Ngày 28.9, Bộ Quản lý và Hành chính công Sri Lanka thông báo mở rộng lệnh cấm trò chuyện với nhà báo, yêu cầu công chức không bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội.
“Bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội của công chức sẽ cấu thành hành vi vi phạm có thể bị kỷ luật”, theo Bộ Quản lý và Hành chính công Sri Lanka.
Lệnh cấm trên được đưa ra sau khi vài quan chức y tế cùng giáo viên ở một tỉnh thông tin về tình trạng hàng chục học sinh ngất xỉu tại trường vì đói. Bộ trưởng Y tế Sri Lanka - Keheliya Rambukwella lên tiếng bác bỏ, chỉ trích quan chức địa phương có “mục đích chính trị” khi thổi phồng câu chuyện.
Chương trình Lương thực Thế giới trong báo cáo mới nhất xác định 6 triệu người Sri Lanka - gần 1/3 dân số quốc gia Nam Á - lâm vào cảnh không được đảm bảo lương thực, cần hỗ trợ nhân đạo.
Sri Lanka hứng chịu khủng hoảng kinh tế tồi tệ từ cuối năm 2021. Nước này cạn kiệt ngoại tệ nên không thể nhập khẩu nhiều mặt hàng thiết yếu, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu, cùng với cắt điện diện rộng.
Người dân bất mãn lật đổ Tổng thống Gotabaya Rajapaksa vào tháng 7. Nhân vật kế nhiệm là ông Ranil Wickremesinghe lập lại trật tự bằng cách đàn áp phong trào biểu tình.
Trong tháng 9, chính phủ Sri Lanka ký với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) một thỏa thuận cung cấp gói cứu trợ 2,9 tỷ USD. Hiện tại quốc gia Nam Á vẫn cần đàm phán với các chủ nợ nhằm tái cơ cấu số nợ nước ngoài lên đến khoảng 51 tỉ USD.