Lần đầu tiên tôi đi du lịch nước ngoài là vào năm 2012. Khi đến nhà ga sân bay quốc tế Changi, tôi lòng vòng tìm đường đến trạm tàu điện ngầm để vào trung tâm thành phố. Thấy tôi loay hoay mãi với những tấm biển chỉ đường ở nhà ga, một cô sinh viên người bản xứ trạc tuổi liền đề nghị giúp đỡ.

Xe buýt nhanh trong lòng đô thị

Theo KTS Trình Phương Quân/Kiến Việt | 10/07/2022, 15:45

Lần đầu tiên tôi đi du lịch nước ngoài là vào năm 2012. Khi đến nhà ga sân bay quốc tế Changi, tôi lòng vòng tìm đường đến trạm tàu điện ngầm để vào trung tâm thành phố. Thấy tôi loay hoay mãi với những tấm biển chỉ đường ở nhà ga, một cô sinh viên người bản xứ trạc tuổi liền đề nghị giúp đỡ.

Tôi ấp úng hỏi một câu học được trong giáo trình Streamline: “Hi, where is the nearest subway?”. Cô sinh viên ấy hết sức nhiệt tình, hỏi tôi có mệt và đói không rồi dẫn tôi đến ngay trước… cửa hàng bánh mì kẹp Subway (*).

Tôi há hốc mồm, vừa nói vừa ra dấu, bảo rằng cái mà tôi muốn đi đến là cái tàu điện ngầm Subway, chứ không phải tôi muốn ăn bánh mì kẹp. Cô sinh viên cười xòa, bảo với tôi rằng, tại Singapore, họ gọi tàu điện ngầm là MRT, hay viết tắt của từ Mass Rapid Transit – Hệ thống giao thông đại chúng tốc độ cao. Mỗi toa tàu có thể chuyên chở hàng trăm người với tần suất 2 đến 3 phút cách nhau mỗi chuyến.

Ngoài ra, tại Singapore còn có LRT- hay Light Rail Transit- Hệ thống giao thông đường sắt hạng nhẹ chạy nổi trên các cầu cạn, phục vụ riêng cho các khu vực dân cư đông đúc ở phía Bắc. Tàu chạy chậm hơn và thời gian đợi tàu cũng sẽ lâu hơn, từ 5 đến 10 phút mỗi chuyến.

Các nhà ga và trạm tàu điện này được kết nối với hệ thống xe buýt thường hoặc Xe buýt nhanh, ở một số nước gọi là BRT, viết tắt của từ Bus Rapid Transit. Thường là những trạm cuối của hệ thống MRT hay BRT sẽ là các bến xe trung chuyển của khu vực dân cư. Những bến xe buýt này là một phần của khu trung tâm thương mại phức hợp, có khi còn kết hợp với bến phà, bến xe liên tỉnh.

bus1.jpg

Hệ thống BRT TransJakarta tại Jakarta, Indonesia

Tôi hết sức ngạc nhiên, và vỡ òa với những khái niệm hết sức mới mẻ. Rapid transit, thực sự theo đúng với tên gọi của nó, là những phương tiện giao thông tốc độ cao, với một hệ thống hạ tầng kết nối và phục vụ cho cư dân thành thị, nơi mà từng phút chờ đợi trôi qua cũng hết sức quý giá. Hệ thống giao thông tốc độ cao trong các đô thị đóng vai trò như một động mạch chủ trong cơ thể, đưa hành khách đến các đầu nút giao thông quan trọng trong thành phố, trước khi phân tán bằng các phương tiện khác như xe buýt, xe gắn máy, xe đạp hoặc đi bộ.

BRT với lịch sử hình thành hơn 50 năm, với tốc độ nhanh, sức chứa lớn, khoảng cách dừng mỗi trạm dài hơn xe buýt truyền thống. Đặc điểm quan trọng nhất để tạo nên tính “Rapid” cho BRT, gồm ba yếu tố chính, đó là xe được sử dụng trên chuyến đường riêng biệt chỉ dành cho BRT, việc lên xuống xe nhanh chóng và trạm BRT phải được kết nối với các hệ thống giao thông công cộng khác.

bus3.jpg

Thiết kế một trạm BRT với gạch tactile hỗ trợ người khuyết tật

Làn đường dành riêng cho xe buýt giúp di chuyển nhanh hơn và đảm bảo rằng xe buýt không bị chậm trễ do tắc nghẽn giao thông bởi các phương tiện khác, thậm chí còn được xây lên cao đi riêng hoàn toàn bằng cầu cạn, như hệ thống BRT ở Hạ Môn, Trung Quốc. Vé có thể mua trước ở nhà ga, trả bằng thẻ từ một chạm hoặc bằng smartphone hỗ trợ kết nối NFC với các ví điện tử. Vé BRT, MRT hay LRT đều được tích hợp chung vào một hệ thống tính phí duy nhất dựa theo hai điểm đi và điểm đến cuối cùng, không quan trọng số lần chuyển phương tiện hay chuyển trạm trong suốt hành trình.

bus2.jpg

Hệ thống BRT trên cao tại Hạ Môn, Trung Quốc

Ở châu Âu, Bắc Mỹ và hầu hết các thành phố châu Á, các trạm BRT được thiết kế cho xe buýt sàn thấp và lối vào có ram dốc dành cho xe lăn, phục vụ cho người suy giảm khả năng vận động, trẻ em và đặc biệt là người lớn tuổi.

Một trong những yếu tố thành công của BRT là khả năng thích ứng linh hoạt với các điều kiện cụ thể của từng thành phố. So với các phương thức vận tải như LRT hoặc MRT, BRT có ưu điểm riêng. BRT không tốn nhiều chi phí thiết lập và vận hành: không cần đường ray, tài xế thường yêu cầu ít đào tạo hơn và mức lương thấp hơn so với người điều hành đường sắt, và việc bảo trì xe buýt ít phức tạp hơn bảo trì đường sắt.

Hơn nữa, xe buýt linh hoạt hơn đường sắt ở chỗ, một tuyến xe buýt có thể được thay đổi lộ trình để đáp ứng nhu cầu đang dịch chuyển với nguồn lực đầu tư tương đối tiết kiệm. Ngày nay, các hệ thống BRT được vận hành trên khắp thế giới, từ các thành phố lớn như Istanbul, Rio de Janeiro và Mexico City đến các thành phố nhỏ hơn ở châu Âu như Strasbourg và Nantes ở Pháp.

Quan điểm cá nhân của tôi, đó là chúng ta cần để BRT trở về đúng bản chất của nó, dựa vào ba yếu tố chính: làn đường riêng, thanh toán nhanh chóng tiện lợi và kết nối với các loại hình giao thông khác. Một tuyến BRT hay MRT duy nhất chắc chắn không tạo ra sự thay đổi ngay lập tức, nhưng khi chúng ta đã có một hệ thống hoàn chỉnh thì mọi thứ sẽ thay đổi nhanh chóng và tích cực.

Tôi nghĩ rằng, không nên chỉ vì một vài sự phàn nàn của người đi xe máy khi phải dành đường riêng cho BRT, hay chỉ để giải quyết ùn tắc tức thời mà phải đánh đổi đi một cơ hội phát triển một hệ thống giao thông an toàn, hiện đại, tiện lợi và văn minh. Mọi thứ cần được điều chỉnh từ từ nhưng rõ ràng và thống nhất, kèm với một chút kiên định. Với tôi, đặc điểm quan trọng nhất để hình thành nên chữ Rapid Transit, đó là: làn đường riêng.

bus4.jpg

Quy hoạch hệ thống BRT tại Đài Trung, Đài Loan tạo thành một mạng lưới kết nối

Một bài học mà tôi học trong môn quy hoạch đô thị đó là: thiết kế tuyến đường tạo thành mạng lưới chứ không phải tạo thành hành lang. Đương nhiên, một hệ thống giao thông công cộng không thể xây dựng trong một sớm một chiều mà phải làm liên tục để dần tạo thành một mạng lưới có tính liên hoàn. Khi đó, người dân sẽ tự khắc có sự lựa chọn ưu tiên BRT và phương tiện công cộng so với sử dụng phương tiện cá nhân.

Việc sử dụng xe máy đã trở thành một thói quen khó bỏ của người Việt và tôi cũng không phủ nhận lợi ích và sự tiện dụng, kinh tế của nó; nhưng tôi tin rằng, với sự quy hoạch đồng bộ và kết hợp thúc đẩy các loại hình giao thông công cộng, cũng như với tình hình giá xăng tăng cao như hiện tại, đây sẽ là thời điểm để chúng ta thay đổi thói quen trong giao thông, tiến tới một đô thị hiện đại sử dụng phương tiện công cộng là chủ yếu.

Nếu như tôi là một nhân viên công sở phải đi làm hàng ngày bằng BRT, nhưng ở đầu điểm đến và điểm đi không có sự kết nối với các loại hình giao thông khác, tôi vẫn phải đón xe ôm từ trạm BRT và cuốc bộ hàng cây số để đến công ty; khi xe buýt BRT tôi đang ngồi vẫn phải chen chúc với hàng trăm phương tiện khác ở làn đường của mình với tốc độ không khác gì xe máy, chắc chắn tôi sẽ sớm từ bỏ ý tưởng đi làm hàng ngày bằng BRT hoặc phương tiện công cộng.

Là người Việt Nam, tôi tin rằng nếu chúng ta giải quyết được ùn tắt giao thông và ô nhiễm không khí do xe máy gây ra, Hà Nội và TP. HCM là những nơi với cuộc sống văn hóa đầy màu sắc cùng ẩm thực phong phú, sẽ là hai thành phố đáng sống nhất.

* Subway là thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng thế giới của Mỹ, chuyên về bánh mì sandwich, salad và đồ uống

KTS Trình Phương Quân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
11 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xe buýt nhanh trong lòng đô thị