Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã hối thúc Indonesia hành động nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 sau khi dữ liệu mới cho thấy hoạt động đi lại trong lĩnh vực bán lẻ và giải trí đã phục hồi về mức trước đại dịch tại một số khu vực trọng điểm.

WHO hối thúc Indonesia hành động khẩn cấp

TTXVN | 20/08/2021, 06:37

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã hối thúc Indonesia hành động nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 sau khi dữ liệu mới cho thấy hoạt động đi lại trong lĩnh vực bán lẻ và giải trí đã phục hồi về mức trước đại dịch tại một số khu vực trọng điểm.

Indonesia - quốc gia hồi tháng trước trở thành tâm điểm của đợt bùng phát dịch COVID-19 tại châu Á - đã áp đặt các lệnh hạn chế đi lại song hiện cho phép các trung tâm thương mại và nhà hàng tại một số khu vực được hoạt động với 25% công suất.

Báo cáo tình hình mới nhất của WHO nhấn mạnh “sự gia tăng đáng kể về hoạt động đi lại của người dân trong lĩnh vực bán lẻ và giải trí” tại các tỉnh Banten, Tây Java và Trung Java với tổng dân số khoảng 97 triệu người.

Không gian bán lẻ và giải trí được đề cập ở đây bao gồm các nhà hàng, quán cà phê, trung tâm mua sắm, thư viện, bảo tàng và công viên giải trí. Dựa trên số liệu của Google từ tuần thứ hai của tháng 8, WHO cho hay hoạt động đi lại của người dân đã đạt mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 2.2020.

Báo cáo của WHO nhấn mạnh: “Việc xây dựng một kế hoạch cụ thể và hành động khẩn cấp là rất quan trọng nhằm chặn trước và giảm thiểu tác động của việc gia tăng các hoạt động đi lại đối với sự lây lan dịch bệnh và năng lực của hệ thống y tế”.

Do ảnh hưởng của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao, số ca mắc COVID-19 hàng ngày tại Indonesia đã đạt mức kỷ lục hơn 56.000 ca vào tháng trước, đẩy các bệnh viện trên đảo Java vào tình trạng quá tải và thiếu oxy y tế nghiêm trọng.

Số ca mắc COVID-19 mới đã giảm đáng kể xuống còn khoảng 15.000 ca vào ngày 18.8, tuy nhiên tỷ lệ xét nghiệm cũng giảm trong khi tỷ lệ dương tính và số ca tử vong vẫn ở mức cao. Các chuyên gia y tế bày tỏ lo ngại rằng biến thể Delta sẽ lan rộng sang các khu vực xa xôi hẻo lánh có năng lực y tế yếu kém.

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 19.8, chín quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 92.615 ca mắc COVID-19 và 2.247 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã vượt 9 triệu ca, trong đó 198.362 người tử vong.

Trong ngày 19.8, ASEAN có ba quốc gia ghi nhận trên 20.000 ca mắc mới, gồm Malaysia (22.984 ca), Indonesia (22.053 ca) và Thái Lan (20.902 ca).

Như vậy, trong ngày thứ hai liên tiếp, Malaysia đã vượt Indonesia về số ca mắc mới hàng ngày. Đứng thứ 4 về số ca mắc hàng ngày tại ASEAN trong ngày 19.8 là Philippines với 14.895 ca. Tiếp đó là Việt Nam với 10.654 ca, Campuchia với 533 ca, Lào với 284 ca và Singapore với 32 ca. Về số ca tử vong, có 5 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (1.492 ca), Thái Lan (301 ca), Philippines (258 ca), Malaysia (178 ca), Campuchia (17 ca).

Cũng theo worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận trên 688.000 ca bệnh COVID-19 và trên 10.500 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là trên 210,7 triệu ca, trong đó trên 4,41 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 142.000 ca), Ấn Độ (37.304 ca) và Brazil (36.572 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (1.492 ca), Brazil (938 ca) và Nga (791 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ hiện là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, chiếm 1/5 số ca nhiễm (trên 38 triệu ca) và 1/7 số ca tử vong (trên 642.000 ca). Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong, hiện đã trên 572.000 ca, trong khi Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm với trên 32,3 triệu ca.

Châu Á đã vượt xa các khu vực khác về số ca nhiễm với trên 67 triệu ca.

Châu Âu đứng thứ hai đang có trên 53,8 triệu ca. Con số này của Bắc Mỹ là 45,7 triệu và Nam Mỹ là 36,4 triệu ca.

Số ca tử vong của châu Á cũng đã vượt Bắc Mỹ, hiện lên tới trên 984.000 ca, trong khi Bắc Mỹ có trên 968.000 ca. Tuy nhiên, châu Âu và Nam Mỹ đứng đầu thế giới về số ca tử vong, lần lượt là 1,15 triệu ca và 1,11 triệu ca.


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tiếp tục phổ biến câu chuyện về ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy kinh tế số nông thôn
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong quý 2.2024, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các câu chuyện về ứng dụng công nghệ số nhằm thúc đẩy, phát triển kinh tế số, xã hội số tại các vùng nông thôn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
WHO hối thúc Indonesia hành động khẩn cấp