Năm 2021 đánh dấu 100 năm phát hiện ra insulin, một loại thuốc thay đổi cuộc chơi trong cuộc chiến với bệnh tiểu đường. Thế nhưng hiện nay, tiểu đường vẫn là căn bệnh đe dọa tính mạng rất nhiều người.

'40% số người chết vì COVID-19 ở Mỹ mắc bệnh tiểu đường'

Đan Thuỳ | 15/11/2021, 11:22

Năm 2021 đánh dấu 100 năm phát hiện ra insulin, một loại thuốc thay đổi cuộc chơi trong cuộc chiến với bệnh tiểu đường. Thế nhưng hiện nay, tiểu đường vẫn là căn bệnh đe dọa tính mạng rất nhiều người.

Dù đã có một thế kỷ tiến bộ trong điều trị, giáo dục và phòng ngừa bệnh tiểu đường nhưng Ngày Đái tháo đường Thế giới (14.11) năm 2021 vẫn diễn ra với những số liệu thống kê nghiệt ngã. Cứ 10 người trưởng thành trên thế giới thì lại có một người mắc tiểu đường. Theo số liệu do Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế (IDF) công bố gần đây, có khoảng 537 triệu người đang sống chung với căn bệnh này.

Đến năm 2004, IDF dự đoán số người mắc bệnh tiểu đường sẽ tăng lên 1/8 người lớn.

Tiến sĩ Andrew Boulton, Chủ tịch IDF và Giáo sư y khoa tại Đại học Manchester (Anh), chia sẻ với CNN: “Khi thế giới đánh dấu ngày kỷ niệm một trăm năm phát hiện ra insulin, tôi ước chúng ta có thể nói rằng đã hoàn toàn ngăn chặn được làn sóng gia tăng bệnh tiểu đường. Song thay vào đó, bệnh tiểu đường vẫn đang là một đại dịch lớn chưa từng có”.

diabetes_screening_68008.jpeg
Thuốc tiêm insulin được dùng để điều trị bệnh tiểu tường loại 1 và loại 2 nhờ khả năng cân bằng lượng đường trong máu - Ảnh: Internet

Theo ước tính của IDF, gần 7 triệu người trưởng thành đã chết trên toàn thế giới vào năm 2021 do bệnh tiểu đường hoặc những biến chứng mà nó gây ra, hơn 1/10 trường hợp tử vong toàn cầu vì bất kỳ nguyên nhân nào.

Điều đó không tính đến những sinh mạng đã bị cướp đi vì COVID-19, vốn dễ gây tử vong cho những người mắc bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 2 cho thấy bị tiểu đường loại 1 và loại 2 làm tăng gấp 3 lần nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do COVID-19.

Tiến sĩ Robert Gabbay, Giám đốc khoa học và y tế của Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, nói: “Một thống kê gây bàng hoàng là có tới 40% số người đã chết ở Mỹ do COVID-19 mắc bệnh tiểu đường”.

Hiện Mỹ ghi nhận 47.916.190 ca mắc COVID-19 với 783.565 người chết.

Tiến sĩ Andrew Boulton cho biết đại dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng lớn đến việc nhiều người kiểm soát bệnh tiểu đường trong 1 năm rưỡi qua. “Tôi lo sợ chúng ta sẽ chứng kiến một cơn sóng thần trong hai năm tới của bệnh tiểu đường và các biến chứng của nó vì nhiều người đã bỏ lỡ nhiều các cuộc hẹn khám sàng lọc do sợ mắc COVID-19”, ông nói.

COVID-19 có phải là nguyên nhân gây bệnh tiểu đường?

Các chuyên gia lo ngại rằng COVID-19 có thể góp phần gây ra một vấn đề thậm chí còn lớn hơn những con số thống kê tồi tệ.

“Có thể nhiều người phát bệnh tiểu đường vì COVID-19”, Tiến sĩ Robert Gabbay nói với CNN.

Tiến sĩ Andrew Boulton cũng nhấn mạnh nguy cơ đó: “Có thể bị bệnh tiểu đường do COVID-19 gây ra, dù vẫn có nhiều sự tranh luận trái chiều ở thời điểm này”.

Một phân tích toàn cầu được công bố vào năm 2020 cho thấy có tới 14% người nhập viện vì COVID-19 nặng sau đó đã phát triển thành bệnh tiểu đường. Một đánh giá khác được công bố vào tháng 10.2021 đã tìm thấy các ví dụ về bệnh tiểu đường loại 1 hoặc loại 2 mới khởi phát ở trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn mắc COVID-19.

Nghiên cứu cho biết: “Liệu bệnh tiểu đường mới khởi phát có khả năng duy trì vĩnh viễn hay không, vì việc theo dõi lâu dài những bệnh nhân này đang gặp nhiều hạn chế”.

Rất có thể COVID-19 không phải là thủ phạm. Robert Gabbay cho biết những bất thường về lượng đường trong máu có thể được kích hoạt bởi căng thẳng trong quá trình mắc COVID-19 và steroid được được sử dụng để chống lại chứng viêm do bệnh này.

10_diabetes-1616467196162.jpeg
Có nhiều bằng chứng cho thấy COVID-19 gây nên bệnh tiểu đường - Ảnh: Internet

Theo Hiệp hội Y khoa Mỹ và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), có một lời giải thích khác là những người này bị tiền tiểu đường, với khoảng 88 triệu người Mỹ đang mắc phải. Các tổ chức đã hợp tác với Ad Council để tạo ra một chiến dịch dịch vụ công cộng mới mang tên “Tôi có bị tiền tiểu đường không?”.

Ad Council là tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ sản xuất, phân phối và quảng bá các thông báo dịch vụ công cộng thay mặt cho các nhà tài trợ khác nhau.

Nhiều người cũng có thể đã mắc bệnh tiểu đường mà chưa được chẩn đoán trước đó. IDF ước tính rằng trong số 537 triệu người trưởng thành đang mắc bệnh tiểu đường trên khắp thế giới thì có gần một nửa (44,7%) là chưa được chẩn đoán.

Theo Boulton và Gabbay, cũng có bằng chứng cho rằng vi rút SARS-CoV-2 có thể liên kết với các thụ thể ACE2 trong các tế bào tiểu đảo của tuyến tụy, cơ quan sản xuất chất insulin của cơ thể.

“Vi rút tấn công các tế bào đó trong tuyến tụy và cản trở quá trình sản xuất insulin, nên đó có thể là một cơ chế khác. Những người lần đầu tiên được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tại bệnh viện thông qua bất kỳ cơ chế nào, thật đáng buồn rằng là tình trạng tồi tệ hơn”, Gabbay cho biết.

Chẩn đoán sớm là chìa khóa vàng kiểm soát bệnh tật

Để đảo ngược làn sóng gia tăng của các ca bệnh tiểu đường đòi hỏi phải được chẩn đoán sớm. Điều trị bệnh tiểu đường loại 2 trong gia đoạn tiền tiểu đường được ưu tiên hơn vì đó là thời điểm trước khi cơ thể bắt đầu bị tổn thương do lượng đường trong máu không đều và việc thay đổi lối sống cũng dễ thực hiện hơn.

Các nghiên cứu ở Phần Lan cách đây vài thập kỷ cho thấy những người có “lượng đường trong máu tăng rất nhẹ” tuân theo chế độ ăn uống hợp lý và tập thể dục thường xuyên “đã giảm 54% tiến trình mắc tiểu đường loại 2”.

“Không nhất thiết phải cố sức trong phòng tập. Tập thể dục hợp lý, đi bộ thay vì đi xe buýt, đi thang bộ thay vì thang máy, điều đó cũng là một mẹo nhỏ”, Boulton nói.

Theo hai nghiên cứu gần đây, thêm khoảng 1/3 cốc trái cây hoặc rau vào chế độ ăn hằng ngày có thể giảm 25% nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Trong khi đó tiêu thụ lượng ngũ cốc nguyên hạt cao hơn, chẳng hạn như bánh mì đen và bột yến mạch, có thể làm giảm 29% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Gabbay cho biết ngay cả khi bệnh tiểu đường đã thuyên giảm thì người bệnh vẫn nên duy trì một chế độ ăn uống, luyện tập, giảm căng thẳng và sử dụng thuốc hợp lý. “Những người ở giai đoạn bệnh thuyên giảm vẫn có thể có nguy cơ mắc một số biến chứng lâu dài, do đó họ vẫn cần được theo dõi thường xuyên bằng các xét nghiệm máu hàng quý, kiểm tra mắt, chân và thực hiện các tầm soát bệnh thận, mức cholesterol hàng năm”, ông chia sẻ.

diabetes.jpeg
Người mắc bệnh tiểu đường nên duy trì chế  độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên - Ảnh: Internet

Để xác định xem một người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 hay không, Hiệp hội Tiểu đường Mỹ có một bài kiểm tra trực tuyến kéo dài 60 giây. Sau khi trả lời một số câu hỏi về lịch sử gia đình, giới tính và hoạt động thể chất, bài kiểm tra sẽ đưa ra đáp án.

Những người trên 60 tuổi, thừa cân, tiểu đường thai kỳ, tiền sử gia đình từng có người mắc bệnh tiểu đường, đang bị cao huyết áp và lười vận động đều có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'40% số người chết vì COVID-19 ở Mỹ mắc bệnh tiểu đường'