Tôi giỏi lo lắng đến độ đã từng cân nhắc ghi thêm kỹ năng này vào sơ yếu lý lịch của mình. Tôi giỏi nhất việc lo âu về những điều nhỏ nhặt, và cũng giỏi lo lắng về cả những chuyện thậm vô lý...
Trong suốt hơn mười năm, tôi làm nhân viên thiết kế đồ họa tại một công ty luôn phải vật lộn với những vấn đề tài chính. Công ty thường xuyên sa thải nhân sự, khiến tôi cũng không đếm xuể đã có bao nhiêu nhân viên tài năng phải ra đi. Môi trường làm việc vô cùng căng thẳng và ngột ngạt. Chúng tôi, những nhân viên còn trụ lại, không có thời gian để tư duy sáng tạo vì phải gánh thêm việc của những người đã rời đi. Đã từ lâu, đó không còn là công việc mà tôi yêu thích nữa.
Trong hoàn cảnh đó, tôi đã tìm ra được một cách giúp mình tìm lại được niềm vui sáng tạo. Tôi bắt đầu làm đồ trang sức thủ công như một thú vui và bán chúng trên trang Etsy, nền tảng mua sắm trực tuyến của Mỹ. Thời gian đầu, mỗi tháng tôi chỉ bán được một hoặc hai món hàng. Nhưng mỗi lần nghe thấy tiếng chuông thông báo đơn hàng mới vang lên trên điện thoại, tôi đều cảm thấy cực kỳ phấn khích.
Bất cứ khi nào có thời gian, tôi đều tập trung thiết kế sản phẩm mới và cửa hàng nhỏ của tôi cứ thế từng bước phát triển. Sau tám tháng, thu nhập từ công việc phụ này đã đủ để tôi thỉnh thoảng tổ chức một chuyến du lịch cuối tuần hoặc tự thưởng cho mình một bữa tối thịnh soạn. Công việc chính của tôi ngày càng trở nên căng thẳng, trong khi cửa hàng nhỏ trên Etsy này chính là một sự xoa dịu quý giá - như ánh đèn ngủ êm dịu luôn tỏa sáng trong căn nhà u tối.
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tôi lập tức thực hiện công việc mình làm giỏi nhất: lo lắng, và nhận ra mình lại tìm thêm được một nỗi lo mới: công việc kinh doanh trên Etsy của tôi có khả năng phải dừng lại. Nhưng ngạc nhiên thay, trái ngược với nỗi lo đó, doanh số hằng tuần của cửa hàng đã tăng cao gấp đôi bình thường, và tôi đã phải làm việc ngày đêm mới kịp giao các đơn hàng đến tới tấp. Trong một khoảnh khắc phấn khích thoáng qua, tôi đã nghĩ đến việc bỏ hẳn công việc chính của mình để dành toàn thời gian điều hành cửa hàng. Nhưng có quá nhiều rủi ro khi làm thế: không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hay quỹ hưu trí. Tôi luôn được dạy rằng với một vấn đề hệ trọng như thế, tốt hơn hết là tôi cứ suy nghĩ và chờ đợi thêm, đừng vội xin nghỉ việc.
Tôi tận dụng toàn bộ thời gian rảnh để thiết kế sản phẩm mới. Sản phẩm tôi đặc biệt yêu thích là một chiếc vòng tay có khắc dòng chữ “Andrà Tutto Bene”. Đó là một cụm từ tiếng Ý mà tôi từng nhìn thấy trong một bức ảnh chụp ở Venice, một trong những địa điểm du lịch yêu thích của tôi. Trong bức ảnh, những cư dân bị cách ly trong nhà đã dán lên ô cửa sổ phòng mình một biểu ngữ có viết thông điệp này với ý nghĩa: “Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi”. Câu nói đơn giản nhưng đầy cảm hứng đó không chỉ giúp cổ vũ cho một thế giới đang thống khổ giữa đại dịch, mà còn giúp trấn an những người lúc nào cũng thấy lo lắng như tôi.
Đúng lúc đó, vũ trụ lại một lần nữa thử thách tôi. Chỉ có điều lần này tôi không chắc mình có thể vượt qua được hay không. Tôi nhận được một cuộc gọi từ giám đốc nhân sự. Ông ấy thông báo rằng công ty không còn cần đến vị trí của tôi nữa. Cuối cùng cũng đến lượt tôi. “Mong cô đừng nghĩ rằng đây là quyết định cá nhân nhằm vào cô”.
Dù tôi không thích công việc của mình, cuộc gọi đó vẫn khiến tôi suy sụp. Trong lúc tôi chờ giám đốc nhân sự nói xong kịch bản đã soạn sẵn, tiếng chuông thông báo đơn hàng trên điện thoại bỗng vang lên. Một khách hàng vừa đặt mua hai chiếc vòng tay “Andrà Tutto Bene” của tôi.
Có lẽ hầu hết mọi người sẽ xem đây là một tín hiệu đáng mừng - một đơn đặt hàng đến đúng ngay lúc bị cho thôi việc. Nhưng vốn là một người hay lo lắng, tôi vẫn quay cuồng trong hàng đống nỗi sợ hãi. Chi phí bảo hiểm y tế là bao nhiêu? Lỡ như tôi không bao giờ tìm được một công việc khác thì sao? Tôi ngồi vào bàn làm việc nghĩ ngợi một lúc. Mười lăm phút sau, chuông báo đơn hàng của tôi lại vang lên. Cũng chính là khách hàng ban nãy. Cô ấy đặt mua thêm ba chiếc vòng tay.
Ngay hôm sau, tôi bắt tay vào làm năm chiếc vòng tay. Tôi đắn đo không biết có nên kể cho người đặt hàng nghe về tình huống lạ kỳ đã xảy ra với mình hay không. Nhưng tôi không muốn chia sẻ quá nhiều và khiến họ thấy khó xử. Sau khi xử lý xong đơn hàng, tôi bắt đầu giải quyết những công việc cần làm khi bị cho nghỉ việc.
Những người hay lo lắng cần được trấn an liên tục. Không phải ai cũng biết điều này, nhưng vũ trụ luôn tìm được cách giúp đỡ chúng tôi. Cứ mỗi khi tôi cần một sự trấn an, nữ khách hàng ấy luôn tìm đến. Trong thời gian tôi thương lượng về quyền lợi khi thôi việc, cô ấy đã đặt thêm ba chiếc vòng. Khi tôi cùng chồng bắt đầu tìm kiếm gói bảo hiểm y tế phù hợp, cô ấy lại đặt thêm ba chiếc nữa. Mỗi khi một làn sóng lo âu ập đến, cô ấy lại ném cho tôi một chiếc phao để bám vào.
Sau khi tôi giải quyết ổn thỏa mọi chuyện, cô ấy cũng ngừng đặt hàng. Nhưng những đơn hàng khác bắt đầu ập đến, với số lượng mà có nằm mơ tôi cũng không tưởng tượng nổi. Khách hàng của tôi chủ yếu là nữ và tôi tự hỏi có bao nhiêu người trong số họ đang gặp phải những khó khăn như tôi, cũng như đang cần được cổ vũ và khích lệ. Bao nhiêu người đang mắc kẹt với một công việc khốn khổ, đang cảm thấy căng thẳng vì đại dịch hoặc giận dữ vì tình hình chính trị bất ổn? Có rất nhiều lý do để lo lắng, ngay cả khi bạn vốn không phải là một người hay lo âu.
Tôi bắt đầu tìm cách tri ân khách hàng. Với mỗi đơn hàng, tôi đều gửi kèm thêm một chút tình cảm của bản thân - những bức thư cảm ơn viết tay, những món quà nho nhỏ gửi kèm thêm hay một tấm thiệp nhỏ chúc mọi người một ngày tốt lành. Tôi nói rằng các khách hàng của mình thật tuyệt vời và họ xứng đáng được biết điều đó.
Những phản hồi tôi nhận được còn vượt trên cả mong đợi. Tôi bắt đầu nhận được những email trả lời đáng yêu và thậm chí là một vài bức thư cảm ơn viết tay. “Khi mở gói hàng của chị, tôi đã cười tươi toe toét không kìm được... Trong những ngày tồi tệ này, lời nhắn của chị đã giúp tâm trạng tôi trở nên tươi sáng hơn rất nhiều... Thật ấm lòng và đáng quý khi nhận được những cử chỉ quan tâm nho nhỏ như thế”. Những dòng thư với thông điệp tích cực trong khoảng thời gian u ám và tuyệt vọng đã thật sự mang lại cảm giác vô cùng tuyệt vời.
Ngày nay, công việc kinh doanh của tôi vẫn đang tiến triển thuận lợi và thu nhập hằng tuần của tôi giờ đã cao hơn tiền lương tôi kiếm được ở công ty cũ. Một người hay lo lắng như tôi chưa bao giờ dám mơ đến thành công như thế. Nhưng bên cạnh thu nhập, phần tuyệt vời nhất chính là niềm vui tôi nhận được từ việc chăm sóc khách hàng, làm tôi thấy mình may mắn biết bao khi được họ quan tâm đáp lại. “Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi” và còn tuyệt vời hơn thế nữa.
"Cầu chúc bạn luôn có đủ can đảm để nắm bắt những cơ hội đến với mình".