Tiến sĩ Maria Capobianchi thuộc Viện Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia Ý – người vừa được bổ nhiệm vào hội đồng nhà khoa học tư vấn cho Liên minh châu Âu (EU) về đại dịch COVID-19 – bày tỏ lo ngại tình trạng đóng cửa biên giới nội bộ kéo dài thời gian vận chuyển trang thiết bị y tế đến Ý.
Lần lượt từng quốc gia tuyên bố đình chỉ cơ chế tự do đi lại trong khối Schengen khi dịch bệnh lan khắp châu Âu, xe cộ nay phải xếp hàng chờ qua chốt kiểm soát. Điều này không hề có lợi cho nước Ý – tâm dịch, nơi cứ 1 trong 10 bệnh nhân mắc COVID-19 phải điều trị hồi sức tích cực (ICU).
“Tình trạng biên giới nội bộ hiện tại làm cho việc Ý nhận trang thiết bị y tế từ các thành viên EU khác thêm khó khăn. Không nên có gián đoạn để trang thiết bị y tế có thể được phân phối những nơi cần đến nhất”, theo tiến sĩ Capobianchi. Bà đánh giá rằng chốt kiểm soát chẳng hề giúp ngăn chặn dịch.
Trong số quốc gia sớm đóng cửa biên giới có cả hai nước có nền kinh tế hàng đầu khối: Đức và Pháp. Tuy vậy số ca nhiễm của họ vẫn tăng vọt, thuộc nhóm nước chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nền nhất.
Nữ tiến sĩ cũng nói thêm: “Bài học từ Trung Quốc cho chúng ta thấy dịch bệnh chỉ kết thúc khi số ca nhiễm liên tục giảm – chuyện chưa xảy ra tại Ý. Năng lực điều trị bệnh nhân nặng vẫn là vấn đề nan giải vì các bệnh viện thiếu giường ICU. Giới chức y tế đang nỗ lực gia tăng giường”.
Ngoài việc chậm nhận được trang thiết bị y tế và thiếu giường bệnh, một vấn đề đau đầu nữa của chính quyền Ý là ý thức chấp hành lệnh hạn chế đi lại.
Dựa trên dữ liệu từ một số nhà cung cấp dịch vụ di động, báo Corriere della Sera ước tính khoảng 40% người dân không ở nhà. Thủ hiến vùng Lombardy Attilio Fontana cũng phải lên tiếng yêu cầu chấp hành nghiêm, quân đội chuẩn bị được huy động giúp chấn chỉnh tình hình.
Cẩm Bình (theo SCMP)