Kim Dotcom vẫn mạnh miệng trong cuộc đấu tranh kéo dài hàng thập kỷ để tránh bị dẫn độ sang Mỹ vì vi phạm bản quyền.
Cuộc tranh luận pháp lý kéo dài hàng thập kỷ về dịch vụ lưu trữ đám mây Megaupload đã tiến gần hơn đến giai đoạn cuối, sau khi hai trong số những nhân viên cấp cao nhận tội về nhiều cáo buộc khác nhau.
Do Kim Dotcom (doanh nhân người Đức gốc Phần Lan sống ở New Zealand) đứng đầu, Megaupload mang đến cho người dùng cơ hội tải file lên và lưu trữ chúng trên đám mây. Các file sau đó có thể được cung cấp cho các thành viên khác. Thời kỳ hoàng kim của Megaupload là vào giữa những năm 2000. Đó thời điểm mà nhiều nội dung có sẵn thông qua BitTorrent, trước khi các dịch vụ truyền phát nội dung trực tuyến cung cấp việc truy cập dễ dàng, phù hợp với giá cả phải chăng.
BitTorrent là giao thức chia sẻ tài nguyên trên mạng ngang hàng, đồng thời là tên chương trình chia sẻ tài nguyên ngang hàng được phát triển bởi lập trình viên Bram Cohen. BitTorrent được dùng để tải về những dữ liệu lớn mà không tốn chi phí máy chủ và băng thông mạng.
Để xây dựng nội dung của mình, Megaupload hầu như không sử dụng biện pháp để ngăn người dùng tải lên và chia sẻ nội dung vi phạm bản quyền, thậm chí còn trả tiền thưởng cho những người làm như vậy. Sự hiện diện của nội dung phong phú đã thu hút thêm người dùng, trong đó một số người đã đăng ký và giúp Megaupload kiếm được tiền. Hơn 90% người dùng Megaupload không bao giờ tải file lên nhưng có tải xuống nội dung.
Big Content khiến Megaupload chịu các vụ kiện liên quan đến bản quyền, vốn đã ầm ĩ hơn một thập kỷ khi Kim Dotcom và các cộng sự của ông lập luận rằng họ không chịu trách nhiệm về các nội dung mà người dùng tải lên.
Big Content là thuật ngữ được sử dụng để chỉ các công ty lớn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và phân phối nội dung truyền thông.
Các nhà chức trách Mỹ và Big Content đã chỉ ra các khoản thanh toán của Megaupload cho những người tải lên nội dung là bằng chứng cho thấy tổ chức này có ý định kiếm lợi từ việc lạm dụng bản quyền. Họ đã cố gắng dẫn độ Kim Dotcom và các cộng sự của ông ta từ New Zealand để đối mặt với tòa án Mỹ.
Hôm 15.6, hai trong số những cộng sự của Kim Dotcom là Mathias Ortmann và Bram van der Kolk (đều là lập trình viên của Megaupload) đã nhận tội tại Tòa án Tối cao New Zealand.
Mathias Ortmann và Bram van der Kolk giữ vai trò là nhà phát triển, đồng nghĩa họ hiểu các hoạt động và ý định của Megaupload. Sau nhiều năm, Mathias Ortmann và Bram van der Kolk đã đồng ý nhận tội và hỗ trợ chính quyền Mỹ, đổi lại thủ tục dẫn độ kết thúc (không phải đối mặt với việc bị dẫn độ sang Mỹ).
Theo Tòa án Tối cao New Zealand, hai người này "đã tuân thủ kịp thời và đầy đủ tất cả nghĩa vụ của họ cho đến nay theo các thỏa thuận đó".
Các cáo buộc chống lại Mathias Ortmann và Bram van der Kolk có mức án tối đa từ 5 đến 10 năm. Thế nhưng, thẩm phán Fitzgerald nhận xét rằng bộ đôi này đã thể hiện sự hối hận, sửa đổi hành vi nên có các tình tiết để giảm nhẹ tội cá nhân.
Theo đó, Mathias Ortmann bị kết án 2 năm 7 tháng tù và van der Kolk là 2 năm 6 tháng. Cả hai đều nhận tội lấy nội dung theo cách không trung thực, âm mưu gây tổn thất bằng sự lừa dối và tham gia vào một nhóm tội phạm có tổ chức. Mathias Ortmann và Bram van der Kolk cũng bị tịch thu được lưu giữ tại Hồng Kông, nơi Megaupload đã hoạt động trong một thời gian.
Dù hai cộng sự nhận tội, Kim Dotcom (doanh nhân đam mê tiền mã hóa và các thuyết âm mưu của cánh hữu) tiếp tục chống lại các nỗ lực của Mỹ nhằm dẫn độ ông từ New Zealand. Trên tài khoản Twitter cá nhân, Kim Dotcom tuyên bố bản án xác nhận lý thuyết của ông rằng luật bản quyền không thể chạm vào ông. Kim Dotcom nói đã chứng minh lý thuyết đó đúng trong hơn một thập kỷ và có thể tiếp tục thách thức.
Dù tòa án New Zealand đã ra phán quyết rằng Kim Dotcom có thể bị dẫn độ sang Mỹ, nhưng việc này sẽ yêu cầu phán quyết từ cấp bộ trưởng và có rất ít dấu hiệu cho thấy vấn đề này nằm trong danh sách việc cần làm của các chính trị gia liên quan. Ngay cả khi bộ trưởng ký lệnh dẫn độ sang Mỹ, Kim Dotcom vẫn có khả năng kháng cáo.
Bị tịch thu tài sản hàng chục triệu USD
Do kháng lại yêu cầu dẫn độ sang Mỹ thông qua tòa án New Zealand, Kim Dotcom bị coi như "kẻ đào tẩu" và bị các nhà chức trách Mỹ tịch thu toàn bộ tài sản. Hồi năm 2012, khi Megaupload bị đóng cửa, các nhà chức trách tại Mỹ, New Zealand và Hồng Kông đã tiến hành thu giữ được khối tài sản của Kim Dotcom với tổng trị giá lên tới hàng chục triệu USD.
Chính quyền Mỹ tuyên bố khối tài sản này có được từ việc vi phạm bản quyền và rửa tiền, đồng thời tìm cách phong tỏa tài khoản ngân hàng, ô tô cũng như một số tài sản khác tịch thu được của các bị cáo trong vụ án.
Mùa hè 2015, chính quyền Mỹ đã thắng kiện thông qua việc tuyên bố Kim Dotcom cũng như các bị cáo khác là những "kẻ đào tẩu", từ đó tiến hành tịch thu tài sản của họ. Song chỉ ít ngày sau đó, các luật sư đại diện cho Megaupload đã đệ đơn kháng cáo lên tòa án phúc thẩm.
“Chúng tôi yêu cầu tòa án hành xử một cách công bằng, trung thực, theo đúng các quy trình và thủ tục, bằng việc ngăn chặn những nỗ lực tịch thu toàn bộ tài sản của Kim Dotcom trên toàn thế giới, trong khi ông ấy phản đối việc bị dẫn độ sang Mỹ theo đúng những thủ tục pháp lý", luật sư Ira Rothken của ông chủ Megaupload cho biết.
Tuy nhiên, những hy vọng về một kết quả có lợi cho Kim Dotcom đã bị dập tắt khi mà 2 trên 3 người của hội đồng thẩm phán tại tòa án phúc thẩm đã bác bỏ đơn kháng cáo của ông ta.
Tòa án phúc thẩm bác bỏ quan điểm được luật sư Ira Rothken đưa ra, đồng thời tuyên bố Kim Dotcom không thể đòi lại khối tài sản của mình, do ông đang trốn tránh trách nhiệm hình sự tại Mỹ.
Khối tài sản kể trên của Kim Dotcom có tổng giá trị khoảng 67 triệu USD, nằm trong nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau, cùng hàng loạt siêu xe, xe trượt tuyết, trang sức cũng như rất nhiều món đồ xa xỉ khác. Kim Dotcom đã bày tỏ sự bất bình với quyết định của tòa án: "Bọn họ coi tôi là kẻ đào tẩu chỉ vì tôi sử dụng quyền lợi có trong hiệp ước để chống lại việc bị dẫn độ, và bị tịch thu toàn bộ tài sản khi mà vẫn chưa ra tòa? Bây giờ là năm nào thế, 1938 à?".
“Tôi thông minh hơn Bill Gates"
Kim Dotcom sinh năm 1974 tại thành phố Kiel (Đức), bắt đầu làm việc với máy tính từ khi còn rất nhỏ. Từ khi còn là đứa bé, Kim Dotcom đã sao chép các game trên máy tính rồi bán cho bạn bè. Theo hãng tin Reuters, khi internet mới xuất hiện, Dotcom đã bắt đầu dùng điện thoại để hack các máy tính.
Kim Dotcom không hề che giấu việc mình từng là hacker, xâm nhập vào mạng máy tính của NASA, Lầu Năm Góc và ít nhất là một ngân hàng lớn.
Khi thế hệ hacker tiên phong hết thời, Kim Dotcom cũng vậy. Năm 1998, Kim Dotcom bị kết án vì tội hack máy tính. Sau vụ việc này, Kim Dotcom đã kiếm được tiền nhờ tư vấn bảo mật máy tính và đầu tư vốn mạo hiểm thông qua công ty Kimvestor.
Theo tạp chí Der Spiegel (Đức), Kim Dotcom từng tự hào mình sẽ trở thành một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới, thậm chí tuyên bố: "Tôi thông minh hơn Bill Gates”.
Kim Dotcom nổi tiếng với lối sống xa hoa và các kỹ năng siêu việt về máy tính của mình. Người đàn ông cao 2m và nặng hơn 130kg này thường xuất hiện trên các tờ báo khổ nhỏ của Đức với những chiếc ô tô đắt tiền và một người mẫu trong vòng tay.
Có thời điểm website của Kim Dotcom đăng tải các bức ảnh ông đang lái xe, bắn súng hoặc bay vòng quanh thế giới bằng máy bay riêng.
FBI cho biết vào năm 2010, Kim Dotcom kiếm được khoảng 115.000 USD mỗi ngày từ công việc kinh doanh của mình.
Theo nhiều nguồn tin, Kim Dotcom đã kiếm được khoảng 175 triệu USD từ hoạt động phân phối phim, nhạc và các nội dung khác trên internet.
Năm 2010, Kim Dotcom từng bỏ ra 500.000 NZD (đô la New Zealand) để xem bắn pháo hoa đêm giao thừa từ trực thăng riêng tại thành phố Auckland.