẩm phán cũng lưu ý người đại diện Bộ Công Thương rằng nên trả lời chính xác, trách nhiệm của mình đến đâu thì phải nhận đến đó. Hợp đồng EPC có nguyên tắc riêng, Bộ Công Thương lấy tư cách gì để giới thiệu nhà thầu phụ, tại sao lại khẳng định nhà thầu phụ đủ năng lực…?

Trước đó, trả lời câu hỏi về hợp đồng EPC ký giữa Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) và đơn vị trúng thầu là Tập đoàn KH-CN và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC), đại diện của Bộ Công Thương cho biết căn cứ vào báo cáo của Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS), TISCO, Bộ Công Thương tổng hợp để trình lên Chính phủ.

Khi chủ tọa truy vấn về căn cứ để Bộ Công Thương giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ thì người đại diện Bộ Công Thương cho biết không nắm được chi tiết; những người ký hồ sơ liên quan đều đã nghỉ hưu.

vu-gang-thep-thai-nguyen-cac-van-ban-cua-bo-cong-thuong-deu-dung-luat-2-.jpg
HĐXX điều hành phiên tòa

“Vẫn còn rơi rớt tư tưởng bao cấp”

Với bị cáo Mai Văn Tinh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNS), Thẩm phán Toàn cũng giải thích rằng một phần nguyên nhân sâu xa ở đây là còn rơi rớt những tư tưởng rất bao cấp trong đầu các nhà lãnh đạo.

Theo vị thẩm phán này, chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp có quyền tự chủ riêng, tại sao lúc nào cũng báo cáo, vậy quyền tự chủ ở đâu? Nếu báo cáo thì cũng chỉ báo cáo khi chuẩn bị đầu tư, lập phương án kế hoạch đầu tư, còn khi đã phê duyệt quyết định đầu tư thì quyền tự chủ thuộc về chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp.

Với tư cách Chủ tịch HĐQT VNS, bị cáo Mai Văn Tinh nhận thấy tại thời điểm xảy ra vụ án, bị cáo đã tìm mọi biện pháp tốt nhất để khắc phục.

Sau khi phân tích, Thẩm phán Toàn còn đặt một câu hỏi cho nguyên Chủ tịch VNS: “Bị cáo có sự nể nang nhà thầu Trung Quốc không?” thì chỉ nhận được sự im lặng từ phía bị cáo Mai Văn Tinh.

Trước đó, khi trả lời những câu hỏi của luật sư, bị cáo Mai Văn Tinh khẳng định: “Tâm huyết của tôi là một người làm gang thép thì suốt đời làm gang thép. Tất cả phải tạo điều kiện phát triển, muốn như vậy thì phải xin cơ chế đặc thù, tất cả việc tôi làm đều vì mục tiêu đó. Tôi đã làm hết sức, hết lòng vì sự nghiệp. Với cá nhân, ở vai trò Chủ tịch HĐQT, tôi thừa nhận có sai sót, chưa cặn kẽ vì quá tin tưởng anh em”.

Đáng chú ý, nguyên Chủ tịch VNS cho rằng việc chuyển giao căn nhà duy nhất của vợ chồng ông không phải là tẩu tán tài sản bởi theo lời giải thích từ phía bị cáo thì vợ chồng ông có 1 căn hộ, do vợ ốm nên đã chuyển cho con gái căn nhà này để sau này mất đi có người hương khói. Theo lời khai của bị cáo, việc chuyển giao căn hộ này được thực hiện trước khi bị khởi tố điều tra.

Bài liên quan
Vụ án Gang thép Thái Nguyên: Nhiều bị cáo đề nghị xem xét lại số tiền thiệt hại
Chiều 13.4, TAND TP.Hà Nội tiếp tục tiến hành xét xử vụ án Gang thép Thái Nguyên.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần Thơ giải ngân hơn 10.468 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2024 như thế nào?
Năm 2024, TP.Cần Thơ được giao kế hoạch vốn đầu tư công hơn 10.468 tỉ đồng, đến nay đã giao chi tiết 8.804 tỉ đồng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ Gang thép Thái Nguyên: Đại diện Bộ Công Thương nói các văn bản đều ký đúng luật?!