Việc Trung Quốc đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam những ngày qua đang là chủ đề nóng và gây bất bình trên khắp cả nước. Một Thế Giới giới thiệu những cuốn sách giúp bạn hiểu rõ thêm về biển đảo thân thương...
Trong thời cuộc này, hiểu đúng về lịch sử và địa lý dân tộc phần nào giúp tiếng nói Việt Nam mạnh mẽ hơn, sáng suốt và có tầm vóc cao hơn.
1. Việt Nam Quốc hiệu & Cương vực: Hoàng Sa – Trường Sa: Nguyễn Đình Đầu (NXB Trẻ)
Việt Nam Quốc hiệu & Cương vực. Hoàng Sa – Trường Sa là công trình vừa mang tính khoa học, vừa phổ thông; khái quát suốt chiều dài lịch sử hơn 4.000 năm của dân tộc Việt Nam, từ thuở Vua Hùng dựng nước đến nay. Đăc biệt, để cập nhật vấn đề thời sự, tác giả bổ sung phần về Lãnh hải Việt Nam gồm nhiều tư liệu và bản đồ cổ của thế giới ghi nhận Hoàng Sa – Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt nam suốt gần 500 năm qua.
2. Bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam: Nhiều tác giả (NXB Trẻ)
Sưu tập các công trình nghiên cứu cùng các bài báo và tư liệu cập nhật về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Kho thư tịch cổ Việt Nam cũng như phương Tây đều xác nhận nhà nước Việt Nam đã phát hiện, chiếm hữu và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này từ thế kỷ 15. Ngược lại, hai quần đảo này chưa từng được ghi nhận trong bất cứ văn bản lịch sử nào của Trung Quốc cho đến tận nửa đầu thế kỷ XX.
Các tác giả còn đưa ra những luận cứ bác bỏ yêu sách phi lý về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, sách còn giới thiệu Biên niên sự kiện về Hoàng Sa- Trường Sa, phần Phụ lục với các văn kiện và điều ước quốc tế có liên quan, cùng những hình ảnh và kiến thức cơ bản về biển đảo Việt Nam.
3. Địa lý biển Đông với Hoàng Sa, Trường Sa: Vũ Hữu San (NXB Trẻ)
Cuốn Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa – Trường Sa của tác giả Vũ Hữu San đã xuất bản ở nước ngoài, được phổ biến trên Internet từ năm 1995 và được tác giả cập nhật bổ sung vào năm 2007. Là người đã từng trực tiếp chiến đấu bảo vệ quần đảo Hoàng Sa, Vũ Hữu San đã bỏ công rất lớn trong việc tập hợp, phân tích các tư liệu trong và ngoài nước nhằm cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn toàn diện về địa lý biển đảo có tính liên ngành, có mối quan hệ tới thành quả của nhiều môn khoa học khác nhau như địa chất, thủy văn, dân tộc học, sinh vật…
4. Hoàng Sa, Trường Sa: Hỏi và Đáp: Trần Nam Tiến (NXB Trẻ)
Sách được trình bày dưới dạng câu hỏi và trả lời, súc tích nhưng giàu thông tin về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Độc giả sẽ nhận ra những điều mới lạ ở quyển sách này – có thể hiểu sâu hơn những điều mình đã biết, và ngạc nhiên trước những vấn đề mới, tư liệu mới. Đặc biệt sách có công bố một số bản đồ của châu Âu và Trung Quốc từ thế kỷ XVII cho thấy chủ quyền của Đại Việt đối với hai “Bãi Cát Vàng”.
5. Hoàng Sa, Trường Sa: Các sự kiện, Tư liệu lịch sử, Pháp lý chính tập 1, 2: Nguyễn Việt Long (NXB Trẻ)
Hoàng Sa, Trường Sa: Các sự kiện, tư liệu, lịch sử, pháp lý chính là tập biên niên sự kiện lịch sử pháp lý chính diễn ra trên Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ thế kỷ XV – > 2.000 do tác giả Nguyễn Việt Long nghiên cứu, thu tập và tổng hợp dựa trên những tài liệu đã được các bên công bố, lưu trữ trong các thư viện, lưu trữ quốc gia. Các tư liệu được trình bày nguyên văn, không phân tích, không đánh giá chủ quan hay phản ánh lập trường các bên nhằm giúp độc giả tự rút ra những kết luận của mình trên cơ sở các dữ liệu đã được kiểm chứng.
Trong tập 2 được tổng hợp các sự kiện trong giai đoạn 2000-2013, đánh dấu 40 năm sự kiện Hoàng Sa (1974-2014). Với nguyên tắc xây dựng là dựa trên những tài liệu đã được các bên công bố, lưu trữ trong các thư viện, lưu trữ quốc gia tự do tiếp cận, được khảo cứu về tính xác thực và tin tức của các hãng thông tấn nước ngoài đã được kiểm chứng. Tư liệu cố gắng được trình bày nguyên văn với phần dịch thuật chính thức hoặc có ý kiến của các chuyên gia.
Cuốn sách thể hiện mong muốn duy nhất của tác giả là nhằm giúp độc giả tự rút ra những kết luận của mình trên cơ sở các dữ liệu đã được cố gắng kiểm chứng và cung cấp một cách hệ thống.
6. Truyện tranh Thần đồng Đất Việt – Hoàng Sa Trường Sa: Phan Thị (NXB Đại học sư phạm TP.HCM)
Thần đồng Đất Việt - Hoàng Sa-Trường Sa 10 tập là bộ truyện tranh Việt Nam đầu tiên mang nội dung chủ quyền biển đảo với tập 1 đầy hấp dẫn với nhiều hình ảnh vui nhộn, cách dẫn chuyện rất con nít, nhí nhảnh nhưng vẫn truyền tải được những kiến thức lịch sử sinh động.
Theo đó nội dung tập 1 chủ yếu cung cấp tài liệu khẳng định chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam, đồng thời giới thiệu hoạt động của dân binh Hoàng Sa.
7. Cùng em tìm hiểu Hoàng Sa Trường Sa: Nhiều tác giả (NXB Kim Đồng)
Cùng em tìm hiểu Hoàng Sa – Trường Sa là cuốn sách mới nhất trong Tủ sách Biển đảo Việt Nam của Nhà xuất bản Kim Đồng. Nhóm tác giả đầy tâm huyết đã dầy công nghiên cứu những tư liệu cũ, mới, thông qua thư tịch và hiện vật lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa giúp các bạn đọc nhỏ tuổi cảm thấy như việc đọc cuốn sách là một chuyến du ngoạn qua không gian và thời gian, qua đó các em có thể nắm rõ về địa lí, lịch sử, vai trò của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đối với đất nước ta, đồng thời hiểu rõ về tầm quan trọng của việc bảo vệ, gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc mà tất cả mọi người Việt Nam đều có bổn phận và trách nhiệm tham gia, trong đó có các em.
9. Tổ quốc nơi đầu sóng: Nhiều tác giả (NXB Kim Đồng)
Sách ảnh Tổ quốc nơi đầu sóng tập hợp hơn 200 bức ảnh và tư liệu, tái hiện sinh động lịch sử, cảnh quan, sức sống căng đầy của thiên nhiên và con người Việt Nam ở hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Đây cũng là cuốn sách ảnh đầu tiên về Hoàng Sa và Trường Sa dành cho trẻ em, gây xúc động mạnh mẽ cho các em bởi những hình ảnh bạn bè cùng trang lứa đang sinh sống và học tập trên đảo.
Để có được xứ sở thiêng liêng ấy, từ nhiều thế kỉ qua, đã có lớp lớp những con người quả cảm vượt trùng dương, dâng hiến cuộc đời mình, bảo vệ và gìn giữ vẹn toàn non sông.
Không thể tách lìa khỏi dải đất hình chữ S, Hoàng Sa – Trường Sa sẽ mãi mãi là phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam, nơi ghi dấu những dòng sử bi hùng cũng như ẩn tàng biết bao vẻ đẹp tự nhiên cần tìm hiểu và khám phá.
9. Biển Đông yêu dấu: Trần Ngọc Toản (NXB Trẻ)
Mùa hè năm lớp 9, cậu bé Minh Sơn được ông nội cho tham gia chuyến nghiên cứu khoa học biển dọc chiều dài đất nước trên con tàu khảo sát địa chấn Bình Minh. Cậu đã đi khắp Biển Đông, đã chứng kiến những hiện tượng kỳ thú trên biển, đã nghe các nhà khoa học và các nhân chứng kể những câu chuyện về biển, và lịch sử khai phá và bảo vệ Biển Đông của cha ông.
Ba năm sau, khi đã là một tân sinh viên, Minh Sơn trở lại thăm biển bằng một hành trình mới và cậu đã nhận thấy những thay đổi khắp biển đảo quê hương.
10. Trong giông gió Trường Sa: Nhiều tác giả (NXB Kim Đồng)
Tập sách giới thiệu những bút kí đặc sắc của các nhà văn nổi tiếng: Duy Khán, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Phương Đông, Nguyễn Đình Tú, Sương Nguyệt Minh.
Tuy bút pháp thể hiện khác nhau nhưng hình ảnh chiến sĩ và người dân Trường Sa hiện lên rất chân thật và nhiều cảm xúc. Vượt lên biết bao nguy hiểm, gian khó, những con Lạc cháu Hồng thời đại mới vẫn kiên cường bám trụ giữa biển trời bão tố để canh giữ và bảo vệ trọn vẹn non sông Đất Việt.
11. Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa: Nguyễn Xuân Thủy (NXB Kim Đồng)
Như một chuyến du lịch, bằng ngôn từ và hình ảnh đẹp, Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa sẽ đưa bạn đọc ghé thăm hầu hết các đảo trong Quần đảo Trường Sa để hiểu biết thêm về cuộc sống, thiên nhiên, cây cối, loài vật… sống trên quần đảo. Qua chuyến đi, bạn đọc sẽ thêm hiểu và yêu hơn Trường Sa – một phần máu thịt không thể tách rời của Đất mẹ Việt Nam.
12. Như cây phong ba trên đảo Trường Sa: Lê Văn Chương (NXB Trẻ)
Về những ngư dân kiên cường bám biển, họ hiện lên như cây phong ba trên đảo Hoàng Sa để góp phần khẳng định chủ quyền đất nước, bất chấp bão tố gian nan.
Về truyền thống của người và đất Quảng Ngãi – quê hương của Hải đội Hoàng Sa - đội hùng binh năm xưa đã vượt sóng Biển Đông ra Hoàng Sa, với lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa, với những bài văn tế, thư tịch cỗ , những đình miếu, những ngôi mộ gió …
Về những hoạt động mưu sinh đa dạng của ngư dân Quảng Ngãi trên vùng biển Hoàng Sa: lưới cá, lặn đêm để bắt ốc, tìm hải sâm, hái rau câu, sáng tạo đèn cho ngư dân lặn đêm…
Về những tấm lòng hào hiệp của các ngư dân, thuyền trưởng, bộ đội biên phòng… xả thân cứu người không may bị nạn khi mưu sinh trên biển.
Về những phong tục hay của miền biển trong những ngày Tết đầu năm mới: lễ mở biển, Tết thuyền, đầu năm cúng cụ Hoàng Sa, những phiên biển đầu xuân…
13. Lẽ phải: Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Nguyễn Việt Long (NXB Trẻ)
Quyển sách là một công trình nghiên cứu trên phương diện luật học, được bổ sung, cập nhật các sự kiện thời sự. Sau khi phác họa toàn cảnh Biển Đông và nêu bật tầm quan trọng của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa về vị trí địa chính trị, về nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như tài nguyên vị thế, tác giả đã vận dụng công pháp quốc tế để phân tích lập trường các bên có liên quan qua các thời kỳ lịch sử, đồng thời trình bày các giải pháp hợp lý nhằm giải quyết mọi tranh chấp theo chiều hướng tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền tài phán chính đáng của các bên trên Biển Đông, gìn giữ hòa bình và an ninh cho toàn khu vực.
14. Có một con đường mòn trên biển đông: Nguyên Ngọc (NXB Trẻ)
Thiên ký sự về việc hình thành và phát triển đoàn tàu không số, những con tàu bí mật vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất. Con đường mòn trên biển Đông mà các chiến sĩ hải quân cùng nhân dân dày công gầy dựng là con đường đầy gian nan và nguy hiểm, nơi ghi dấu biết bao tấm gương chiến đấu quả cảm, bao hy sinh thầm lặng, bao cảnh đời éo le nghiệt ngã, và cả những mối tình đẹp vượt qua khói lửa chiến tranh.
Theo Mai Anh (Bookaholic)