Thấy đau ngực đến bệnh viện khám, cụ ông bất ngờ ngã quỵ và bất tỉnh, sau đó bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở và có nguy cơ rơi vào tình trạng chết não.

30 phút căng thẳng giành lại sự sống cho cụ ông ngưng tim, ngưng thở

Hồ Quang | 13/06/2019, 08:02

Thấy đau ngực đến bệnh viện khám, cụ ông bất ngờ ngã quỵ và bất tỉnh, sau đó bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở và có nguy cơ rơi vào tình trạng chết não.

Trong lúc đang chơi với cháu, ông Nguyễn T. (71 tuổi, ngụ ở TP.HCM) đột ngột ngất rồi tỉnh lại, kèm theo dấu hiệu đau sau xương ức, khó thở. Người nhà đưaông đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn để khám. Khi vừa đến sảnh bệnh viện, ông đột ngột ngã rồi bất tỉnh, sau đó ngưng tim, ngưng thở và có nguy cơ chết não.

Chiều 12.6, bác sĩ Nguyễn Thanh Nhân (Khoa Tim mạch -Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn) cho biết, các bác sĩ ở đây đã cứu sống thành công cụ T. trong vòng 30 phút nhờ mô hình cấp cứu nội viện phối hợp với mô hình can thiệp cấp cứu nhồi máu cơ tim cấp.

Bác sĩ Nhân cho biết, ngay khi nhậnthông tin trên, các bác sĩ ở đây đã bật tín hiệu mô hình cấp cứu nội viện (Code Blue) và ngay lập tức đội cấp cứu nội viện có mặt trong vòng 1 phút. Lúc này, bệnh nhân trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở hoàn toàn và có nguy cơ chết não, nếu không được cấp cứu kịp thời trong vòng 4 phút. Các bác sĩ nhanh chóng thực hiện hồi sức tim phổi cho người bệnh theo đúng quy trình.

“Trong quá trình hồi sức, chúng tôi đã tiến hành sốc điện tái lập nhịp tim cho ông T. khi màn hình theo dõi ghi nhận có tình trạng rung thất đe dọa tính mạng. Sau 2 phút căng thẳng, người bệnh đã được tái lập nhịp tim”, bác sĩ Nhân hồ hởi nói.

Bệnh nhân bị tắc hoàn toàn đoạngiữa nhành liên thất trước - Ảnh: K.O

Theo bác sĩ Nhân, sau khi đội cấp cứu nội viện xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên, các bác sĩ lập tức đưa bệnh nhân vào phòng thông tim theo quy trình mô hình can thiệp cấp cứu nhồi máu cơ tim cấp (Code STEMI) để chụp và can thiệp động mạch vành. Đây là mô hình tiếp cận và can thiệp người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp một cách nhanh chóng, rút ngắn thời gian tổn thương cơ tim, làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và các biến chứng về sau.

Kết quả chụp mạch vành cho thấy, bệnh nhân tắc cấp hoàn toàn đoạn giữa nhánh liên thất trước (LAD). Các bác sĩ đã nhanh chóng hút cục máu đông và đặt một stent phủ thuốc vào nhánh động mạch thủ phạm tắc hoàn toàn.

"Rung thất trên bệnh nhân T. là biến chứng rối loạn nhịp nguy hiểm nhất trong nhồi máu cơ tim cấp, có thể dẫn đến tử vong ngay lập tức nếu không được cấp cứu kịp thời. Việc tiếp cận và xử lý nhanh chóng trong vòng dưới 60 phút -trong thời gian vàng đối với người bệnh nhồi máu cơ tim của 2 ê kíp đã giúp bệnh nhân tránh được tử vong. Hiện tại sức khỏe của người bệnh nhân phục hồi tốt”, bác sĩ Nhân chia sẻ.

Bác sĩ Phan Hoàng Nguyên (Trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn) chia sẻ: “2 mô hình cấp cứu nội viện và can thiệp mạch vành cấp cứu cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim đã được bệnh viện phối hợp rất chặt chẽ, giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim cấp. Hai mô hình trên đã mang lại sự an toàn, nhanh chóng và hiệu quả trong cấp cứu và chăm sóc điều trị, tạo sự an tâm, tin tưởng cho người bệnh và thân nhân”.

Huyết khối của bệnh nhân được các bác sĩlấy ra từ động mạch vành - Ảnh: K.O

Qua trường hợp trên, bác sĩ Nguyễn Thanh Nhân khuyến cáo người dân khigặp các dấu hiệu và triệu chứng như: đau ngực trái, đau sau xương ức hay đau thượng vị, kéo dài trên 5 phút, có thể lan lên vùng cổ hoặc hàm, đau vai hoặc cánh tay đau kèm, hồi hộp, khó thở, đổ mồ hôi, đau tăng khi vận động, buồn nôn và nôn, mệt mỏi hoặc ngất… là những biểu hiện của bệnh nhồi máu cơ tim, người bệnh nên đến bệnh viện sớm nhất có thể để được xử trí kịp thời nhằm giảm tỷ lệ tử vong và các biến chứng về sau.

“Đối với những bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch, hay thuộc nhóm nguy cơ tim mạch cao như: người hút thuốc lá, béo phì, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, gia đình có người mắc bệnh tim mạch sớm (nam dưới 55 tuổi, nữ dưới 60 tuổi)…nên được thăm khám thường xuyên, hoặc đi tầm soát bệnh tim mạch để phát hiện sớm, điều trị và phòng ngừa các nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim, đồng thời ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra”, bác sĩ Nhân cảnh báo.

Hồ Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
30 phút căng thẳng giành lại sự sống cho cụ ông ngưng tim, ngưng thở