Theo Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình, điều quan trọng hơn bao giờ hết là các quốc gia phải tăng cường hợp tác và chia sẻ công nghệ.
Ông Tập Cận Bình cho biết điều đó trong thông điệp gửi tới diễn đàn công nghệ lớn ở thủ đô Bắc Kinh, khi nước này cố gắng thu hút các nhà khoa học toàn cầu cùng hợp tác trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI).
Trong thư chúc mừng Diễn đàn Zhongguancun (Trung Quan Thôn) 2023, ông Tập Cận Bình viết rằng Trung Quốc cam kết thực hiện “chiến lược mở cửa đôi bên cùng có lợi” và nước này sẵn sàng chung tay cùng các quốc gia khác để thúc đẩy đổi mới khoa học công nghệ, theo bức thư được công bố bởi hãng thông tấn Tân Hoa Xã.
Thông điệp được đưa ra vào thời điểm sự cạnh tranh công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng căng thẳng, với việc chính quyền Biden và các đồng minh thắt chặt các hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi đó, các nhà khoa học Trung Quốc cũng đang chịu sự giám sát chính trị lớn hơn ở Mỹ, với việc Bắc Kinh muốn nhiều người trong số họ trở về nước.
Chủ đề diễn đàn năm nay tại Zhongguancun, trung tâm công nghệ lớn ở quận Hải Điến (Bắc Kinh) được mệnh danh là “Thung lũng Silicon của Trung Quốc”, là “hợp tác cởi mở vì một tương lai chung”. Sự kiện kéo dài 6 ngày này đã thu hút một danh sách dài nhà khoa học nổi tiếng Trung Quốc và nước ngoài lẫn doanh nhân.
Phát biểu qua một nguồn cấp dữ liệu phát trực tiếp, Bill Gates (đồng sáng lập Microsoft) nói tại diễn đàn hôm 26.5 rằng chủ đề hợp tác cởi mở “không thể hợp thời hơn”, lặp lại thông điệp của ông Tập Cận Bình.
Bill Gates cho biết các vấn đề toàn cầu như đại dịch cùng những thách thức khác từ an ninh lương thực đến phúc lợi trẻ em không nằm trong ranh giới quốc gia. “Vì vậy, chúng ta cần cam kết làm việc xuyên biên giới để giải quyết chúng”, tỷ phú 67 tuổi nói.
Bill Gates cũng nói rằng Trung Quốc, với sự kết hợp giữa chuyên môn và kinh nghiệm cũng như đầu tư vào đổi mới, sẽ có thể đóng góp cho thế giới bằng cách chia sẻ công nghệ và bài học của mình.
"Chúng ta cần triển khai một phản ứng toàn diện, rộng rãi với các vấn đề như đại dịch dựa trên sự đổi mới và hợp tác", Bill Gates cho hay, lưu ý rằng chuyên môn và năng lực sản xuất của Trung Quốc sẽ giúp đáp ứng nhu cầu cấp bách của thế giới về thực phẩm và dược phẩm.
"Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các thách thức toàn cầu phức tạp, bao gồm các đại dịch trong tương lai và tình trạng bất an về thực phẩm", ông nói tại diễn đàn.
Lý Ngạn Hoành, người sáng lập và Giám đốc điều hành Baidu, cũng có bài phát biểu quan trọng hôm 26.5, đề cập đến sự thay đổi đột phá mà AI sẽ mang lại thông qua các mô hình ngôn ngữ lớn và tuyên bố sẽ tích hợp những công nghệ như vậy vào nền kinh tế thực.
Đây là điều mà ông Tập Cận Bình kêu gọi trong bài phát biểu trước Đại hội Đảng lần thứ 20 vào năm 2022, nói rằng Trung Quốc phải thúc đẩy sự phát triển tổng hợp của “các ngành công nghiệp mới nổi chiến lược”, bao gồm công nghệ thông tin và lĩnh vực AI cùng các ngành khác.
Ernie Bot của Baidu đang cố gắng đuổi kịp ChatGPT do OpenAI phát triển và Microsoft hậu thuẫn.
Lý Ngạn Hoành nói rằng các mô hình ngôn ngữ lớn có quyền truy cập vào kiến thức cô đọng của con người và giới thiệu con đường đạt được generative AI . “Tại thời điểm này, chúng ta đang bắt đầu một kỷ nguyên mới cho công nghệ AI tập trung vào mô hình ngôn ngữ lớn”, Lý Ngạn Hoành nói với khán giả tại sự kiện.
Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo mà máy tính được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu hoặc học máy trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.
Các diễn giả khác tại diễn đàn hôm 26.5 có Saifur Rahman (Chủ tịch Viện Kỹ sư Điện và Điện tử) và Denis Simon (Chủ tịch Liên minh các Tổ chức Tài năng Toàn cầu), theo Tân Hoa Xã.
Trong cuộc họp quan trọng của Ủy ban Trung ương về Tài chính và Kinh tế hôm 5.5, ông Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc nên tận dụng khả năng của mình trong AI để giúp hiện đại hóa hệ thống công nghiệp của đất nước, Tân Hoa Xã đưa tin.
Ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc nên nắm bắt các cơ hội do những đột phá khoa học và công nghệ mới, chẳng hạn AI, để xây dựng một hệ thống công nghiệp hiện đại “toàn diện, tiên tiến và không gây hại”.
Đây là lần thứ hai trong chưa đầy 2 tuần gần đây, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh đến sự phát triển của AI. Bình luận này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang có những động thái nhằm làm chậm quá trình phát triển AI của Trung Quốc bằng cách hạn chế xuất khẩu các chất bán dẫn tiên tiến sang quốc gia châu Á này như CPU và GPU, vốn rất quan trọng để huấn luyện các mô hình AI tinh vi.
“Đẩy nhanh việc xây dựng một hệ thống công nghiệp hiện đại được hỗ trợ bởi nền kinh tế thực là rất quan trọng để chúng ta giành được thế chủ động chiến lược trong tương lai phát triển và cạnh tranh quốc tế”, ông Tập Cận Bình nói trong cuộc họp có sự tham dự của các quan chức Trung Quốc cấp cao khác.
Trong cuộc họp riêng vào ngày 28.4 tổng kết cuộc họp hàng quý của Bộ Chính trị Trung Quốc về phát triển kinh tế và xã hội, Bộ Chính trị nước này đã kết luận rằng phải “chú ý đến sự phát triển của generative AI, tạo ra một hệ sinh thái cho sự đổi mới, nhưng đồng thời phải tính đến việc phòng ngừa rủi ro”.
Đây là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc đưa generative AI vào một tuyên bố của Bộ Chính trị, phản ánh tín hiệu khác nhau của quốc gia này với dịch vụ tương tự ChatGPT.
Dường như việc thúc đẩy tiến bộ của AI được khuyến khích, nhưng đồng thời cũng có những lo ngại về hậu quả từ việc làm này.
Bắc Kinh thúc đẩy Alibaba, Baidu cùng nhiều hãng phát triển mô hình AI và sức mạnh tính toán
Bắc Kinh đã triệu tập các hãng công nghệ lớn Trung Quốc, gồm cả Baidu và Alibaba, để thúc đẩy phát triển generative AI, khi quốc gia đang đổ nguồn lực vào lĩnh vực này trong cuộc cạnh tranh công nghệ gia tăng với Mỹ.
Theo trang SCMP, tuần trước, Văn phòng Kinh tế và Công nghệ Thông tin Bắc Kinh cùng hai cơ quan khác đã công bố "Chương trình đối tác đổi mới ngành công nghiệp generative AI", kêu gọi các đối tác tận dụng nguồn lực để thúc đẩy phát triển và ứng dụng các mô hình ngôn ngữ lớn (công nghệ làm nền tảng cho các công cụ generative AI như ChatGPT).
Đợt đầu tiên gồm 39 đối tác của chương trình, trong đó có Alibaba Cloud (một trong hai đối tác về sức mạnh tính toán), nhà điều hành công cụ tìm kiếm internet Baidu, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba và công ty an ninh mạng 360 Security Technology, tất cả đều ra mắt các mô hình ngôn ngữ lớn những tháng gần đây và được liệt kê là đối tác về mô hình lớn.
Ngoài sức mạnh tính toán và các mô hình lớn, các đối tác sẽ tập trung chủ yếu vào dữ liệu, ứng dụng và đầu tư. Văn phòng Kinh tế và Công nghệ Thông tin Bắc Kinh cho biết các công ty khác có thể tham gia chương trình theo lời mời hoặc thông qua việc gửi đơn đăng ký của riêng họ.
Chương trình nhắm mục tiêu triển khai hơn 10 ứng dụng thương mại của mô hình ngôn ngữ lớn trong các tình huống chính mỗi năm và nuôi dưỡng nhóm các doanh nghiệp hàng đầu để hình thành “ngành công nghiệp generative AI có công nghệ tiên tiến, hỗ trợ sự phát triển chất lượng cao của nền kinh tế kỹ thuật số”, theo kế hoạch.
Hôm 18.5, Vương Chí Cương, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, đã kêu gọi các công ty nước này nắm bắt cơ hội trong công nghệ AI và và thành lập một số khu vực nổi bật về AI trên khắp đất nước.
Theo kế hoạch mới nhất của Bắc Kinh, các công ty đối tác sẽ đảm nhận nhiệm vụ nâng cao sức mạnh tính toán cho thủ đô Trung Quốc trong vòng 5 đến 10 năm tới bằng cách đẩy nhanh các dự án trọng điểm, chẳng hạn như xây dựng Trung tâm Năng lượng Tính toán Công cộng AI Bắc Kinh tại quận Hải Dương và Trung tâm Năng lượng Tính toán Kinh tế Số Bắc Kinh tại quận Triều Dương.
Kế hoạch cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy những đột phá trong quy trình sản xuất chip và khuyến khích sử dụng công nghệ chiplet để thu hẹp khoảng cách trong việc chế tạo chip điện toán tiên tiến.
Chiplet cho phép một khối mạch tích hợp (IC) được kết nối với các IC khác để tạo thành chip lớn hơn và phức tạp hơn. Chiplet được một số nhà nghiên cứu Trung Quốc coi là lựa chọn để nước này tạo ra con đường của riêng mình trong lĩnh vực sản xuất chip tiên tiến.
Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã tăng cường nỗ lực phát triển ngành công nghiệp AI của mình.
Chính quyền đã công bố dự thảo chính sách mới hỗ trợ ngành công nghiệp AI của Bắc Kinh, gồm cả việc cung cấp sức mạnh tính toán do nhà nước tài trợ cho các công ty có liên quan.
Cơ quan xúc tiến công nghệ của Bắc Kinh đã bắt đầu kêu gọi các dự án nghiên cứu được trợ cấp liên quan đến AI, thực tế tăng cường và thực tế ảo, với 60 triệu nhân dân tệ (8,6 triệu USD) được dành cho tối đa 12 dự án trong 2 năm.