Theo đài truyền hình News Nation, xung đột Israel - Hamas có nguy cơ lan rộng ra khắp Trung Đông khi các cường quốc tranh nhau thiết lập vị thế và nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng.
Thời gian qua, Mỹ với lập trường đứng về phía đồng minh Israel, tích cực nhờ một số thế lực khu vực như Ả Rập Saudi, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) giúp đỡ giữ ổn định tình hình, đồng thời đề nghị Ai Cập lập hành lang nhân đạo qua cửa khẩu Rafah cho dân thường Gaza lẫn người nước ngoài. Washington còn triển khai tàu sân bay cùng chiến đấu cơ đến Địa Trung Hải nhằm răn đe Iran cùng Hezbollah (một nhóm vũ trang khác cũng được Iran hậu thuẫn) không tham gia xung đột hiện tại.
Hai nước Nga và Trung Quốc vốn luôn ủng hộ người Palestine cũng không bỏ qua thời cơ tăng cường ảnh hưởng chính trị. Hãng Reuters lý giải, với Moscow và Bắc Kinh, sự ủng hộ dành cho người Palestine có thể là cơ hội để khẳng định vị thế “thế lực lãnh đạo nhóm quốc gia đang phát triển” đồng thời cũng khiến họ đứng về phía đối lập với Mỹ.
Trung Quốc nhiều lần kêu gọi ngừng bắn, chỉ trích Israel có nhiều động thái “vượt quá hành vi tự vệ”. Quốc gia châu Á này cũng bày tỏ sự thất vọng sâu sắc khi Mỹ phủ quyết nghị quyết Liên Hợp Quốc kêu gọi tạm dừng giao tranh vì mục đích nhân đạo.
Phía Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố xung đột hiện tại là “ví dụ sinh động về thất bại trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông”. Nga chuẩn bị gửi viện trợ tới Gaza còn Trung Quốc đã cử đặc phái viên đến Trung Đông. Hai nước dự định phối hợp chính sách Trung Quốc.
Song song với nỗ lực thiết lập vị thế trong xung đột, Nga và Trung Quốc hiện cũng đang đẩy mạnh tăng cường quan hệ với Iran. Đầu năm nay Trung Quốc ghi điểm nhờ thỏa thuận khôi phục quan hệ Ả Rập Saudi - Iran mà nước này làm trung gian, Nga cũng tỏ ý tăng mua máy bay không người lái Iran, đồng thời khẳng định tiếp tục ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Xung đột Israel - Hamas đã bước sang tuần thứ 3 với số người thiệt mạng gần chạm mốc 6.000. Nỗ lực ngoại giao giải quyết xung đột cùng cuộc cạnh tranh ảnh hưởng vẫn đang tiếp diễn, kết quả cạnh tranh có thể ảnh hưởng đến cán cân quyền lực tại Trung Đông cũng như trên toàn cầu.