Một lần nữa châu Âu lại là trung tâm của đại dịch COVID-19 toàn cầu. Khi các quốc gia từ Baltic đến Tây Âu phải đối mặt với các biện pháp khắc nghiệt hơn vào mùa đông, chúng ta xem điều gì đang thúc đẩy làn sóng dịch thứ tư.

Vì sao các nước châu Âu có tỷ lệ tiêm vắc xin cao đang quay lại thời kỳ COVID-19 đen tối?

Sơn Vân | 14/11/2021, 11:02

Một lần nữa châu Âu lại là trung tâm của đại dịch COVID-19 toàn cầu. Khi các quốc gia từ Baltic đến Tây Âu phải đối mặt với các biện pháp khắc nghiệt hơn vào mùa đông, chúng ta xem điều gì đang thúc đẩy làn sóng dịch thứ tư.

Cứ tưởng rằng đại dịch chưa bao giờ xảy ra tại thành phố Cologne (Đức), nơi hàng ngàn người ăn mặc sang trọng chen lấn bên nhau trong một đám đông chật cứng khi họ đếm ngược đến thời điểm bắt đầu mùa lễ hội hàng năm vào lúc 11 giờ sáng ngày 11.11.

Ở Paris (Pháp), các quán bar và câu lạc bộ mở cửa muộn và chật kín đến bùng nổ vào ngày 10.11, với Ngày đình chiến là ngày lễ quốc gia. Tại thủ đô Amsterdam của Hà Lan, việc kinh doanh vẫn diễn ra như thường lệ ở các quán và cửa hàng cà phê xung quanh Quảng trường Leidseplein.

Sogn thay vì báo trước sự bắt đầu của một mùa lễ kỷ niệm mà đỉnh điểm là Giáng sinh và năm mới, những đêm đó có thể là thời điểm vui chơi cuối cùng trước khi làn sóng COVID-19 thứ 4 quét qua châu Âu. Nửa tá thị trấn của Hà Lan đã hủy bỏ các cuộc diễu hành nổi tiếng vì niềm vui của trẻ em, đánh dấu sự xuất hiện hàng năm của Ông già Noel vào cuối tuần này và các chợ Giáng sinh nổi tiếng ở Đức vẫn chưa thể hoạt động.

Thủ hiến bang Sachsen (Đức) - Michael Kretschmer cho biết vào tuần trước: “Bạn không thể tưởng tượng được việc đứng ở chợ uống rượu ngâm trong khi các bệnh viện chật kín và tranh giành những nguồn lực cuối cùng”, thúc giục chính phủ liên bang đưa ra lời kêu gọi khó khăn.

vi-sao-cac-nuoc-chau-au-co-ty-le-tiem-vac-xin-cao-dang-quay-lai-thoi-ky-covid-19-den-toi.jpg
Cuộc biểu tình ở thành phố The Hague, Hà Lan về các biện pháp chống COVID-19 mới vào ngày 7.11

Khi Hà Lan vào ngày 13.11 trở thành quốc gia Tây Âu đầu tiên kể từ mùa hè áp đặt lệnh phong tỏa một phần, Berlin (thủ đô Đức) cấm các nhà hàng của mình ở đối tượng chưa tiêm vắc xin, Pháp chạy đua để cải thiện chiến dịch tiêm vắc xin tăng cường, châu Âu một lần nữa là trung tâm của đại dịch.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca mắc COVID-19 trên khắp châu Âu tăng 7% và số người chết do bệnh này tăng 10% trong tuần qua. Qua đó, châu Âu trở thành khu vực duy nhất trên thế giới có số ca mắc COVID-19 và tử vong tăng đều đặn.

WHO cho biết gần 2/3 số ca COVID-19 mới (khoảng 1,9 triệu) là ở châu Âu, đánh dấu tuần thứ 6 liên tiếp sự lây lan vi rút SARS-CoV-2 gia tăng trên khắp châu lục, với một số quốc gia trải qua đợt dịch thứ 4 hoặc thứ 5.

Tỷ lệ nhập viện và tử vong do COVID-19 ở nhiều nước nhìn chung vẫn thấp hơn nhiều so với một năm trước, ngoại trừ ở Trung và Đông Âu, nơi tỷ lệ phủ vắc xin COVID-19 thấp hơn đáng kể. Sự khác biệt giữa các quốc gia trong các biện pháp phòng ngừa COVID-19 khiến khó đưa ra kết luận chung.

Thế nhưng, các chuyên gia đồng ý rằng sự kết hợp của việc hấp thụ vắc xin thấp, khả năng miễn dịch suy giảm ở những người được tiêm chủng sớm, sự tự mãn ngày càng tăng về khẩu trang và giãn cách xã hội sau khi chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế trong mùa hè là nguyên nhân có thể xảy ra nhất.

Thông điệp luôn là: Hãy làm tất cả. Vắc xin đang thực hiện những gì đã hứa: Ngăn ngừa các dạng bệnh nặng và đặc biệt là tỷ lệ tử vong. Nhưng chúng chỉ là tài sản mạnh mẽ nhất của chúng ta nếu được sử dụng cùng với các biện pháp phòng ngừa”, Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, nói vào tuần trước.

Theo số liệu từ trang OurWorldInData, tỷ lệ sử dụng vắc xin trên lục địa này cao nhất ở Nam Âu, với Bồ Đào Nha, Malta, Tây Ban Nha đều đã tiêm 2 mũi vắc xin cho hơn 80% dân số và Ý kém hơn với 73%.

Mức trung bình các ca COVID-19 mới hàng ngày trong 1 tuần qua là thấp nhất trong khối ở các quốc gia đó, vào khoảng 100/1 triệu người, nhưng đang tăng dần lên và tăng vọt ở nơi có tỷ lệ tiếp nhận vắc xin thấp.

Tháng trước xảy ra ​​các cuộc biểu tình lớn chống lại việc thông qua thẻ xanh khắc nghiệt nhất châu Âu, yêu cầu người lao động xuất trình bằng chứng về việc tiêm vắc xin, miễn dịch hoặc xét nghiệm âm tính gần đây để tiếp cận nơi họ làm việc, thành phố Trieste (Ý) đã chứng kiến ​​số ca COVID-19 hàng ngày tăng hơn gấp đôi.

Chúng ta đã trở lại những ngày đen tối của đại dịch”, người đứng đầu một trong những đơn vị chăm sóc đặc biệt của Trieste nói vào tuần trước, sau khi bùng nổ số người nhập viện, 90% trong số đó chưa tiêm vắc xin và hầu hết có liên quan trực tiếp đến các cuộc biểu tình.

Thế nhưng, Hà Lan, Pháp và Đức, nơi tỷ lệ phủ vắc xin cao, cũng đã bắt đầu trải qua sự gia tăng các ca COVID-19, cho thấy thách thức ngay cả với các chính phủ có tỷ lệ tiếp nhận tiêm phòng tương đối cao.

Tiêm 2 mũi vắc xin cho 73% dân số, Hà Lan đã bắt đầu phong tỏa một phần trong 3 tuần từ 13.11, đóng cửa các quán bar, nhà hàng và cửa hàng thiết yếu từ 20 giờ, đóng cửa các cửa hàng và dịch vụ không thiết yếu từ 18 giờ chiều và hạn chế tụ tập tại nhà cho 4 khách sau khi số ca COVID-19 đạt kỷ lục mới.

Hà Lan đã nới lỏng hầu hết các quy định trong mùa hè, ghi nhận mức trung bình ca COVID-19 mới trong 7 ngày là 609/1 triệu người vào tuần này, khiến chính phủ phải hủy cam kết bỏ tất cả hạn chế cuối năm nay.

Gần 69% dân số cũng được tiêm 2 mũi vắc xin ở Pháp, theo trang OurWorldInData. Cần phải có thẻ sức khỏe cho thấy bằng chứng đã tiêm vắc xin, khỏi COVID-19 hoặc xét nghiệm âm tính để vào các cửa hàng, quán bar và nhà hàng, lên máy bay hoặc đi tàu đường dài kể từ mùa hè và đeo khẩu trang vẫn là bắt buộc tại các không gian công cộng trong nhà, nhưng các ca COVID-19 mới đã tăng với tỷ lệ phần trăm hai con số mỗi tuần trong một tháng.

Những gì chúng tôi đang trải qua ở Pháp rõ ràng giống như sự khởi đầu của làn sóng dịch thứ 5”, Bộ trưởng Y tế Pháp - Olivier Véran nói tuần trước, khi tỷ lệ ca COVID-19 mới trung bình trong 7 ngày tăng đều đặn lên 134/1 triệu dù vẫn còn tương đối thấp.

Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron cho biết từ ngày 1.12, những người trên 65 tuổi và thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm mũi vắc xin thứ ba sẽ không còn được hưởng thẻ sức khỏe, đồng thời chương trình tiêm vắc xin tăng cường sẽ được mở rộng cho những ai trên 50 tuổi.

vi-sao-cac-nuoc-chau-au-co-ty-le-tiem-vac-xin-cao-dang-quay-lai-thoi-ky-covid-19-den-toi1.jpg
Những người cho thấy smartphone của họ hiển thị giấy chứng nhận tiêm vắc xin khi bắt đầu mùa lễ hội ở Cologne, miền tây nước Đức, vào ngày 11.11

Đức, nơi 66,5% dân số được tiêm 2 mũi vắc xin, đang ở trên đỉnh của làn sóng dịch thứ 4 có thể là nghiêm trọng nhất, ghi nhận tỷ lệ ca mắc COVID-19 hàng ngày cao nhất trong 2 năm qua trong 5 ngày gần đây. 48.640 ca mắc COVID-19 mới ghi nhận hôm 12.11 đưa mức trung bình trong 7 ngày ở Đức lên hơn 381/1 triệu.

Người đứng đầu cơ quan kiểm soát dịch bệnh Đức cảnh báo rằng các khoa chăm sóc đặc biệt đang phải đối mặt với tình trạng siết chặt chưa từng có, nói rằng đất nước ở vào thời điểm "từ 5 phút đến nửa đêm", trong khi các bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất đang dự tính phong tỏa.

Từ 15.11, tại Berlin, chỉ những người đã tiêm vắc xin hoặc vừa khỏi COVID-19 mới được phép vào nhà hàng, rạp chiếu phim và tiệm làm tóc. Bộ trưởng Y tế liên bang Đức - Jens Spahn hôm 12.11 đã đề xuất các quy tắc tương tự để tham gia các sự kiện công cộng.

Christoph Spinner, nhà truyền nhiễm học tại Bệnh viện Rechts der Isar ở thành phố Munich (Đức), đã đặt câu hỏi liệu những biện pháp này có đủ hay không. “Những gì chúng tôi cần bây giờ là hành động phối hợp, nghiêm ngặt từ chính phủ và tôi không chắc chúng ta đang có điều đó”, ông nói.

Christoph Spinner nói tại bệnh viện của riêng ông, khoảng 3/4 số người đang được điều trị COVID-19 nặng chưa tiêm vắc xin, gần một nửa có các bệnh nền. Ông nói: “Những người nói rằng đây hoàn toàn là một đại dịch của những người chưa được tiêm vắc xin là sai”.

Với tỷ lệ tiêm vắc xin thấp nhất (62,8%) và tỷ lệ lây nhiễm cao nhất (hơn 1.000 ca COVID-19 hàng ngày trên 1 triệu người) trong hầu hết quốc gia Tây Âu, Áo sẽ áp đặt một lệnh cấm với những người chưa tiêm phòng ở hai khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất tuần này và có thể tiến tới thực hiện các biện pháp tương tự trên toàn quốc.

Hôm 12.11, Thủ tướng Áo - Alexander Schallenberg nói những người tiêm vắc xin COVID-19 ở các vùng Thượng Áo và Salzburg sẽ chỉ được phép rời khỏi nhà vì những lý do cần thiết cụ thể, chẳng hạn như mua hàng tạp hóa hoặc khám bệnh.

Áo (nói tiếng Đức), Thụy Sĩ và Đức có tỷ lệ người chưa tiêm vắc xin COVID-19 cao nhất ở Tây Âu nhưng có thể khó xác định được những lý do cụ thể đằng sau sự chần chừ ở người dân với việc tiêm chủng. So với các quốc gia Nam Âu như Ý hoặc Tây Ban Nha, cả ba nước này đều đã trải qua những đợt dịch COVID-19 tương đối nhẹ đến nay, có lẽ khiến nhiều người đánh giá thấp mức độ gây chết người của vi rút SARS-CoV-2. Họ cũng tương đối chấp nhận, thậm chí ủng hộ thuốc để thay thế. Ví dụ như ở Đức, các liệu pháp vi lượng đồng căn có thể được mua tại các hiệu thuốc và được nhiều quỹ bảo hiểm y tế chi trả theo luật.

Ở Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi và cúm theo truyền thống là cao, nhưng bang Saxony, Thuringia, Brandenburg và Sachsen-Anhalt đang đứng cuối bảng xếp hạng tiêm vắc xin COVID-19 của quốc gia.

Ủy viên đặc biệt của chính phủ về miền đông nước Đức, Marco Wanderwitz, đã gợi ý rằng việc chống vắc xin có thể có một khía cạnh chính trị ở vùng Saxony quê hương ông, một pháo đài của đảng Alternative für Deutschland cực hữu.

Marco Wanderwitz nói: “Có một mối liên hệ rõ ràng giữa việc ủng hộ Alternative für Deutschland và từ chối tiêm vắc xin”. Ở Áo, đảng Tự do cực hữu cũng đã tán thành các quan điểm chống vắc xin COVID-19 với sự nhiệt tình hơn nữa.

Ở Trung và Đông Âu, nghèo đói, giáo dục sức khỏe kém, thông tin sai lệch kết hợp với sự nghi ngờ vào chính phủ và các tổ chức nhà nước dẫn đến mức hấp thụ vắc xin thấp nhất châu Âu.

Thế nên, 9 quốc gia Trung và Đông Âu hiện nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ tử vong hàng ngày do COVID-19 cao nhất Liên minh châu Âu (EU, gồm 27 nước). Romania và Bulgaria có tỷ lệ tử vong hàng ngày do COVID-19 cao nhất trong khối vào khoảng 22/1 triệu, gấp hơn 30 lần Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Dù nguồn cung vắc xin dồi dào, Romania và Bulgaria có tỷ lệ tiêm 2 mũi cho dân số thấp nhất trong tất cả các nước EU. Chỉ 34,5% dân Romania và 23,04% dân Bulgaria đã tiêm 2 mũi vắc xin COVID-19. Cả hai nước gần đây đều đã áp đặt các hạn chế cứng rắn hơn. Trong khi Latvia, nước khác có tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 thấp, đã áp đặt lệnh phong tỏa 4 tuần vào đầu tháng 10.2021. Cộng hòa Séc, Slovakia và Nga cũng đã thắt chặt các biện pháp hạn chế COVID-19.

Ở Tây Âu, câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu các nước có thể kiềm chế làn sóng dịch mới nhất này mà không cần phải dùng đến các biện pháp phong tỏa toàn diện? Các chuyên gia cho rằng câu trả lời có lẽ là có - các biện pháp như điều chỉnh khoảng cách, đeo khẩu trang và lệnh tiêm vắc xin để vào các địa điểm trong nhà sẽ rất quan trọng.

Antonella Viola, Giáo sư miễn dịch học tại Đại học Padua (Ý), nói: “Nếu thiếu một trong những thứ này, chúng ta sẽ thấy những tình huống như đang thấy ở nhiều nước châu Âu”.

Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, tuần trước cho biết các nhà chức trách phải đẩy nhanh việc triển khai tiêm vắc xin, bao gồm cả tiêm nhắc lại ở các nhóm có nguy cơ và tiêm cho thanh thiếu niên. Ông nói: “Hầu hết những người nhập viện và tử vong do COVID-19 ngày nay đều không được tiêm 2 mũi vắc xin”.

Hans Kluge nói thêm, WHO ước tính 95% việc sử dụng khẩu trang phổ biến ở châu Âu có thể cứu sống gần 200.000 người.

Được áp dụng một cách chính xác và nhất quán, các biện pháp phòng ngừa cho phép chúng ta tiếp tục cuộc sống của mình, chứ không phải ngược lại. Các biện pháp ngăn chặn không tước đi quyền tự do của mọi người, mà chúng đảm bảo điều đó”, Hans Kluge chia sẻ.

Bài liên quan
Dân thờ ơ với vắc xin, biến thể Delta càn quét, Nga có số người chết do COVID-19 cao nhất châu Âu
Nga là nước có số người chết do COVID-19 cao thứ năm trên thế giới và cao nhất ở châu Âu, vượt qua Vương quốc Anh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao các nước châu Âu có tỷ lệ tiêm vắc xin cao đang quay lại thời kỳ COVID-19 đen tối?