Đối mặt với thất bại nặng nề về tình báo, cuộc khủng hoảng con tin và sự phát động của một cuộc chiến khốc liệt, Thủ tướng Israel Netanyahu đang nỗ lực tập hợp công chúng đứng về phía mình.

WSJ: Thủ tướng Netanyahu đang cứu vãn sự nghiệp chính trị của mình

Hoàng Vũ (theo Wall Street Journal) | 30/10/2023, 21:21

Đối mặt với thất bại nặng nề về tình báo, cuộc khủng hoảng con tin và sự phát động của một cuộc chiến khốc liệt, Thủ tướng Israel Netanyahu đang nỗ lực tập hợp công chúng đứng về phía mình.

Theo Wall Street Journal, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đưa ra lời xin lỗi hiếm hoi hôm 29.10, vô tình tạo nên cuộc khủng hoảng chính trị có thể nhấn chìm ông.

Khi đối mặt với những chỉ trích ngày càng tăng về cuộc tấn công của Hamas khiến 1.400 người Israel thiệt mạng, ông Netanyahu đã chỉ trích các lãnh đạo tình báo của ông trên nền tảng X, nói rằng họ chưa bao giờ cảnh báo ông rằng Hamas đang lên kế hoạch cho cuộc tấn công quy mô lớn vào ngày 7.10, nhưng sau đó đã rút lại bình luận của mình và đưa ra lời xin lỗi.

thu-tuong-israel.png
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - Ảnh: Reuters

Bình luận được đăng lúc 1 giờ sáng 29.10 (giờ địa phương), đã gây ra rúng động về chính trị và rạn nứt trong nội các chính quyền ông Netanyahu. Trong khi các quan chức hàng đầu Israel đều thừa nhận thất bại của họ, ông Netanyahu thì không. Ông chỉ nói rằng sẽ có thời gian để hỏi những câu hỏi hóc búa, kể cả về chính bản thân ông, sau chiến tranh.

"Không có lúc nào và không có giai đoạn nào Thủ tướng Netanyahu được cảnh báo về ý định chiến tranh của Hamas. Ngược lại, tất cả các quan chức an ninh, bao gồm cả người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội và người đứng đầu Shin Bet (Cơ quan An ninh nội địa Israel), ước tính rằng Hamas đã bị răn đe và quan tâm đến một thỏa thuận”, ông Netanyahu cho biết trong bài đăng bị xóa.

Trong bài đăng thứ hai trên X khoảng 10 giờ sau, ông Netanyahu viết: “Tôi đã sai. Những bình luận kia đáng ra không nên được đưa ra và tôi xin lỗi vì điều đó. Tôi hoàn toàn ủng hộ tất cả những người đứng đầu các cơ quan an ninh… Cùng nhau, chúng ta sẽ giành chiến thắng”.

Những bình luận ban đầu của ông Netanyahu đã nhanh chóng bị các đồng minh hiện tại và trong quá khứ chỉ trích, bao gồm cả ông Benny Gantz, cựu Bộ trưởng Quốc phòng hiện là thành viên nội các chiến tranh của ông Netanyahu.

Hơn 35 năm hoạt động chính trị, ông Netanyahu đã xây dựng hình ảnh một người có lập trường an ninh cứng rắn và sẵn sàng đối mặt với mối đe dọa hạt nhân từ Iran. Hình ảnh đó đã tan vỡ vào ngày 7.10 khi hơn một nghìn chiến binh Hamas tiến vào Israel trong điều mà nhiều người Israel gọi là thất bại về an ninh và tình báo tồi tệ nhất trong lịch sử 75 năm của nước này.

Bây giờ, Thủ tướng Israel đang phải vật lộn để giải quyết các vấn đề về an ninh đất nước, gây chiến với Hamas ở Dải Gaza, tìm cách trao trả các con tin bị nhóm Hồi giáo bắt giữ, cũng như giữ vững liên minh chính trị của mình trong bối cảnh ngày càng có nhiều chỉ trích về vụ tấn công ngày 7.10.

Theo các nhà phân tích, ngay cả khi Israel thắng cuộc chiến, điều đó cũng có thể không cứu được sự nghiệp chính trị của ông Netanyahu. Nội các và đảng cầm quyền Likud của Thủ tướng Netanyahu đang vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ công chúng.

Một quan chức cấp cao của đảng Likud cho Wall Street Journal biết số phận của ông Netanyahu phụ thuộc vào cuộc chiến với Hamas diễn ra như thế nào. Người này dự đoán ông Netanyahu khó có thể tiếp tục đảm đương cương vị lãnh đạo đảng cũng như thủ tướng. “Đó là sự kết thúc đối với ông ấy. Rất ít người có thể nói khác đi”, quan chức này cho hay.

Các thành viên của Likud cũng tránh chỉ trích công khai thủ tướng, nói rằng đất nước trước tiên cần tập trung vào việc đánh bại Hamas sau đó mới nhìn nhận về những gì đã xảy ra và ai là người chịu trách nhiệm về vụ việc ngày 7.10. Cách tiếp cận kéo dài hàng thập kỷ của ông Netanyahu đối với Hamas hiện đang được xem xét kỹ lưỡng.

Một quan chức cấp cao của Israel nhấn mạnh: “Thủ tướng Netanyahu hiện hoàn toàn tập trung vào việc giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Ông ấy đã đề ra sứ mệnh và đang lãnh đạo sứ mệnh trước mắt đó là tiêu diệt Hamas”.

Những suy tính của ông Netanyahu

Ông Netanyahu lần đầu tiên trở thành thủ tướng vào năm 1996 và chỉ phục vụ một nhiệm kỳ, trước khi tái đắc cử vào năm 2009 với nhiệm vụ giải quyết các thách thức an ninh và kinh tế. Hamas vào năm 2007 đã giành quyền kiểm soát Gaza từ tay chính quyền Palestine được quốc tế công nhận. Ông Netanyahu đã phải đối mặt với thách thức trong việc quản lý những gì mà Israel coi là tổ chức khủng bố ngay tại sân sau của mình.

Theo Uzi Arad, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Israel dưới thời ông Netanyahu, trong khi một số thành viên của cơ quan an ninh Israel thúc đẩy phi quân sự hóa Hamas, Thủ tướng Israel đã chọn đi theo chiến lược cho phép Hamas tiếp quản Gaza và duy trì vũ trang, đồng thời cố gắng ngăn chặn lực lượng này khỏi tình trạng bạo lực.

Chính sách này vẫn tiếp tục ngay cả khi Israel tiến hành các cuộc xung đột ăn miếng trả miếng với Hamas ở Gaza. Trong vụ xung đột lớn nhất giữa hai bên vào năm 2014, Israel đã gửi quân tới Gaza để phá hủy mạng lưới đường hầm do Hamas tạo ra để tấn công Israel, nhưng sau đó đã kiềm chế tiến hành một cuộc tấn công trên bộ rộng hơn để tiêu diệt nhóm này. Ông Netanyahu coi “việc có hai thực thể chính trị riêng biệt đại diện cho người dân Palestine là một kết quả khá mong muốn”.

Trong nhiều tuyên bố công khai, ông Netanyahu cho biết Chính quyền Palestine, do Tổng thống Mahmoud Abbas lãnh đạo, không thể được coi là đối tác hòa bình vì mặc dù công nhận Israel nhưng họ không công nhận Israel là quê hương của người Do Thái. Giới lãnh đạo Palestine cũng cáo buộc ông Netanyahu đã đơn phương bổ sung các điều kiện nhằm cản trở các cuộc đàm phán hòa bình.

Sự trở lại chính trị

Ông Netanyahu đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2022 để tiếp tục lãnh đạo Israel. Làn sóng biểu tình tại Israel đã nổ ra vào tháng 1.2023 sau khi liên minh cầm quyền của ông Netanyahu công bố gói cải cách mà chính phủ cho là cần thiết để tái cân bằng quyền lực giữa các nhà lập pháp và cơ quan tư pháp.

Israel chưa có hiến pháp thành văn, thay vào đó là một tập hợp các Luật Cơ bản về quyền cùng nghĩa vụ công dân và tổ chức nhà nước, có ý nghĩa tương đương hiến pháp. Điều này khiến Tòa án Tối cao Israel, cơ quan phân xử và diễn giải luật cấp cao nhất trong hệ thống tư pháp, nắm quyền lực rất lớn và cũng trở thành cơ quan duy nhất đủ khả năng giám sát quyền lực của quốc hội.

Những dự luật nằm trong gói cải cách hệ thống tư pháp của chính quyền ông Netanyahu sẽ tăng mức kiểm soát của Quốc hội Israel đối với hệ thống tư pháp. Điều đó đồng nghĩa gia tăng quyền lực cho liên minh đảng cầm quyền do ông Netanyahu và các đồng minh cánh hữu dẫn dắt.

Trước cuộc tấn công ngày 7.10, triển vọng có vẻ sáng sủa hơn đối với ông Netanyahu. Thủ tướng Israel cho biết ông đã thành công trong chính sách tìm cách thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia Ả Rập. Trong tuyên bố tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York ngày 22.9, Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman cho biết đất nước của ông đang tiến tới thiết lập quan hệ với Israel.

“Hãy nhìn xem điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta đạt được hòa bình giữa Ả Rập Saudi và Israel, toàn bộ Trung Đông sẽ thay đổi. Chúng tôi mang lại khả năng thịnh vượng và hòa bình cho toàn bộ khu vực này”, ông Netanyahu cho hay.

Sự kiện ngày 7.10

Vào sáng 7.10, khi các chiến binh Hamas tràn qua miền nam Israel và tàn sát các công dân Israel, ông Netanyahu đã im lặng trong vài giờ. Vào giữa trưa, ông đưa ra một tuyên bố bằng video, mặc vest và áo sơ mi trắng, nói rằng Israel đang “có chiến tranh”.

Các quan chức đứng đầu quân đội Israel đã công khai nhận trách nhiệm về các vụ tấn công. Cả người đứng đầu cơ quan an ninh nội bộ và một số bộ trưởng trong nội các của ông Netanyahu cũng hành động tương tự. Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu dường như vẫn im lặng về trách nhiệm trong vụ vi phạm an ninh dẫn đến cuộc tấn công của Hamas.

Theo Wall Street Journal, trong một cuộc thăm dò, 4/5 người Israel cho biết ông Netanyahu phải thừa nhận trách nhiệm. Một cuộc khảo sát riêng trên tờ báo Ma’ariv của Israel cho thấy sự sụt giảm về số ghế trong quốc hội mà đảng Likud của ông Netanyahu sẽ giành được trong một cuộc bầu cử sắp tới.

Căng thẳng cũng được cho là đã xuất hiện giữa ông Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant về cách ứng phó với các cuộc tấn công.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hồi tháng 3 đã sa thải ông Yoav Gallant sau khi ông kêu gọi dừng kế hoạch đại tu hệ thống tư pháp gây nhiều tranh cãi. Sau khi tin tức về việc ông Gallant bị sa thải được lan truyền, hàng chục nghìn người đã xuống đường vào đêm muộn trên khắp đất nước. Đám đông tụ tập bên ngoài nhà của ông Netanyahu ở Jerusalem và đôi lúc vượt qua hàng rào an ninh. Trước sự leo thang của các cuộc biểu tình, Thủ tướng Netanyahu buộc phải đảo ngược quyết định sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant.

Vào ngày 25.10, sau nhiều ngày bị dư luận chỉ trích vì không chịu trách nhiệm về các vụ tấn công, ông Netanyahu trong một bài phát biểu nói rằng sau chiến tranh, mọi người sẽ phải chịu trách nhiệm về những thất bại, “kể cả tôi”.

Ehud Yaari, một thành viên tại Viện Chính sách Cận Đông của Washington và là nhà bình luận chính trị nổi tiếng của Israel, cho biết ông Netanyahu sẽ không bao giờ chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công. Thay vào đó, ông sẽ cố gắng ghi công cho một cuộc xung đột thành công với Hamas để duy trì quyền lực.

Bài liên quan
Tổng thống Biden hay ông Trump: Ai là người đứng sau thành công của thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hamas?
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nhanh chóng ghi nhận công lao cho thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas, dù thỏa thuận này được chính quyền của Tổng thống Joe Biden làm trung gian.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân dự chương trình Xuân quê hương tại Ba Lan
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tối 17.1, giờ địa phương, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân đã dự chương trình “Xuân quê hương Ất Tỵ 2025,” chung vui với cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
WSJ: Thủ tướng Netanyahu đang cứu vãn sự nghiệp chính trị của mình