Các chuyên gia nhận định có nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất tiếp tục nâng cao năng lực của mình thông qua việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại.

Xu hướng sản xuất thông minh và những thách thức cho doanh nghiệp Việt

Thu Anh | 04/02/2023, 10:13

Các chuyên gia nhận định có nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất tiếp tục nâng cao năng lực của mình thông qua việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại.

Theo Báo cáo Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2022, sản xuất thông minh là sự kết nối các hệ thống sản xuất (máy móc, thiết bị, các công đoạn sản xuất và các bộ phận sản xuất bằng công nghệ số…), nhà kho, logistics… để cung cấp các dữ liệu thời gian thực thông qua các ứng dụng công nghệ cao.

Điều này tạo thành một môi trường sản xuất tự động, nhằm giải quyết các vấn đề tại công xưởng sản xuất, đối ứng nhanh, linh hoạt và những yêu cầu mới từ thị trường.

Dịch chuyển sang nền sản xuất “thông minh”

Theo nhận định và phân tích từ các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về định hướng phân bổ nguồn lực sản xuất, cách thức sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của KH-CN, như kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) hay điện toán đám mây (cloud computing). Nền sản xuất “tự động” đặc trưng của cách mạng công nghiệp lần thứ 3 chuyển sang nền sản xuất “thông minh” trong giai đoạn 4.0.

Cụ thể, 3 nhóm lợi ích chính của sản xuất thông minh phải kể tới, gồm tăng cường sự sẵn sàng trong sản xuất nhằm giảm thiểu thời gian chết của dây chuyền sản xuất, bảo mật tích hợp; giảm thiểu chi phí đầu tư và chi phí vận hành; tăng cường tính linh hoạt.

Báo cáo cho biết ngày càng có nhiều doanh nghiệp sản xuất quan tâm và ứng dụng sản xuất thông minh trên toàn cầu. Cứ 3 doanh nghiệp sản xuất có 2 doanh nghiệp đã và đang sử dụng các cấu phần ứng dụng trong sản xuất thông minh; hơn 60% công ty sản xuất đã áp dụng công nghệ AI để tăng hiệu quả hoạt động. Tỷ lệ tiếp cận trong lĩnh vực sản xuất thông minh toàn cầu đạt 50%, tính từ năm 2021 đến nay.

93% các doanh nghiệp sản xuất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đặt ưu tiên cao hơn vào việc phát triển sản xuất thông minh so với các tổ chức ở Bắc Mỹ (84%) hoặc châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp là những nước hàng đầu trên bản đồ thế giới, dẫn đầu về sản xuất thông minh.

Ông Nguyễn Xuân Hạch - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Công nghệ ITG cho biết các giải pháp sản xuất thông minh giúp tối đa hiệu quả sản xuất, rút ngắn thời gian đáp ứng nhu cầu sản xuất. Sản xuất thông minh cũng tạo ra mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng, giúp cho các nhà sản xuất đáp ứng linh hoạt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như sự thay đổi của thị trường.

Ông Hạch cũng chỉ ra rằng xu hướng này hướng tới các giải pháp ngày càng rút ngắn khoảng cách giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng cuối, đồng thời đáp ứng linh hoạt các nhu cầu cá nhân hóa sản phẩm trên quy mô lớn.

Đối với thị trường Việt Nam, các chuyên gia nhận định có nhiều cơ hội để doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất tiếp tục nâng cao năng lực của mình thông qua việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại ngày càng nổi bật như AI, in 3D…

Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho rằng ở thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà máy tại Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển sơ khởi; nền công nghiệp Việt Nam chưa bắt kịp với sản xuất hiện đại, công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp trong nước còn chậm đổi mới, các nhà máy chủ yếu vẫn đang trong giai đoạn tự động hóa từng phần hay nhiều phần.

Nhưng cũng không thể phủ nhận Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp lớn dẫn đầu đạt được thành công với mô hình sản xuất thông minh, như VinFast, Thaco, Vinamilk, TH True Milk.

Theo báo cáo nghiên cứu tổng hợp hằng năm về ngành công nghiệp của Việt Nam từ Savills, lĩnh vực sản xuất có thể đạt mức tăng trưởng 16% trong quá trình thực hiện chiến lược 4.0 vào năm 2030, nếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ bắt đầu triển khai các công nghệ cấp trung bình và dự báo rằng công nghệ mới có thể giúp lĩnh vực này tăng thêm 7 - 14 tỉ USD.

Thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam

Từ kinh nghiệm tiếp cận các quốc gia như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan…, theo ông Nguyễn Đức Quế - Giám đốc kênh phân phối của Công ty INTEL Việt Nam, việc đầu tư vào công nghệ và con người là nền tảng đầu tiên cho sự phát triển của trình độ sản xuất.

Tại Việt Nam, qua quá trình thực tiễn, ông Quế nhận thấy trong 10 doanh nghiệp có mong muốn thực hiện chuyển đổi số, có đến 7/10 doanh nghiệp được tư vấn chưa nên thực hiện ngay chuyển đổi số ở khía cạnh công nghệ, mà thực hiện đào tạo, tăng cường tư duy số và năng lực số cho đội ngũ quản lý, các vị trí quan trọng của nhà máy trước.

Theo nhận định từ các chuyên gia, lĩnh vực sản xuất thông minh tại Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất lớn so với sự phát triển sản xuất thông minh trên thế giới.

Cụ thể, số lượng các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này ở Việt Nam còn khá khiêm tốn và hiện đang có khoảng cách khá xa với Israel. Vì vậy, đối với một số phân khúc công nghệ, Việt Nam vẫn chưa có nhiều sự đầu tư mạnh mẽ, điển hình như công nghệ năng lượng, công nghệ robot và tự động hóa…

Ông Ngô Việt Hải - Phó tổng giám đốc Công ty Advantech Việt Nam chia sẻ rằng các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa thực sự quan tâm tới chuyển đổi số sản xuất. Hiện các xu hướng đầu tư ứng dụng công nghệ tại Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực phi sản xuất (thị trường dịch vụ, tài chính…). Tỷ lệ áp dụng công nghệ 4.0 trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp chiếm tỷ lệ thấp.

Trong đó, ông Hải cho biết nông nghiệp thông minh chiếm 7,1% tỷ lệ áp dụng, AI chiếm 5,9%, Robotic 6,1%... Như vậy, có thể nói mức độ bắt kịp xu hướng công nghệ của Việt Nam so với thế giới vẫn còn khoảng cách rất xa so với kỳ vọng và thực tế.

Theo ông Lưu Nhân Khải - Giám đốc điều hành VJIP JSC, ngày nay Việt Nam cần nhiều hơn các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này bởi nội tại của sản xuất thông minh còn rất nhiều lãng phí, khi tác động đúng loại lãng phí có thể mang lại giá trị tiết kiệm lớn hơn nhiều khoản đầu tư dành cho việc chuyển đổi sản xuất thông minh.

Bài liên quan
Hãng ô tô điện hàng đầu thế giới có kế hoạch xây nhà máy sản xuất phụ tùng ở Việt Nam
BYD Auto có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Việt Nam để sản xuất phụ tùng ô tô, ba người biết về kế hoạch này tiết lộ với hãng tin Reuters.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xu hướng sản xuất thông minh và những thách thức cho doanh nghiệp Việt