Với người làm việc tại chỗ làm, đeo khẩu trang làm tăng nguy cơ khô mắt do không khí từ phía trên khẩu trang đi qua mắt.
Bác sĩ nhãn khoa Wesley Chong thuộc Trung tâm điều trị mắt quốc gia Singapore chỉ ra: “Trước đây ở cơ quan thời gian nghỉ trưa là dành cho đồng nghiệp và để mắt nghỉ ngơi, nay làm việc tại nhà khiến ta dành thời gian vào xem điện thoại, khiến giảm thời gian nghỉ của mắt”.
Môi trường nhà ở cũng không được tối ưu hóa cho công việc ngồi máy tính thời gian dài. Người làm việc phải sử dụng máy tính màn hình nhỏ hơn và có khả năng không đủ sáng, theo bác sĩ Chong.
Bác sĩ David Chan thuộc Trung tâm Mắt Atlas cũng lưu ý rằng khi không có thời gian làm việc cố định như ở văn phòng, nhiều người có thể làm việc nhiều hơn. “Ranh giới giữa làm việc và cuộc sống bị xóa nhòa do quá thuận tiện, các thiết bị kỹ thuật số đều trong tầm tay. Điều này khiến mắt hoạt động quá sức nên ảnh hưởng đến sức khỏe thị giác”, theo bác sĩ Chan.
Hai bác sĩ cũng cho biết giao tiếp công việc vốn tiến hành trực tiếp nay phải thông qua hình thức trực tuyến, làm tăng tổng thời gian ngồi trước màn hình. Thời gian ngồi màn hình càng kéo dài khi người ta còn xem các chương trình giải trí.
Trung tâm Mắt Atlas (Singapore) của bác sĩ Chan ghi nhận từ tháng 6.2020 đến tháng 5.2021, số người bị khô mắt, mỏi mắt hoặc đục dịch kính (hiện tượng xuất hiện chấm đen hay vệt xám nổi lơ lửng qua lại như ruồi bay) tăng 20%. Ông giải thích khi quá tập trung vào công việc và không có thời gian nghỉ ngơi thích hợp, ta ít chớp mắt hơn nên dễ khô mắt.
Với người làm việc tại chỗ làm, đeo khẩu trang cũng làm tăng nguy cơ khô mắt do không khí từ phía trên khẩu trang đi qua mắt.
Còn nguyên nhân gây mỏi mắt thường là vì làm việc trong môi trường có ánh sáng chiếu từ trên cao không đủ và đọc văn bản chữ nhỏ trên màn hình nhỏ. Người nhìn màn hình sáng và hay đọc tài liệu văn bản hay bảng tính lại hay bị đục dịch kính.
Bác sĩ Errol Chan thuộc phòng khám mắt LSC (ở Singapore) cũng nhận thấy số người trưởng thành bị mỏi mắt tăng khoảng 35% mỗi lúc Singapore phong tỏa phòng dịch, làm việc tại nhà là điều bắt buộc.
Trẻ em và học sinh, sinh viên cũng gặp vấn đề về mắt. Chui Wen Juan - Phó chủ tịch Hiệp hội Đo thị lực Singapore cho biết: “Trẻ em cận thị đang gia tăng đáng kể, có lẽ do học tại nhà hoặc trì hoãn đến gặp bác sĩ vì khám sức khỏe học đường tạm đình chỉ”.
Làm sao để bảo vệ mắt?
Cho mắt nghỉ ngơi, chớp mắt, đặt thiết bị điện tử đúng cách có thể giúp bảo vệ mắt.
Theo bà Chui: “Hãy rời mắt khỏi màn hình và nhìn khoảng cách hơn 3 mét trong 20 giây sau mỗi 20 phút làm việc”.
Bác sĩ Chong khuyến cáo đặt máy tính thấp hơn tầm nhìn ngang từ 5 - 40 độ và cách xa khoảng 0,7 mét – vị trí tối ưu đảm bảo cả mắt lẫn cổ thoải mái.
Bác sĩ Natasha Lim điều hành một phòng khám mắt cũng khuyên mọi người chú ý chớp mắt, vì khi ngồi trước màn hình thiết bị điện tử, tần suất chớp mắt thường tự động giảm từ 15 giây/cái xuống còn 2 - 3 phút/cái. Bà Lim cũng gợi ý sử dụng nước mắt nhân tạo để tránh mắt bị khô.