Theo Thủ tướng Slovakia Robert Fico, các nhà lãnh đạo phương Tây đã “liên tục mắc sai lầm khi đánh giá” cuộc chiến ở Ukraine.
Trong một bài xã luận đăng trên tờ báo Pravda.sk của Slovakia hôm 9.1, ông Fico đã chỉ trích các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về cuộc chiến ở Ukraine. Ông cho rằng cuộc phản công của Ukraine đang bế tắc dù Kyiv đã nhận được hàng tỉ USD viện trợ quân sự.
“Chiến lược thất bại của phương Tây trước cuộc tấn công của Nga đang bắt đầu gây ra những nếp nhăn trên trán tôi”, Thủ tướng Robert Fico viết, đồng thời cáo buộc việc chính phủ Mỹ gây ảnh hưởng tới Kyiv từ năm 2014 là nguyên nhân khiến Nga phát động cuộc chiến.
“Nga đã phản ứng trước tình hình an ninh và áp lực gia nhập NATO của Ukraine bằng cách sử dụng lực lượng quân sự mà không có sự ủy nhiệm quốc tế. Các nước lớn thường làm vậy, hãy xem Mỹ làm được gì ở Iraq. Và ở phương Tây, thay vì ngay lập tức nỗ lực hết sức để đạt được lệnh ngừng bắn nhanh chóng vào đầu năm 2022, họ lại đã phạm một sai lầm rất lớn khi đánh giá sai tình hình”, nhà lãnh đạo Slovakia nhấn mạnh.
Trước khi được bổ nhiệm làm thủ tướng Slovakia vào tháng 10, Fico đã vận động tranh cử với lời hứa chấm dứt hỗ trợ quân sự của nước ông cho Ukraine, đồng thời nhiều lần chỉ trích các lệnh trừng phạt sâu rộng của phương Tây đối với Nga.
Bất chấp sự ủng hộ kiên định của nước này dành cho Kyiv kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, nay chính phủ Slovakia dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Fico đã từ chối gói viện trợ trị giá 43 triệu USD cho Ukraine vào tháng 11, báo hiệu một sự thay đổi chính sách đối ngoại lớn ở quốc gia thành viên NATO này.
Trong bài xã luận của mình, Fico viết ông không “vui mừng” khi đất nước của ông bị coi là “kẻ thù không đội trời chung” của Nga và nói rằng bất chấp các lệnh trừng phạt lớn, quân đội và nền kinh tế của Nga vẫn tiếp tục tồn tại.
“Sự thật là không thể thay đổi được. Nga hoàn toàn kiểm soát các vùng lãnh thổ về mặt quân sự”, Thủ tướng Fico khẳng định, dự đoán rằng việc duy trì viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine là “vô ích”, và thương vong của Ukraine sẽ ngày càng lớn.
“Rõ ràng là sự lãng phí vô ích về nhân lực, tiền bạc và thời gian trôi qua sẽ không làm xấu đi vị thế đàm phán của Nga, ngược lại, nó sẽ củng cố vị thế đó, bởi vì trong một vài năm nữa, cộng đồng quốc tế cũng sẽ bắt đầu nhìn vào thực tế”, nhà lãnh đạo Slovakia cho hay.
Ukraine hiện phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ tài chính và quân sự từ phương Tây, trong đó có các hệ thống phòng không theo tiêu chuẩn NATO. Tuy nhiên, tranh cãi chính trị tại phương Tây đang làm trì hoãn giải ngân những gói viện trợ lớn cho Ukraine trong năm nay. Trong khi đa số thành viên NATO vẫn kiên định ủng hộ Ukraine, một số quốc gia đã phải đối mặt với những trở ngại trong việc gửi thêm viện trợ quân sự.
Gói viện trợ của Liên minh châu Âu trị giá 50 tỉ euro (55 tỉ USD) đã bị treo sau khi Hungary phủ quyết, trong khi quốc hội Mỹ vẫn chưa đạt được tiếng nói chung trong việc gửi viện trợ bổ sung cho Kyiv. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller tuần trước cho biết Washington sẽ không tiếp tục cung cấp cho Kyiv sự hỗ trợ quân sự ở mức độ hiện có, đồng thời nói thêm rằng mục tiêu cuối cùng là giúp Ukraine “để tự đứng trên đôi chân cũng như xây dựng nền tảng vững chắc cơ sở công nghiệp quân sự riêng của mình”.
NATO cam kết viện trợ lớn về quân sự, kinh tế cho Ukraine
Đáng chú ý, trong cuộc họp trực tuyến giữa Hội đồng NATO và Ukraine ở Brussels (Bỉ) hôm 10.1, NATO tuyên bố viện trợ hàng tỉ euro "hỗ trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo lớn" cho Ukraine năm 2024, giúp nước này đối phó với các cuộc không kích từ xa của Nga.
“Hôm nay, các nước NATO đã nói rõ rằng sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo lớn cũng như vạch ra kế hoạch cung cấp thêm hàng tỉ euro cho Ukraine vào năm 2024… Nhiều nước thành viên đang mua 1.000 tên lửa Patriot để lấp đầy kho dự trữ và tiếp tục hỗ trợ tăng cường năng lực phòng không của Kyiv”, NATO tuyên bố.
Cuộc họp được tiến hành theo đề xuất của Kyiv, với sự tham dự Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Tư lệnh không quân Ukraine Mykola Oleshchuk, Thứ trưởng Nội vụ Oleksii Serhieiev cùng đại sứ các nước NATO. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Nga gần đây đã tăng cường tập kích quy mô lớn lãnh thổ Ukraine bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV).
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba bày tỏ hy vọng các nước NATO sẽ đưa ra “quyết định quan trọng” để giúp Kyiv tăng cường hơn nữa năng lực phòng không, bổ sung đạn dược và các tổ hợp hiện đại.
Trong chuyến thăm Lithuania mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói Kyiv phải tăng cường phòng không và bổ sung nguồn cung cấp đạn dược để phòng vệ trước các cuộc tập kích dồn dập của Moscow.