Cùng khối ASEAN, trong khi dân Thái Lan, Indonesia... dễ dàng mua được ô tô với giá hợp lý chỉ 200 - 300 triệu đồng thì tại Việt Nam, giá ô tô quá đắt. Một chiếc xe bình dân ở Việt Nam có giá bằng chiếc xe sang ở nước ngoài.
Mẫu xe có chênh lệch giá lớn nhất là Yaris của Toyota. Trong khi ở Việt Nam, nó có giá 29.281 USD thì ở Thái Lan, chỉ có hơn 13.082 USD và ở Indonesia chỉ có 16.153 USD. Với các con số này, giá xe Yaris ở Việt Nam cao hơn 124% so Thái Lan và 81% so với Indonesia.
Một mẫu xe phổ biến ở Việt Nam là Innova của Toyota. Ở Việt Nam loại xe này có giá 33.731 USD thì ở Indonesia chỉ 20.295 USD còn Thái Lan là 23.960 USD. Mức chênh lệch tương ứng 66 – 41%. Tính ra một chiếc Toyota Innova ở Indonesia chỉ hơn 400 triệu còn Việt Nam đã hơn 700 triệu đồng.
Như vậy, với khoảng 30.000 USD ở Thái Lan hay Indonesia người dân có thể mua được 1 chiếc xe khá sang trọng.
Nguyên nhân chính làm giá xe cao là do thuế, phí chiếm tới hơn 50% giá xe tại Việt Nam. Hiện tại 1 chiếc ô tô tại Việt Nam phải chịu 3 loại thuế chính, là thuế nhập khẩu (với xe nguyên chiếc từ 50-70%, xe lắp ráp trong nước là bộ linh kiện từ 15-25%), sau đó là thuế tiêu thụ đặc biệt (có 3 mức 45 - 50 - 60%, tùy dung tích động cơ) và thuế giá trị gia tăng 10%.
Điều đáng nói là các loại thuế này còn bị đánh chồng lên nhau. Sau khi nhập khẩu thì lấy giá tính thuế nhập khẩu, cộng với số tiền thuế nhập khẩu phải nộp, để tính thuế tiêu thụ đặc biệt và tiếp tục tính thuế giá trị gia tăng, khi xe đã có thuế tiêu thụ đặc biệt. Ngoài ra, người mua còn phải chịu lệ phí trước bạ từ 10-12% và phí cấp biển số từ 2-20 triệu đồng tùy từng địa phương.
Chỉ cần tính 3 loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng, đánh chồng lên nhau, thì thuế đã chiếm khoảng 50% giá 1 chiếc xe. Trong khi đó, tại Thái Lan, Indonesia thuế ô tô thấp hơn Việt Nam nhiều.
Chẳng hạn mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô từ 9 chỗ trở xuống có dung tích xi lanh dưới 2.000cm3 ở Việt Nam là 45%, trong khi Indonesia chỉ có 20% và Thái Lan 30%. Còn tính chung các loại thuế chỉ chiếm từ 20% đến cao nhất là 40% giá trị xe.
Mục tiêu của Indonesia đặt ra cách đây 5 năm là để người dân có mức thu nhập từ trung bình có cơ hội sở hữu xe hơi, đồng thời tăng sản lượng, phát triển công nghiệp ô tô. Đón đầu cơ hội xuất khẩu xe sang thị trường Đông Nam Á, theo cam kết hiệp định thương mại tự do AFTA. Chính phủ Indonesia đã lên kế hoạch phát triển xe cỡ nhỏ, giá rẻ, đến nay đã đạt được mục tiêu. Với thành công này, không chỉ người dân được tiếp cận xe hơi, mà còn phát triển được công nghiệp ô tô, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Ở Indonesia cũng phải đối mặt với tình trạng tắc đường mỗi ngày. Nhiều người sử dụng ô tô làm phương tiện đi lại thì chuyện tắc đường là khó tránh khỏi. Nhưng Chính phủ Indonesia cho rằng, nhiều xe thì bắt buộc các cơ quan chức năng phải có tầm nhìn và lo làm hạ tầng để giao thông thuận tiện hơn.
Điều quan trọng hơn, công nghiệp ô tô phát triển sẽ tạo ra nhiều việc làm, tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách. Khi có tiền, sẽ quay lại đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Ngoài ra, khi công nghiệp ô tô phát triển, còn kéo nhiều ngành công đi lên, tạo nền tảng hướng tới quốc gia có ngành công nghiệp hiện đại, tránh xa bẫy thu nhập trung bình.
Thái Lan cũng đã có chính sách khuyến khích người dân sử dụng ô tô từ nhiều năm qua. Không chỉ áp mức thuế, phí thấp mà người mua xe còn được hỗ trợ từ Chính phủ với các khoản vay lãi suất thấp, dành cho những dòng xe ưu tiên phát triển.
Đến nay, hầu hết mọi gia đình tại Thái Lan đều có ô tô. Chiếc pick-up đã trở nên thân thuộc với người dân Thái Lan. Hàng ngày nông dân Thái Lan đi làm đồng bằng xe pick-up, vừa chở người, chở dụng cụ sản xuất, phân bón, nông sản… rất thuận tiện.
Trong khi Thái Lan và Indonesia khuyến khích phát triển thị trường nội địa thì ngược lại Việt Nam lại hạn chế mua ô tô từ cả chục năm qua.
Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam hiện nay là 2.000 USD, còn Indonesia gần 5.000 USD và Thái Lan hơn 5.000 USD. Trong khi đó, giá xe tại Việt Nam cao gấp 2 lần các quốc gia này, cho thấy giấc mơ ô tô luôn xa vời với đa số người dân.
Thu nhập đầu người còn thấp, giá xe cao đã khiến cho quy mô thị trường ô tô Việt Nam nhỏ bé, bị bóp nghẹt cả thời gian dài vừa qua và là nguyên nhân khiến công nghiệp ô tô không thể phát triển được.
Theo Trần Thủy/VNN