Sau 2 ngày Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành, ngày 27.10, ba "ông lớn" ngân hàng là BIDV, Agribank, Vietinbank đã thông báo tăng lãi suất.

3 'ông lớn' ngân hàng nhập cuộc đua tăng lãi suất

Tuyết Nhung | 27/10/2022, 15:50

Sau 2 ngày Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành, ngày 27.10, ba "ông lớn" ngân hàng là BIDV, Agribank, Vietinbank đã thông báo tăng lãi suất.

Cụ thể, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1-2 tháng lên 4,9%; kỳ hạn 3 tháng và 5 tháng tăng lên 5,4%; kỳ hạn 6 tháng là 6%; 9 tháng 6,1%, còn các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng lên 7,4%. Với biểu lãi suất mới, BIDV tăng bình quân thêm từ 1-1,3%.

tang-lai-suat.jpg

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) công bố tăng lãi suất huy động hàng loạt kỳ hạn: kỳ hạn 1-3 tháng tăng lên 4,9%; kỳ hạn từ trên 3 tháng đến dưới 6 tháng tăng lên 5,4%; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng tăng lên 6%; kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng tăng lên 7,4%. Với lãi suất mới, Vietinbank cũng đã tăng thêm từ 1-1,3%.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cũng đưa ra biểu lãi suất huy động mới trong ngày hôm nay (27.10), với kỳ hạn 1-2 tháng tăng lên 4,9%; kỳ hạn từ 3-5 tháng tăng lên 5,4%; kỳ hạn từ 6-11 tháng tăng lên 6,1%; kỳ hạn từ 12-24 tháng tăng lên 7,4%.

Như vậy, đã có 3 trong 4 "ông lớn" ngân hàng nhập cuộc đua tăng lãi suất, giờ chỉ còn ngân hàng Vietcombank vẫn chưa điều chỉnh lãi suất mới.

Trước đó, ngày 26.10, sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành, hàng loạt ngân hàng thương mại cũng đã tăng lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng lên mức kịch trần 6%/năm, kéo theo các kỳ hạn khác cũng tăng mạnh.

Trong đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã nâng các mức lãi suất tiền gửi lên mức cao nhất thị trường hiện nay với 9,3%/năm. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng của SCB đều đã lên trên mức 9%/năm; cao nhất là kỳ hạn 36 tháng tại gói tiết kiệm phát lộc, lĩnh lãi cuối tháng với mức 9,3%/năm. Lãi suất của các kỳ hạn dưới 6 tháng tại SCB đã lên mức kịch trần 6%/năm. Với hình thức gửi tại quầy, lãi suất cao nhất là 8,8%/năm, nếu cộng thêm ưu đãi 0,5%/năm cho khách hàng gửi từ 12 tháng thì người gửi tiền cũng được hưởng lãi suất lên đến 9,3%/năm.

Ngân hàng Bản Việt đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 1-5 tháng từ 5%/năm lên 6%/năm. Không chỉ lãi suất kỳ hạn ngắn, ngân hàng này cũng tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng từ 6,5-6,7%/năm lên 7,6-8,1%/năm. Kỳ hạn 12 tháng tăng từ 7%/năm lên 8,2%/năm. Riêng các kỳ hạn dài 18, 24, 36, 48 và 60 tháng đã tăng lên đến 8,9%/năm. Riêng gửi bằng hình thức trực tuyến, với kỳ hạn 6 tháng, ngân hàng này đã nâng lãi suất lên 8%/năm; 12 tháng là 8,6%/năm và 24 tháng lên 8,9%/năm.

Ngân hàng Sacombank cũng nâng lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,1-4,6%/năm lên 5,6-6%/năm với giao dịch tài quầy. Lãi suất tiền gửi từ 6-11 tháng được nâng từ 5,8-6,3%/năm lên 7-7,25%/năm. Riêng tiền gửi kênh trực tuyến, mọi kỳ hạn dưới 6 tháng đều tăng lên trần là 6%/năm. Kỳ hạn 12 tháng là 7,8%/năm và kỳ hạn 24 tháng lên 8%/năm.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng thông báo điều chỉnh lãi suất huy động từ hôm nay. Theo đó, tất cả các khoản tiền gửi trên 300 triệu đồng, kỳ hạn dưới 6 tháng theo hình thức gửi trực tuyến đều được áp dụng mức lãi suất 6%/năm, các kỳ hạn dài hơn, lãi suất tăng thêm khoảng 1%/năm.

Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cũng đã tăng lãi suất tiền gửi đối với các kỳ hạn từ 1-5 tháng lên mức 6%/năm, tăng 1%/năm so với trước đó. Tại kỳ hạn 6-7 tháng, mức lãi suất khách hàng được hưởng theo gói tiết kiệm An Phú cũng ở mức rất cao là 8%/năm. Mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này đang niêm yết là 8,45%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 2 năm trở lên.

Một số ngân hàng khác như BacABank, SeABank, VIB... cũng đưa ra biểu lãi suất huy động mới, đặc biệt ở kỳ hạn dưới 6 tháng.

Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho biết, sau nhiều ngày liên tiếp hút tiền về, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã mạnh tay bơm tiền ra thị trường. Theo đó, thông qua kênh tín phiếu, cơ quan này đã đưa vào hệ thống ngân hàng thương mại 23.000 tỉ đồng qua kênh tín phiếu vào ngày 25.10.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu lên mức 3-3,25%/năm và dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và trong năm 2023, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.

Để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 25.10.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các tổ chức tín dụng, qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Bài liên quan
Tăng lãi suất, doanh nghiệp đối mặt thêm nhiều nỗi lo
Với việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất, những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nhất là doanh nghiệp có vòng quay vốn chậm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tập trung thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy hệ thống chính trị
10 giờ trước Sự kiện
Sáng 19.11, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã tổ chức phiên họp thứ nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
3 'ông lớn' ngân hàng nhập cuộc đua tăng lãi suất