Việt Nam sẽ phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại mới của Mỹ như: Các yêu cầu về kiểm soát thủy sản nhập khẩu, kiểm soát về chất lượng...
Thông tin trên được Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra sáng nay (13.11). Theo Hiệp hội, việc ông Trump đắc cử dự kiến sẽ có nhiều sự thay đổi về thuế, thương mại, đầu tư... Theo đó, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Hiện Mỹ đang là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất, với tỷ trọng chiếm trên 38% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này có xu hướng ngày càng tăng trong 10 năm qua, tăng từ 175 triệu USD năm 2014 lên gần 327 triệu USD năm 2023.
Năm 2023, do ảnh hưởng của lạm phát, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ giảm 33% so với năm 2022. Tuy nhiên, bước sang năm 2024 xuất khẩu sang thị trường này đã tăng liên tục. Mặc dù tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm có chậm lại, nhưng giá trị xuất khẩu vẫn cao hơn so với cùng kỳ 2 năm trước đó.
VASEP cho rằng trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã có một loạt động thái áp thuế nhập khẩu cao đối với các sản phẩm cá ngừ của Trung Quốc nên các nhà nhập khẩu Mỹ đã chuyển hướng sang Việt Nam. Điều này giúp Việt Nam tăng thị phần tại thị trường cá ngừ Mỹ trong những năm gần đây.
Trong lần tái đắc cử này, ông Trump đã đưa ra đề xuất áp thuế 10 - 20% với hàng nhập từ các nước, riêng Trung Quốc đến 60%. Do đó, đây là cơ hội để hàng thủy sản Việt Nam, trong đó có cá ngừ, gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, VASEP cho rằng trong lần tái đắc cử này, ông Trump đặt vấn đề kéo giảm thâm hụt thương mại lên hàng đầu nên Mỹ sẽ kiểm soát rất kỹ xuất xứ hàng hóa. Do đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại mới của Mỹ, như các yêu cầu về kiểm soát thủy sản nhập khẩu, kiểm soát về chất lượng...
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng dự báo, với vị trí địa lý ngay sát Trung Quốc, Việt Nam bị coi là cửa ngõ để hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ, chính quyền Mỹ có thể cố gắng ngăn chặn lỗ hổng này và áp thuế lên hàng từ Việt Nam. Do đó, ngành thủy sản Việt Nam, trong đó có cá ngừ, cũng có thể đối mặt với khó khăn khi nhu cầu từ thị trường Mỹ giảm vì hàng hóa nhập quá đắt đỏ do bị áp thuế cao.
Không những thế, khi mất thị trường Mỹ, các doanh nghiệp cá ngừ Trung Quốc sẽ tìm cách chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác như EU, Trung Đông... Cụ thể, sau khi các sản phẩm cá ngừ của Trung Quốc bị áp thuế cao trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, các nhà sản xuất Trung Quốc đã chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường EU. Điều này sẽ làm gia tăng cạnh tranh tại các thị trường này.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, Mỹ, EU, Nga, Canada và Israel lần lượt là 5 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ đông lạnh của Việt Nam.
Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh có xu hướng tăng trưởng liên tục từ đầu năm và đạt mức cao nhất trong tháng 8 là hơn 23 triệu USD. Tính lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sang thị trường này đạt 137 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, càng về cuối năm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này càng chậm lại.