TSKH Trương Minh, nguyên Đoàn trưởng Đoàn đồng bằng Cửu Long, Phó vụ trưởng Vụ Kỹ thuật - Tổng cục Dầu khí, Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, là một trong những kỹ sư địa vật lý đầu tiên của ngành dầu khí.

61 năm Ngày truyền thống ngành dầu khí Việt Nam: Những năm tháng đi 'tìm lửa' cho đất nước

H.V | 17/11/2022, 14:50

TSKH Trương Minh, nguyên Đoàn trưởng Đoàn đồng bằng Cửu Long, Phó vụ trưởng Vụ Kỹ thuật - Tổng cục Dầu khí, Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, là một trong những kỹ sư địa vật lý đầu tiên của ngành dầu khí.

Với tình yêu và đam mê khoa học bất tận, ông đã cống hiến cho ngành dầu khí những công trình nghiên cứu quý giá.

Những kỷ niệm ở Trường thăm dò địa chất Moskva

Sau khi tốt nghiệp phổ thông hệ 9 năm, năm 1955, ông Trương Minh được cử đi học tại Trường thăm dò địa chất Moskva ở Liên Xô. Khóa đầu tiên là các ông Nguyễn Xuân Sính, Trương Dương Tấn, Hồ Đắc Hoài, Ngô Văn Bưu, Nguyễn Văn Chữ, Hồ Quang Phong...

Vào hè năm 1957, khóa thứ ba về trường gồm có ông Trương Minh, Nguyễn San, Bùi Kiện, Nguyễn Hòa, Nguyễn Kim Tự, Nguyễn Đức Bảo, tiếp đến là các ông Ngô Thường San, Nguyễn Nghiêm Minh, Nguyễn Thiện Giao, Phan Minh Bích, Trương Biên, Nguyễn Thanh, Huỳnh Trung... cùng nhiều anh chị em tiếp tục được cử sang học, bổ sung nhiều sinh viên vào các khoa Địa chất, Địa vật lý, Địa thủy văn, Khoan khai thác, Địa chất công trình... Nhiều sinh viên Việt Nam được cử đi học từ các trường và cơ quan khác nhau với trình độ, tính cách cũng khác nhau.

tim-lua-1.jpg
TSKH Trương Minh

“Anh Sính, anh Tấn, anh Bích là các cán bộ đi học có trình độ lại giỏi tiếng Pháp nên vào học rất thuận lợi. Riêng anh Nguyễn Thiện Giao được nhà trường cho phép không dự lớp mà vẫn hoàn thành các môn thi xuất sắc. Cuối năm thứ nhất trong kỳ thi Olympic Toán của trường, anh San, anh Minh giành giải Nhất và Ba, giải thưởng là chiếc vali con đựng sách vở, lúc bấy giờ cũng rất quý, song điều quý hơn là được nhà trường đánh giá sinh viên Việt Nam chăm và giỏi. Thậm chí vào các kỳ thi cuối kỳ, sinh viên Việt Nam “học gạo” rất thuộc bài mạnh dạn vào lớp thi trước, sinh viên Liên Xô còn phải “tuồn” phiếu câu hỏi ra ngoài giải hộ và nhờ chuyển “phao” vào”, ông Trương Minh vui vẻ nói.

Một kỷ niệm nữa, sinh viên nước ngoài ở ký túc xá phố sinh viên Korpus 7. Sinh viên Việt Nam được học chung với các bạn Nga, Tiệp Khắc, Đức, Hungary... Mùa đông ở Nga rất lạnh, hằng ngày sinh viên phải dậy trước 7 giờ, nhiều hôm ông Minh chẳng kịp ăn uống, tóm vội nắm tuyết xoa lên mặt cho tỉnh, xách vội cặp sách ra bến tàu điện ngầm để tới trường. 8 giờ vào lớp vừa buồn ngủ, bụng cồn cào vì đói, ông Minh chỉ mong hết hai tiết học để ra căng tin “nạp” mấy cái bánh rán Pirojki có nhân bắp cải thơm ngon được rất nhiều sinh viên ưa thích.

tim-lua-2.jpg
Những năm tháng đi 'tìm lửa' cho đất nước

Mỗi lần lên giảng đường, ông Minh thường chọn ngồi dãy bàn đầu để nghe, nhìn cho rõ, vốn tiếng Nga còn hạn chế nên phải cực kỳ tập trung. Ông tinh ý chọn ngồi cùng chỗ một bạn nữ người Nga để đoạn nào nghe không kịp còn liếc sang chép bổ sung. Thế rồi khóa học cũng trôi qua, bài vở được ghi chép đầy đủ cộng với những kiến thức sẵn có ở trong nước, sinh viên Việt Nam đều sẵn sàng hành trang chuẩn bị cho kỳ thi với nhiều môn cơ bản như toán, lý, hóa, địa chất đại cương, triết học...

Rồi đến kỳ thực tập thú vị tại vùng ngoại ô Zagorsk cách Moskva hơn 100km, ông Minh cùng các bạn được thực tập các môn trắc địa, địa vật lý, trọng lực bằng các loại máy hiện đại lúc bấy giờ như đo nivo bằng máy teodolit, SP-1 đo điện trở suất, máy GAK đo trọng lực. Sau những lần đo đạc ngoài trời, sinh viên về làm công tác văn phòng, xử lý số liệu, vẽ bản đồ địa hình, các lát cắt địa vật lý... Có thể nói, chuyến thực tập ở Zagorsk như một cuộc dã ngoại, vừa học vừa chơi, sinh viên được trải nghiệm những kỹ năng cơ bản của nghề thăm dò địa chất sau này.

Tìm tài nguyên Đồng bằng sông Hồng

Tốt nghiệp chuyên ngành năm 1962, trở về nước, ông Trương Minh được phân công về Đoàn Dầu lửa 36 (thành lập tháng 11.1961) trực thuộc Tổng cục Địa chất, đóng tạm thời tại Trường Đảng Bắc Ninh. Ông Minh là kỹ sư địa vật lý đầu tiên của Đoàn 36. Đoàn lúc mới thành lập chỉ có độ chục người, lãnh đạo có Trưởng đoàn Nguyễn Văn Thiệu, Đoàn phó Phan Minh Bích, bộ phận kỹ thuật và chuyên gia đóng tại số 6 Phạm Ngũ Lão, nay là Tổng cục Địa chất (Hà Nội). Đoàn 36 lúc đó đi thăm dò địa chất ở Khoái Châu, đây là nơi thí nghiệm đầu tiên xem thử có sóng phản xạ từ lòng đất hay không.

Ông Minh nhớ lại, hồi ấy, ông cùng các các ông Trần Cảnh, Nguyễn Đức Tuấn, Võ Long, Phạm Đình Phàng, Nguyễn Thanh, các chị Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Thị Bích Ngọc, Nguyễn Thị Bích Thụ, với sự giúp đỡ nhiệt tình của đoàn chuyên gia Liên Xô, đứng đầu là kỹ sư Maxiutôva và của anh Hồ Đắc Hoài từ Tổng cục Địa chất. Đúng giờ khai hỏa, 2,5kg thuốc nổ phát nổ trên mặt đất, một cột khói bốc cao, đồng ruộng nhà cửa rung lên như động đất, nước sóng sánh bờ, tràn lên trên mặt đường. Trạm máy địa chấn SS-24P của Liên Xô và các máy thu sóng đã ghi được các đợt tín hiệu sóng phản xạ đầu tiên, 24 đường ghi trên giấy ảnh hiện lên các đợt sóng địa chấn rõ nét tuyệt vời.

Bước đầu thí nghiệm đã thành công tốt đẹp, mọi người rất vui mừng, tuy nhiên công việc mới chỉ là bước đầu vì sóng phản xạ còn yếu và nông. Ông Minh cùng các chuyên gia bàn phải nổ mìn trong giếng khoan dưới mặt đất để tăng năng lượng sóng và tránh nhiễu loạn của lớp đất bở rời trên mặt. Cuộc thí nghiệm lại phải tiếp tục chọn chiều sâu bắn mìn thích hợp để tăng chiều sâu nghiên cứu. Quả thật, nổ mìn trong giếng khoan nông 15-18m đã cho phản xạ đến 1,8-2,0 giây, tức là chiều sâu khảo sát có thể đến trên 3.000m. Dựa vào kết quả thí nghiệm, phương án thăm dò địa chấn phản xạ đầu tiên cho vùng trũng sông Hồng đã được thảo ra.

tim-lua-3.jpg
Bình Minh - tàu thăm dò địa chấn đầu tiên ở vịnh Bắc bộ

Thuở ấy, công việc xử lý phân tích số liệu chưa có máy tính, mọi công việc làm bằng cây bút chì màu và chiếc máy Nisa quay tay và cậy nhờ vào kiến thức địa vật lý - địa chất và khả năng tổng hợp của con người. Thế rồi, các phương án kỹ thuật chi tiết và mở rộng tiếp theo được thực hiện, xây dựng các lát cắt, vẽ nên bản đồ và phát hiện hàng loạt các cấu tạo có triển vọng dầu khí, chỉ ra các vị trí các giếng khoan cấu tạo, đầu tiên là giếng khoan Khoái Châu. Thật bất ngờ thú vị là lát cắt địa tầng giếng khoan đã khẳng định và liên kết được các phản xạ tiên liệu. Tại đây đã phát hiện than gầy, có dấu hiệu khí metan.

Có thể nói, thử nghiệm thực tế ở Phủ Cừ cho kết quả ngoài sức mong đợi. Các giếng khoan cấu tạo tiếp theo đặt tại Phủ Cừ, Tiên Hưng, Tiền Hải, Kiến Xương... với chiều sâu đến 1.200m. Từ năm 1970, các giếng khoan thông số thăm dò đến chiều sâu trên 3.000-5.000m được khoan ở các cấu tạo Phủ Cừ, Tiên Hưng, Tiền Hải ABC, Kiến Xương C (Xuân Thủy, Nam Định). Đặc biệt các giếng khoan tìm kiếm số 61, 63 tại Tiền Hải phát hiện dầu thô và dòng khí đốt lưu lượng mạnh. Mỏ khí Tiền Hải là đứa con đầu lòng của ngành Dầu khí Việt Nam, đã nhiều năm cống hiến cho sự phát triển điện lực và công nghiệp địa phương Thái Bình.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
61 năm Ngày truyền thống ngành dầu khí Việt Nam: Những năm tháng đi 'tìm lửa' cho đất nước