Trung tâm Nghiên cứu phát triển (DRC) - một cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện - tức Chính phủ Trung Quốc, mới đây đã công bố báo cáo, trong đó dự đoán Trung Quốc dự kiến sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng hơn 10 năm.

Ý kiến trái chiều về việc Trung Quốc đòi vượt Mỹ thành nền kinh tế số 1 thế giới

03/09/2020, 18:55

Trung tâm Nghiên cứu phát triển (DRC) - một cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện - tức Chính phủ Trung Quốc, mới đây đã công bố báo cáo, trong đó dự đoán Trung Quốc dự kiến sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng hơn 10 năm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Internet

Nội dung báo cáo thể hiện sự tự tin của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, trong đó xem sự phát triển và vươn lên của nước này là điều "không thể cản phá". Báo cáo kỳ vọng về sự thành công của chiến lược phát triển mới của chính phủ Trung Quốc trong việc tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 31.8 đã tái khẳng định rằng Trung Quốc phải “tăng tốc” chiến lược “lưu thông kép” mới mà ông đã đưa ra hồi tháng 5, trong bối cảnh môi trường bên ngoài đã trở nên bất ổn và thù địch.

"Lưu thông kép" là cụm từ dùng để chỉ 2 vòng hoạt động kinh tế, nội và ngoại, với hàm ý nhấn mạnh hơn vào việc phát triển kinh doanh tại thị trường nội địa. Giới chuyên gia hiện vẫn tranh cãi liệu "lưu thông kép" có phản ánh đúng sự thay đổi đáng kể trong chính sách kinh tế của Trung Quốc, hay chỉ đơn giản là một khái niệm mới.

Chính sách “lưu thông kép” cho thấy Trung Quốc đã nhận ra rằng sẽ không thể dựa vào thương mại nhiều trong 2 thập niên sắp tới như đã làm 2 thập niên trước đây. Mỹ ngày càng nhận thấy hợp tác kinh tế sâu hơn cùng Trung Quốc là một sai lầm chiến lược khi chỉ mang lại lợi ích cho Trung Quốc.

Người đứng đầu nhóm nghiên cứu viết báo cáo trên, ông Chen Changsheng nhận định tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ còn tiếp diễn trong 5 năm tới.

“Không thể loại trừ việc Mỹ sẽ sử dụng tất cả các phương pháp có thể để kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc, bao gồm áp đặt các chế tài về tài chính đối với các công ty Trung Quốc bằng cách lạm dùng quyền tài phán. Mỹ có rất nhiều cách để ngăn cản Trung Quốc tiến lên, từ việc tịch thu các trái phiếu Bắc Kinh đã mua từ Mỹ, ép buộc các quốc gia khác áp đặt các lệnh cấm vận công nghệ đối với Trung Quốc, thậm chí loại trừ Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán bằng đồng đô la Mỹ”, báo cáo nhấn mạnh.

Tuy nhiên, báo cáo khẳng định những điều đó sẽ không thể ngăn cản sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc". Các nhà nghiên cứu Trung Quốc ước tính tỷ trọng của nước này trong nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt 18,1% vào năm 2025, tăng từ 16,2% của năm 2019. Họ cũng dự đoán tỷ trọng của Mỹ sẽ giảm từ 24,1% xuống còn 21,9% trong cùng giai đoạn.

Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết GDP bình quân đầu người của Trung Quốc có thể tăng lên 14.000 USD vào năm 2024, đẩy đất nước ra khỏi “bẫy thu nhập trung bình” để bước vào nhóm “thu nhập cao”. Quy mô nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Liên minh châu Âu vào năm 2027 và vượt qua Mỹ vào năm 2032.

Tháng trước, ông Justin Lin Yifu, Giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, đồng thời là cựu Kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới từng dự báo Trung Quốc sẽ vượt mặt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030.

Tuy nhiên, cũng có những quan điểm cho rằng Trung Quốc có thể không bao giờ vượt qua Mỹ để trở thành số 1 do dân số già. Yi Fuxian, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) lập luận rằng từ quan điểm nhân khẩu học, Trung Quốc sẽ không thể vượt qua Mỹ trong tương lai gần.

Cựu Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chen Deming hồi tháng 4 năm ngoái đã cảnh báo rằng Trung Quốc "không nên đưa ra giả định rằng việc Trung Quốc là số 1 thế giới chỉ là chuyện sớm muộn".

Còn công ty tư vấn kinh tế Capital Economics hồi tháng 1 năm nay đã đưa ra báo cáo cho thấy tác động của việc hạn chế khí thải sẽ làm xói mòn lợi thế tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong những năm tới. “Giả định phổ biến rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đã được chứng minh là sai lầm”, Capital Economics cho biết.

Dù vậy, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và xung đột Mỹ - Trung đẩy nền kinh tế toàn cầu vào tình trạng bất ổn, viễn cảnh của kinh tế thế giới cho đến nay là khó dự báo.

Được biết, Chen Changsheng, người đứng đầu nhóm nghiên cứu viết báo cáo trên, là một trong những nhà kinh tế học tham dự hội nghị chuyên đề kinh tế xã hội do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì hồi tuần trước. Hội nghị nhằm chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm lần thứ 14 dự kiến sẽ công bố vào năm tới.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), dù ông Chen Changsheng không phát biểu tại cuộc họp, các kết quả nghiên cứu từ nhóm của ông Chen ​​sẽ chắc chắn được đưa vào các kế hoạch và chiến lược chính thức của Trung Quốc.

Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu của ông Chen cũng dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ trải qua một sự thay đổi sâu rộng trong những năm tới khi các quốc gia và công ty đa quốc gia ngày càng coi trọng “an ninh” khi thiết kế chuỗi cung ứng của họ, với nền kinh tế toàn cầu phân mảnh thành ba khối lớn tập trung ở Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu kết luận, các yếu tố quan trọng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai của Trung Quốc là “nền kinh tế kỹ thuật số” và lĩnh vực dịch vụ của quốc gia này, cả hai đều sẽ tiếp tục được mở rộng trong những năm tới. Ngoài ra, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc có khoảng 400 triệu công dân thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2018. Và mức đó dự kiến ​​sẽ tăng lên 560 triệu người vào năm 2025, báo cáo cho biết.

Báo cáo cũng lưu ý rằng tham vọng tạo ra một thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc sẽ bị hạn chế bởi khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn của nước này. Ngoài ra, dân số già nhanh chóng của quốc gia này sẽ là một thách thức lớn đối với Trung Quốc trong 5 năm tới.

Hoàng Vũ (theo SCMP)

Bài liên quan
ASML bị Mỹ ngăn bảo trì một số thiết bị chip bán cho Trung Quốc
Peter Wennink, Giám đốc điều hành sắp nghỉ hưu của ASML, hôm 24.4 cho biết chính phủ Mỹ sẽ ngăn công ty Hà Lan bảo trì một số máy từng bán cho khách hàng Trung Quốc trong một số trường hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ý kiến trái chiều về việc Trung Quốc đòi vượt Mỹ thành nền kinh tế số 1 thế giới