Apple đã lắp ráp số iPhone trị giá 14 tỉ USD tại Ấn Độ trong năm tài chính vừa qua, tăng gấp đôi sản lượng so với năm trước, trong dấu hiệu cho thấy hãng đang đẩy nhanh nỗ lực đa dạng hóa sản xuất ra ngoài Trung Quốc.
Thế giới số

Sản lượng iPhone ở Ấn Độ đạt 14 tỉ USD khi Apple giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

Sơn Vân 10/04/2024 14:27

Apple đã lắp ráp số iPhone trị giá 14 tỉ USD tại Ấn Độ trong năm tài chính vừa qua, tăng gấp đôi sản lượng so với năm trước, trong dấu hiệu cho thấy hãng đang đẩy nhanh nỗ lực đa dạng hóa sản xuất ra ngoài Trung Quốc.

Theo hãng tin Bloomberg, những người quen thuộc với vấn đề này cho biết gã khổng lồ công nghệ Mỹ hiện sản xuất tới 14% hoặc khoảng 1 trong 7 iPhone của mình ở Ấn Độ.

Việc tăng sản lượng iPhone cho thấy Apple đang đẩy nhanh nỗ lực cắt giảm phụ thuộc lâu dài vào Trung Quốc khi căng thẳng địa chính trị gia tăng. Trung Quốc vẫn là trung tâm sản xuất iPhone lớn nhất và thị trường nước ngoài lớn nhất của Apple. Thế nhưng, đó cũng là nơi doanh số iPhome của Apple đang giảm mạnh do sự cạnh tranh của các đối thủ nội địa như Huawei và lệnh cấm sử dụng công nghệ nước ngoài ngày càng mở rộng trong nhiều cơ quan nhà nước.

Sự bứt phá mạnh mẽ về hoạt động sản xuất iPhone tại Ấn Độ đánh dấu một chiến thắng cho chính quyền Thủ tướng Narendra Modi, vốn đã thu hút các công ty nước ngoài, gồm cả Apple, bằng các ưu đãi tài chính để cố gắng thúc đẩy ngành sản xuất cao cấp. Chính phủ Ấn Độ cho biết sự phát triển trong lĩnh vực sản xuất đã tạo ra 150.000 việc làm trực tiếp tại các nhà cung cấp của Apple.

Theo Bloomberg, Foxconn lắp ráp gần 67% và Pegatron Corp lắp ráp khoảng 17% số iPhone ở Ấn Độ trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2024. Những chiếc iPhone còn lại được sản xuất tại nhà máy của Wistron Corp ở bang Karnataka phía nam Ấn Độ. Nhà máy này được Tata Group (tập đoàn đa ngành Ấn Độ từ muối đến phần mềm) tiếp quản vào năm ngoái. Tata Group đang có kế hoạch xây dựng một trong những nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất Ấn Độ.

Con số 14 tỉ USD đề cập đến giá trị ước tính của iPhone khi rời khỏi nhà máy, thay vì thẻ giá bán lẻ. Đại diện của Apple từ chối bình luận.

Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, đã cẩn thận vun đắp mối quan hệ của mình với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, do tính nhạy cảm trong việc đa dạng hóa địa lý của công ty. Ông đã đến thăm Trung Quốc vào tháng trước để gặp Bộ trưởng Thương mại nước này và dự lễ khai trương một cửa hàng Apple mới ở Thượng Hải.

Sự dịch chuyển sản xuất dần dần khỏi Trung Quốc về lâu dài đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của Apple so với mô hình hoạt động nhiều năm qua từng giúp đưa iPhone lên vị trí hàng đầu trong ngành.

Điều này cũng trùng hợp với việc phải thay đổi về mặt chiến lược khi Apple, công ty từng cách mạng hóa lĩnh vực smartphone, đang tìm kiếm sản phẩm đột phá lớn tiếp theo.

Nói rộng hơn, việc iPhone tăng sản lượng ở Ấn Độ cho thấy sự nổi lên của quốc gia Nam Á này như một trung tâm sản xuất, khi những công ty như Tesla, Cisco Systems và Google đều quan tâm đến việc sản xuất phần cứng.

“Một thế giới đang thay đổi đã vẽ lại các ưu tiên kinh doanh, với những rủi ro địa chính trị, khả năng phục hồi trước sự gián đoạn và các yêu cầu về ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) đang đặt ra những quy tắc mới. Việc chấm dứt sự phụ thuộc gần như độc quyền vào chuỗi cung ứng công nghệ của Trung Quốc là tốn kém và phức tạp, nhưng sức hấp dẫn ngày càng giảm sút của quốc gia này đòi hỏi một cách tiếp cận mới”, các nhà phân tích từ Bloomberg Intelligence, gồm cả Steven Tseng, viết trong một báo cáo tháng 2 theo dõi sự thay đổi chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

Hiện Apple sản xuất từ iPhone 12 đến iPhone 15 ở Ấn Độ, nhưng không lắp ráp các mẫu Pro và Pro Max có thông số kỹ thuật cao hơn. Apple xuất khẩu hầu hết mẫu iPhone đó từ Ấn Độ, nơi công ty Mỹ chiếm khoảng 6% thị trường smartphone do các thương hiệu Trung Quốc giá rẻ thống trị.

Tuy nhiên, Ấn Độ cũng là một trong những thị trường di động phát triển nhanh nhất thế giới, được thúc đẩy bởi tầng lớp trung lưu đang mở rộng, tỷ lệ thâm nhập băng thông rộng ngày càng tăng và các chính sách hỗ trợ tích cực của chính phủ.

Năm ngoái, Apple đã mở hai cửa hàng đầu tiên tại thủ đô New Delhi và trung tâm tài chính Mumbai. Công ty có kế hoạch mở thêm ba cửa hàng nữa ở Ấn Độ từ nay cho đến năm 2027.

Steven Tseng viết: “Việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng công nghệ khỏi Trung Quốc có thể không thể tránh khỏi”.

san-luong-iphone-o-an-do-dat-14-ti-usd-khi-apple-co-giam-phu-thuoc-vao-trung-quoc.jpg
Một khách hàng Ấn Độ cầm iPhone 15 Pro ở Mumbai - Ảnh: Bloomberg

Doanh số iPhone ở Trung Quốc giảm mạnh, Apple xem xét tạo “điều lớn lao tiếp theo”

Doanh số iPhone tại Trung Quốc đã giảm khoảng 33% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước, kéo dài sự sụt giảm nhu cầu với thiết bị hàng đầu tại thị trường nước ngoài quan trọng nhất của Apple.

Sự sụt giảm trong tháng 2 đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp doanh số iPhone thấp hơn cùng kỳ năm trước. Theo số liệu của Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc, Apple vào tháng 1 giao tổng cộng khoảng 5,5 triệu chiếc iPhone ở Trung Quốc, ít hơn khoảng 39% so với cùng kỳ năm trước.

Apple đã chứng kiến sản phẩm bán chạy nhất của mình gặp khó khăn tại thị trường smartphone lớn nhất thế giới kể từ khi ra mắt dòng iPhone 15 vào tháng 9.2023.

Huawei tái xuất với tư cách đối thủ cạnh tranh thực sự trong phân khúc điện thoại cao cấp đã chiếm bớt thị phần của Apple và doanh số iPhone chậm lại khiến công ty Mỹ có những đợt giảm giá hiếm hoi vào tháng 1.

Nicole Peng, nhà phân tích tại hãng Canalys, cho biết: “Các kênh bán lẻ của Apple tại Trung Quốc vẫn đang tiêu thụ lượng iPhone tồn kho từ quý 4/2023, điều này có thể giải thích cho sự sụt giảm những tháng gần đây. Đó là dấu hiệu của xu hướng chậm lại với Apple ở Trung Quốc những tháng sắp tới, đặc biệt là khi các đối thủ địa phương đang rất tích cực thúc đẩy thông điệp về smartphone trí tuệ nhân tạo (AI)”.

Apple đang trong giai đoạn đầu xem xét việc chế tạo robot gia đình, một động thái dường như là nỗ lực nhằm tạo ra "điều lớn lao tiếp theo" sau khi hãng khai tử dự án ô tô điện tự lái, các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói với Bloomberg.

Các kỹ sư Apple đang xem xét phát triển một robot có thể quan sát người dùng xung quanh nhà, Bloomberg đưa tin. Họ cũng đang khám phá một thiết bị để bàn tại nhà sử dụng công nghệ robot để xoay màn hình, dự án tiên tiến hơn robot di động.

Ý tưởng đằng sau robot màn hình thông minh này là mô phỏng chuyển động đầu người, chẳng hạn phản ứng trong phiên FaceTime. Nó cũng sẽ bao gồm tính năng phóng to một người cụ thể trong đám đông trong cuộc gọi điện video. Bloomberg cho biết thiết bị này ban đầu đã thu hút sự chú ý của các lãnh đạo cấp cao Apple từ nhiều năm trước, dù họ vẫn chưa đồng ý về việc có nên tiếp tục dự án hay không.

Báo cáo về những nỗ lực mới của Apple được đưa ra sau một loạt thông tin bất lợi gần đây với công ty. Từ đầu năm 2024 đến nay, Apple đã phải hứng chịu doanh số iPhone sụt giảm ở Trung Quốc, khoản tiền phạt gần 2 tỉ USD ở Liên minh châu Âu (EU) và vụ kiện chống độc quyền từ Bộ Tư pháp Mỹ.

Cuối tháng 2, Apple đã loại bỏ dự án sản xuất ô tô điện tự lái kéo dài cả thập kỷ, chuyển trọng tâm sang xây dựng các sản phẩm AI. Apple đã bị chỉ trích là tụt hậu về AI so với OpenAI, Microsoft và Google, những công ty đều đã phát hành chatbot.

Việc đặt cược vào robot gia đình có thể là nỗ lực để lấy lại cảm hứng của Apple cho việc phát triển sản phẩm mới. Theo báo cáo, công ty đã bắt đầu khám phá robot vào năm 2019. Thời điểm đó, Doug Field (hiện là Giám đốc điều hành mảng ô tô điện tại Ford) đang dẫn đầu dự án robot của Apple và cùng các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực sản phẩm gia dụng tham gia nghiên cứu những thứ như máy bay không người lái yên tĩnh trong nhà.

Theo Bloomberg, sau khi Doug Field rời công ty vào năm 2021, những nỗ lực phát triển robot của Apple tập trung vào các sản phẩm trong nhà. Một ý tưởng mà Apple đã khám phá là robot có thể làm những việc vặt như rửa bát và được sử dụng để thực hiện các cuộc gọi điện video. Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị gác lại vì những trở ngại kỹ thuật.

Vẫn chưa rõ liệu robot của Apple có đến tay người tiêu dùng hay không. Thế nhưng, Apple dường như đã đặt nền móng. Ít nhất một kỹ sư từng thuộc nhóm phần cứng của dự án ô tô điện đã được chuyển sang bộ phận gia đình và robot. Các nguồn tin cũng nói rằng SafetyOS, hệ điều hành mang lại khả năng tự lái cho ô tô, về mặt kỹ thuật có thể được tái sử dụng cho robot.

Tuy nhiên, robot gia đình không có gì mới. Chẳng hạn, Roomba là máy hút bụi tự động phổ biến do hãng iRobot tạo ra mà Amazon đã cố gắng mua lại vào năm 2022. Loa thông minh và bộ điều chỉnh nhiệt độ cũng rất phổ biến trong nhà của nhiều người. Trong khi đó, sản phẩm mới nhất của Apple là kính thực tế hỗn hợp Vision Pro nhận được nhiều đánh giá trái chiều.

Bài liên quan
Lãnh đạo Apple nhắc rằng iPhone đời đầu rất nhỏ, cho thấy Steve Jobs đã nhận định sai lầm
Greg Joswiak, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách tiếp thị toàn cầu của Apple, có những kỷ niệm đẹp về lần ra mắt iPhone đầu tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
một giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sản lượng iPhone ở Ấn Độ đạt 14 tỉ USD khi Apple giảm phụ thuộc vào Trung Quốc