Các chuyên gia đánh giá cao việc kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1.2024 tăng tới 42% so với cùng kỳ năm trước, tuy năm 2024 vẫn còn không ít khó khăn phải đối mặt.
Thị trường và chính sách

Xuất khẩu 'hanh thông' từ tháng đầu, dự báo khả quan cho cả năm 2024

Hoài Lam 13:04 09/02/2024

Các chuyên gia đánh giá cao việc kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1.2024 tăng tới 42% so với cùng kỳ năm trước, tuy năm 2024 vẫn còn không ít khó khăn phải đối mặt.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1.2024 tăng tới 42%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 62,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 35,6%. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất kể từ tháng 9.2022.

Trong tháng 1.2024 có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 65,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ; hàng dệt và may mặc; giày dép các loại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; phương tiện vận tải và phụ tùng.

Về cơ cấu hàng hóa, xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đồng đều cả ở nhóm nông-lâm-thủy sản (tăng tới 98,6%) và nhóm công nghiệp chế biến (tăng 38,4%).

Đối với xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, trong tháng 1.2024 chiếm gần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, ước đạt 28,52 tỉ USD, tăng 7,4% so với tháng trước.

Đà tăng trưởng này có sự đóng góp lớn của mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện. Kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng đầu tiên của năm 2024 ước đạt 5,8 tỉ USD, tăng 56,3% so với tháng trước là do Samsung mới cho ra mắt dòng sản phẩm mới Samsung Galaxy S24 vào giữa tháng 1.2024.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của gỗ và sản phẩm gỗ cũng tăng 4,6% so với tháng trước, ước đạt 1,4 tỉ USD. Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 10,8%, ước đạt 1,3 tỉ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 8,1%, ước đạt 900 triệu USD.

xk.png
Xuất khẩu tháng đầu năm tăng mạnh

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực thuộc nhóm công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng cao như: hàng dệt may tăng 28,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 74,6%; giày dép các loại tăng 35%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 57,4%...

Nhóm hàng nông - thủy sản vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của cả nước với kim ngạch ước đạt 3,33 tỉ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và chiếm 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nguyên nhân chủ yếu là lợi thế về giá các mặt hàng nông sản trong tháng 1.2024 khi giá tiếp tục tăng, trong khi giá của các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến vẫn trong xu hướng giảm.

Trong mới đây, HSBC đánh giá Việt Nam đã khởi đầu năm 2024 bằng những dấu hiệu phục hồi kinh tế vững vàng.

Theo đó, trong tháng 1, mặc dù chịu tác động bởi hiệu ứng cơ sở nhưng thương mại của Việt Nam vẫn tiếp tục vững vàng trên đà phục hồi. Xuất khẩu tăng với tốc độ kinh ngạc là 42% so với cùng kỳ năm trước, nhờ phục hồi ổn định trong xuất khẩu hàng điện tử.

Hơn nữa, sự lạc quan không chỉ giới hạn trong ngành hàng điện tử khi xuất khẩu đang ghi nhận mức tăng trưởng cao trên diện rộng. Những ngành hàng đã phải hứng chịu tình cảnh trì trệ trong năm 2023 như dệt may, máy móc và đồ gỗ đã bắt đầu tăng trưởng đáng kể trở lại.

Cũng theo HSBC, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 1 cho thấy sự lạc quan một cách thận trọng nhất định. Điều đáng khích lệ là chỉ số PMI cuối cùng cũng trở lại mức trên 50 sau 5 tháng bị giảm.

Dù vậy, đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu mới tiếp tục gia tăng mạnh nhưng vẫn chưa đủ để kích thích các doanh nghiệp gia tăng tuyển dụng. Đặc biệt, tình hình giao hàng bị chậm càng khiến áp lực chi phí của nhà sản xuất tăng lên, nhắc nhở về mối rủi ro do gián đoạn Biển Đỏ vẫn còn kéo dài.

Thêm nữa, lạm phát vẫn trong vòng kiểm soát, trong đó lạm phát chính trong tháng 1 giảm nhẹ xuống 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát năm 2024 của Chính phủ là 4 - 4,5%, vẫn còn những rủi ro tăng lạm phát đáng chú ý không thể xem nhẹ.

thinh.jpeg
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng việc các doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng từ các thị trường truyền thống cũng như các thị trường mới, tín hiệu tích cực trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và sự phục hồi dần của hoạt động sản xuất, kinh doanh… là tín hiệu tốt cho xuất khẩu năm 2024.

Theo ông Thịnh, đơn hàng xuất khẩu quay trở lại là điều rất đáng mừng, nhưng hầu hết các đơn hàng xuất khẩu mới chỉ là ngắn hạn. Do đó, trong câu chuyện xuất khẩu cả năm 2024, các doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi và thích ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ví dụ cần đáp ứng với yêu cầu xanh hơn, đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm… của các thị trường nhập khẩu.

Phía cơ quan quản lý - Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu năm nay vẫn đối diện nhiều thách thức do cạnh tranh chiến lược của các nước lớn ngày càng gay gắt, căng thẳng Biển Đỏ leo thang khiến giá cước vận tải tăng đột biến.

Ngoài kích cầu tiêu dùng nội địa, bộ cùng các cơ quan thúc đẩy sản xuất ngay từ đầu năm, đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi, tạo năng lực sản xuất mới.

Bộ cũng tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu để chủ động có phương án, đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung hàng hóa, gây bất ổn thị trường.

Bài liên quan
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu 'hanh thông' từ tháng đầu, dự báo khả quan cho cả năm 2024