Trong thời gian gần đây, trên mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện một khái niệm thanh niên nam trẻ đi làm đẹp, gọi bằng cái tên là: “Hợi Nhân sang trọng”. Những mỹ nam này thu hút sự chú ý rộng rãi của dư luận bởi việc tốn nhiều thời gian để làm đẹp, và tương phản hoàn toàn với vẻ đẹp nam tính truyền thống.
Những người đàn ông này có chung đặc điểm là làn da mềm mại, trắng như sứ, dáng vẻ thon thả, mảnh khảnh và yểu điệu không kém phụ nữ.
Thời của các mỹ nam
Sự xuất hiện gần đây của một ban nhạc nam với vẻ ngoài “đào tơ” khiến cho tờ nhật báo Tân Hoa Xã phải vội viết bài về họ. Ban nhạc nam càng nổi tiếng bao nhiêu thì sự chỉ trích họ đến từ các thành phần khác trong xã hội cũng ì xèo bấy nhiêu.
Một cuộc tranh luận về “Hợi Nhân sang trọng” đầu tiên đã xuất phát từ một nam thanh niên 25 tuổi đến từ thành phố Hàng Châu. Người này đã chi số tiền 30.000 NDT (tương đương 4.380 USD) chỉ để dùng vào việc chăm sóc sắc đẹp. Truyền thông địa phương Hàng Châu đã đăng bài chỉ trích về sự “điệu đà” quá mức của Hứa Đào khi anh ta dành tới 30 phút mỗi ngày chỉ để trang điểm, và thậm chí mạng xã hội cũng dấy lên không ngớt tranh luận về nhân vật này.
Matthieu Rochette-Schneider, Tổng quản lý chi nhánh Trung Quốc của thương hiệu Centdegres (Pháp) giải thích: “Những người đàn ông như Hứa Đào đang đại diện cho một khuynh hướng vẻ đẹp nam giới ngày càng bóng bẩy hơn nữ giới. Nó đang trở thành một tiêu chuẩn sắc đẹp mới cho đàn ông Trung Quốc”.
Giáo sư Giang Thống, nhà nghiên cứu về chất nam tính của đàn ông Trung Quốc tại Đại học Hongkong tỏ ra đồng tình với quan điểm của ông Rochette-Schneider. Giáo sư Giang Thống phát biểu: “Khi phụ nữ ngày càng khẳng định được tiêu chuẩn kinh tế và xã hội của họ, thì thị hiếu và ham muốn của họ về nam tính cũng trở nên quan trọng hơn.
Những chương trình có sự hiện diện của các “Hợi Nhân sang trọng” nhận được sự quan tâm đông đảo người hâm mộ nữ và các đài truyền hình thi nhau tài trợ vì Đài Truyền hình Trung Quốc bị chi phối bởi lượng fan nữ này. Kết quả là, các “Hợi Nhân” sẽ cảm thấy ngày càng bị áp lực khi họ phải chăm chút vẻ ngoài cẩn thận hơn và sử dụng sắc đẹp đó làm phương tiện xã hội”.
Các nhà quảng cáo đang nhắm đến những nam ca sĩ nổi tiếng như Vương Tuấn Khải (ban nhạc TFBoys) và Lộc Hàm (cựu thành viên của ban nhạc Hàn Quốc EXO và EXO-M) trong các chiến dịch quảng cáo hàng triệu USD cho các “ông khổng lồ” mỹ phẩm phương Tây.
Bên cạnh người nổi tiếng thì nhiều thanh niên nam trẻ ở Trung Quốc hiện nay đang bắt đầu tiếp xúc với trang điểm thông qua một số lượng các blogger sắc đẹp nam giới hay bạn bè hoặc bạn gái của họ. Nhà sản xuất video nổi tiếng Trung Quốc, Trương Đại Vỹ, 28 tuổi, lần đầu tiên biết tới trang điểm và chăm sóc da từ từ 4 năm trước thông qua cô bạn gái Christine trong thời gian hai người sống ở Bắc Kinh.
Suốt một thời gian dài, Christine không ngừng giới thiệu Trương về một bộ sản phẩm chăm sóc da và thúc giục anh đi hớt tóc và tỉa lông mày nhằm hy vọng dáng vẻ của bạn trai sẽ đổi khác. Christine thừa nhận xã hội bây giờ hay chú trọng vẻ bề ngoài lắm, nhất là làn da.
Các khách hàng đang thử một kiểu mặt nạ dưỡng da tại Triển lãm Bắc Kinh 2018. Ảnh: The Sun Online. |
Công ty mỹ phẩm hốt bạc
Nhờ bạn bè mách nước, Tiêu Vũ nhanh chóng có khuôn mặt đẹp, sạch mụn trứng cá sau khi đã tiêu tốn từ 117 USD đến 146 USD mỗi tháng để mua mỹ phẩm và chăm sóc da. Tiêu Vũ kể: “Xã hội giờ cũng chấp nhận cho đàn ông xài trang điểm rồi. Sau khi xài, tôi cảm thấy tự tin hơn”. Hàng ngày, Tiêu Vũ thường dành khoảng 1 tiếng đồng hồ để trang điểm và chăm sóc da, anh sử dụng nhiều loại sản phẩm bao gồm kem, phấn nền, mặt nạ, sữa và các loại dầu làm sạch.
Trong những năm gần đây, sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm nam giới tuy là phân khúc nhỏ nhưng tăng trưởng khá nhanh trong ngành công nghiệp sắc đẹp ở Trung Quốc. Nghiên cứu từ Euromonitor dự báo rằng tỷ lệ tăng trưởng hàng năm cho doanh số mỹ phẩm nam giới ở Trung Quốc sẽ cán mốc 13,5% vào năm 2019, tăng 5,8% các sản phẩm sắc đẹp cho nam giới toàn cầu.
Các loại mặt nạ, kem, son môi và “lông mày giả” hiện đang được khá nhiều quý ông sử dụng. Nhu cầu làm đẹp cho quý ông ở châu Á không chỉ xuất phát từ các blogger sắc đẹp và những nghệ sĩ nổi tiếng K-pop, mà còn xuất phát từ mong muốn của các công ty mỹ phẩm muốn tán dương đối tượng khách hàng mới mẻ này.
Bà Babette Radclyffe-Thomas, nghiên cứu sinh về khuynh hướng thời trang châu Á tại Trường Cao đẳng thời trang London (Anh) phát biểu: “Khi sự xuất hiện ngày càng nhiều của các blogger sắc đẹp nam giới thì thái độ của nam giới về cách thức trang điểm chắc chắn sẽ thay đổi. Khuynh hướng chăm sóc da cũng giữ một tầm quan trọng văn hóa đáng kể ở châu Á so với những khu vực khác. Khái niệm về chăm sóc da tại châu Á cũng liên kết với sự sạch sẽ hơn là giới tính và tình dục”.
Ông Simon Tân, chuyên gia nghiên cứu giới tại Đại học Hongkong nhấn mạnh: “Những cách thức làm đẹp này đã được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh xã hội sao cho dung mạo nam giới sẽ không làm giảm vẻ nam tính của họ, hoặc không thiên về quá ẻo lả”.
Nhà sản xuất video Trương Đại Vỹ cho hay rằng việc xài mỹ phẩm giúp anh thu hút phái nữ nhiều hơn. Anh Trương tiết lộ: “Cá nhân tôi cho rằng trang điểm hài hòa nhất là đừng để cho ai nhận ra, nhưng vẫn khiến cho dung mạo của mình nổi bật”.
Dù còn có những ý kiến trái chiều, song vẫn phải công nhận một sự thật là các “Hợi nhân sang trọng” đang ngày càng được chào đón trong xã hội Trung Quốc. Một người dùng mạng xã hội Weibo thốt lên: “Tôi đang tưởng tượng nếu xóa bỏ trang điểm thì dung mạo ngoài đời của họ sẽ như thế nào?”.
Nguyễn Thanh Hải/ANTG (tổng hợp)