Đây là kết quả nghiên cứu được thực hiện ở bang Kerala, Ấn Độ.

'1 liều vắc xin AstraZeneca tạo kháng thể ở người từng mắc COVID-19 cao hơn 30 lần người bình thường nhận 2 liều'

Sơn Vân | 02/09/2021, 21:02

Đây là kết quả nghiên cứu được thực hiện ở bang Kerala, Ấn Độ.

Hôm 2.9, Ấn Độ đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 lớn nhất hàng ngày trong hai tháng qua khi chính phủ lo ngại về việc vi rút lây lan từ bang Kerala vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất, các trường học mở cửa trở lại và mùa lễ hội bắt đầu.

Bang Kerala chiếm gần 70% trong số 47.092 ca mắc COVID-19 mới và 1/3 số người tử vong, một tuần sau khi tổ chức lễ hội lớn nhất, trong đó các cuộc họp mặt gia đình và xã hội thường diễn ra.

Với các ca bệnh đang gia tăng ở Kerala, cần phải thực hiện các bước thích hợp để ngăn chặn sự lây lan giữa các bang”, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ - Mansukh Mandaviya cho biết sau khi nói chuyện với lãnh đạo ngành y tế ở bang Tamil Nadu và Karnataka, giáp biên giới với Kerala.

Ông Mansukh Mandaviya yêu cầu tăng cường tiêm vắc xin ở các quận gần bang Kerala. Đến nay, Ấn Độ đã sử dụng 662 triệu liều vắc xin với ít nhất một liều ở 54% trong số 944 triệu người trưởng thành và 16% được tiêm hai liều.

Số lượng người tiêm vắc xin đã tăng vọt trong những ngày gần đây do nguồn cung cấp đã được cải thiện. Hơn 2/3 dân Ấn Độ đã có kháng thể chống lại vi rút, với nhiều người trong số đó có miễn dịch tự nhiên sau khi khỏi COVID-19, các chuyên gia cho rằng đợt gia tăng ca bệnh trên toàn quốc sẽ ít người tử vong hơn đợt trước vào tháng 4 và tháng 5 khi hàng chục ngàn người chết và các bệnh viện quá tải, thiếu oxy.

1-lieu-vac-xin-astra-cho-nguoi-tung-mac-covid-19-tao-khang-the-cao-hon-30-lan.jpg
Người phụ nữ nhận một liều vắc xin Covaxin ngừa COVID-19 do hãng Bharat Biotech (Ấn Độ) sản xuất ở thủ đô New Delhi ngày 31.8 - Ảnh: Reuters

Cũng mang lại hy vọng là nghiên cứu chưa được đánh giá ngang hàng gần đây được thực hiện ở bang Kerala cho thấy rằng một liều vắc xin của AstraZeneca (Covishield), phương pháp tiêm chủng chính ở Ấn Độ, tạo ra lượng kháng thể ở những người từng mắc COVID-19 và khỏi bệnh cao hơn 30 lần so với những người đã được tiêm chủng 2 liều chưa bao giờ nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

"Một chương trình tiêm chủng được quản lý chặt chẽ, cùng với khả năng miễn dịch lai mà chúng ta đang thấy hiện nay, khiến cho một làn sóng dịch thứ ba khó xảy ra", theo nhà miễn dịch học lâm sàng và bác sĩ thấp khớp Padmanabha Shenoy, người dẫn đầu cuộc nghiên cứu và đang đề cập đến khả năng miễn dịch tự nhiên sau khi khỏi COVID-19 và một liều vắc xin của AstraZeneca.

Tuy nhiên, chính phủ liên bang đã cảnh báo rằng giống như ở Kerala, phần còn lại của Ấn Độ cũng có thể chứng kiến ​​sự gia tăng các bệnh xung quanh mùa lễ hội bắt đầu từ tháng này và kết thúc vào đầu tháng 11.

Một số phụ huynh cũng lo lắng về việc mở lại các lớp học thể chất - tự nguyện và chủ yếu dành cho học sinh trung học cơ sở trở lên - ở thủ đô Delhi và các bang như Gujarat.

Đến nay Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng khoảng 32,9 triệu ca mắc COVID-19, cao thứ nhì thế giới sau Mỹ. Số ca tử vong do COVID-19 đã tăng thêm 509 người vào hôm 2.9, nâng tổng số lên 439.529, mà các chuyên gia cho rằng đây là con số quá lớn.

Ấn Độ gần đây đã thúc đẩy chương trình tiêm chủng của mình bằng cách phê duyệt vắc xin đầu tiên cho những người dưới 18 tuổi.

Theo một nghiên cứu tạm thời được trích dẫn bởi nhà sản xuất vắc xin Cadila Healthcare, vắc xin ZyCoV-D ba liều đã ngăn ngừa bệnh có triệu chứng ở 66% số người được tiêm chủng trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên hơn 28.000 tình nguyện viên. Đây cũng là vắc xin công nghệ DNA ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới.

Vắc xin ZyCoV-D được Cơ quan Quản lý dược phẩm Ấn Độ (DCGI) cấp phép sử dụng khẩn cấp cho cả người lớn và thiếu niên vào ngày 20.8.

Do sử dụng công nghệ dựa trên plasmid DNA, ZyCoV-D có thể được điều chỉnh để đối phó với các đột biến mới của vi rút SARS-CoV-2, theo DCGI. Khi tiêm vào người, loại vắc xin này sẽ tạo ra các protein gai như của SARS-CoV-2 để kích thích cơ thể sinh miễn dịch.

Loại vắc xin này gồm 3 liều, liều thứ 2 cách liều đầu 28 ngày và cách liều cuối cùng 4 tuần. Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng việc vắc xin chia thành 3 liều cũng tạo ra thách thức về hậu cần, nhất là khi phân phối vắc xin tại những vùng nông thôn.

Ngoài ZyCoV-D, Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 5 loại vắc xin, gồm AstraZeneca, Covaxin, Sputnik V và Moderna. Dù vậy, chương trình tiêm chủng của Ấn Độ vẫn phụ thuộc phần lớn vào hai loại vắc xin AstraZeneca và Covaxin, chiếm 90% số vắc xin đã tiêm.

Chính phủ cũng đã ủy quyền cho công ty dược phẩm Ấn Độ Cipla nhập khẩu vắc xin của Moderna (Mỹ). Loại vắc xin này cho thấy hiệu quả chống COVID-19 gần 95%, nhưng vẫn chưa rõ có bao nhiêu liều sẽ được cung cấp cho quốc gia Nam Á.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'1 liều vắc xin AstraZeneca tạo kháng thể ở người từng mắc COVID-19 cao hơn 30 lần người bình thường nhận 2 liều'