Sau năm 2021 với làm việc tại nhà (WFH) và vũ trụ ảo (metaverse) là hai xu hướng phổ biến hàng đầu, trang Tech Wire Asia chỉ ra các xu hướng mới sẽ ảnh hưởng đến châu Á - Thái Bình Dương năm sau.

Xu hướng công nghệ tại châu Á - Thái Bình Dương năm 2022

Cẩm Bình | 30/12/2021, 09:35

Sau năm 2021 với làm việc tại nhà (WFH) và vũ trụ ảo (metaverse) là hai xu hướng phổ biến hàng đầu, trang Tech Wire Asia chỉ ra các xu hướng mới sẽ ảnh hưởng đến châu Á - Thái Bình Dương năm sau.

Tấn công mạng tống tiền (ransomware)

Sự gia tăng số vụ tấn công tống tiền và rò rỉ dữ liệu gia tăng đột biến năm 2021 có khả năng kéo dài sang năm 2022.

Xu hướng tấn công nhìn chung hướng đến chọn mục tiêu là người làm việc từ xa. Tin tặc đột nhập mạng máy tính nạn nhân để mã hóa dữ liệu, sau đó yêu cầu một khoản tiền chuộc trả bằng tiền điện tử nếu muốn lấy lại dữ liệu.

Một loạt yếu tố thúc đẩy tấn công mạng tống tiền, bao gồm giá trị tiền điện tử bùng nổ, nạn nhân sẵn sàng trả tiền chuộc, cơ quan chức năng khó truy vết tin tặc.

Doanh nghiệp và các đơn vị ngành bán lẻ có rủi ro cao nên bắt đầu phòng ngừa ngay bây giờ, chuẩn bị đối phó tấn công mạng trong tương lai. James Forbes May - phó chủ tịch công ty cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây Barracuda - tin rằng các chính phủ sẽ tập trung ưu tiên một số sáng kiến an ninh mạng, chẳng hạn như lập liên minh với nhà cung cấp hay chia sẻ dữ liệu với quốc gia khác.

unnamed.jpg
Số vụ tấn công mạng tống tiền sẽ tiếp tục tăng - Ảnh: Arrow Stock

Xe điện

Biến đổi khí hậu tàn phá châu Á - Thái Bình Dương rất nặng nề. Một cách mà các quốc gia trong khu vực thực hiện để cải thiện tình hình chính là thúc đẩy gia tăng số phương tiên giao thông không phát thải.

Trong ngành công nghiệp ô tô, xu hướng ở châu Á sẽ là thiết kế và sản xuất xe điện.

Ấn Độ, Nhật Bản có thị trường xe điện đang phát triển. Nhưng tiêu điểm là Trung Quốc: rất nhiều hãng ô tô tham gia thị trường – thậm chí hãng nội địa Nio còn nhắm đến thị trường nước ngoài, ngay cả Alibaba, Huawei, Xiaomi cũng góp mặt khiến cạnh tranh thêm khốc liệt. Một số quốc gia nhỏ hơn như Malaysia cũng bước đầu khuyến khích dùng xe điện bằng chính sách thuế.

Cản trở lớn nhất đối với vấn đề phổ biến xe điện ở châu Á là giá cả, nhất là ở quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới lại đang quan tâm đến loạt thị trường nhỏ này.

ev.jpg
Một mẫu xe tự lái của Nissan Motor - Ảnh: Tech Wire Asia

Tình trạng thiếu thốn chip

Giới chuyên gia dự báo tình trạng thiếu thốn chip toàn cầu kéo dài ít nhất đến năm 2023.

Dù nhận được khoản đầu tư lớn từ Bosch và Intel, quốc gia cung cấp chip chủ chốt như Malaysia có thể phải đối mặt với cạnh tranh gia tăng từ đối thủ như Việt Nam. Ngành công nghiệp bán dẫn của Malaysia cần thời gian phục hồi sau thời gian phong tỏa vì COVID-19 và thiệt hại vì trận lũ quét gần đây

Trung Quốc - nước cung cấp phần lớn sản phẩm công nghệ tiêu dùng cho thế giới - sẽ tiếp tục cố giảm bớt phụ thuộc vào đơn vị sản xuất chip TSMC của Đài Loan, tập trung phát triển hãng chip SMIC nội địa. Các công ty công nghệ Trung Quốc khác như Oppo, Alibaba cũng chuyển sang thiết kế chip hoặc sản xuất trong nước.

Trung Quốc ra thêm quy định

Đồng thời với việc tiến hành xử phạt hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc vì nhiều sai phạm khác nhau, giới chức quản lý nước này còn xây dựng vài dự luật điều chỉnh hoạt động của các công ty công nghệ, bao gồm chống độc quyền, bảo mật dữ liệu, phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO),… Ngay cả công ty nước ngoài cũng phải tuân thủ.

2225760.jpg
Các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt hơn - Ảnh: Monday Career

Thương chiến với Mỹ khiến Trung Quốc chuyển hướng sang mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á – nơi sẵn sàng đón nhận công nghệ Trung Quốc. Nước này hiện đã tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) chuẩn bị có hiệu lực từ ngày 1.1.2022, và đang nỗ lực gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Thịt có nguồn gốc thực vật

Lựa chọn thay thế thịt thật đã khá phổ biến ở phương Tây. Nhưng tại Đông Nam Á, thịt thật vẫn vượt trội hơn thịt có nguồn gốc từ thực vật hoặc thịt được làm từ phòng thí nghiệm – đơn giản vì chúng quá đắt.

Thịt nguồn gốc thực vật vốn không xa lạ với châu Á suốt nhiều thập kỷ vì nơi đây số lượng người ăn chay lớn. Hai tôn giáo tránh ăn thịt là đạo Phật và đạo Hindu đều phát triển mạnh tại châu Á. Vấn đề nằm ở chỗ mức độ giống thịt thật của thịt “giả” còn chưa đủ sức hấp dẫn người ăn thịt.

Nhu cầu vẫn có, chỉ là chưa đơn vị nào đạt đến mức sản xuất đủ lớn để giảm giá thành mà thôi. Tuy nhiên, một số nhà sản xuất nắm bắt được xu hướng này nên đã bắt đầu thương mại hóa hoặc khám giá khả năng thương mại hóa ở Việt Nam, Thái Lan, Singapore.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xu hướng công nghệ tại châu Á - Thái Bình Dương năm 2022