Chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven nổi tiếng và "đáng sợ" nhất thế giới bắt đầu hiện thực hóa tham vọng đánh chiếm thị trường bán lẻ Việt Nam, được đánh giá là có khả năng đe doạ trực tiếp đến các cửa hàng tạp hoá truyền thống.

7-Eleven có 'đè bẹp' được cửa hàng tạp hóa Việt?

PLO | 25/02/2017, 07:46

Chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven nổi tiếng và "đáng sợ" nhất thế giới bắt đầu hiện thực hóa tham vọng đánh chiếm thị trường bán lẻ Việt Nam, được đánh giá là có khả năng đe doạ trực tiếp đến các cửa hàng tạp hoá truyền thống.

Cụ thể, trên trang web của Công ty Cổ phần Seven System Việt Nam (đại lý nhượng quyền của 7-Eleven tại Việt Nam) mấy ngày trước vừa đăng thông báo tuyển dụng nhân sự cho nhiều vị trí như quản lý cửa hàng, chuyên viên marketing, chuyên viên đào tạo, nhân viên…

Điều này có nghĩa “gã khổng lồ” của mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi chính thức đổ bộ vào Việt Nam. Trước đó 7-Eleven tuyên bố sẽ mở 1.000 cửa hàng tiện lợi tại thị trường Việt.

Cuộc chiến ngày càng khốc liệt

Theo Bộ Công Thương, năm ngoái các DN đầu tư nước ngoài đã chiếm khoảng 70% thị phần bán lẻ ở phân khúc cửa hàng tiện lợi.

Điều này lý giải vì sao người tiêu dùng dễ dàng nhận ra các chuỗi thương hiệu lớn của nước ngoài như Family Mart (Nhật), B’smart (Thái Lan), Circle K (Mỹ)… xuất hiện khắp nơi.

Nay với sự đổ bộ của 7-Eleven, được xem là chuỗi cửa hàng tiện lợi “đáng sợ” nhất thế giới khi cứ hai giờ trôi qua lại có một cửa hàng mọc lên trên thế giới khiến phân khúc cửa hàng tiện lợi thêm sôi động. Nó cũng báo hiệu cuộc cạnh tranh ở phân khúc này sẽ ngày càng khốc liệt hơn với nhà bán lẻ Việt.

Đại diện một nhà bán lẻ Việt nhận định những chuỗi cửa hàng tiện lợi đến từ nước ngoài, nhất là Nhật Bản, luôn là đối thủ đáng gờm. Bởi họ có kế hoạch bài bản, chiến lược rõ ràng và lợi thế từ sản phẩm chất lượng. Không chỉ vậy, các chuỗi cửa hàng tiện lợi còn được hỗ trợ tối đa từ chính phủ Nhật nhằm đẩy mạnh đưa hàng Nhật vào nước ta.

Phân tích thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam, đánh giá sự xuất hiện của 7-Eleven là tín hiệu đáng mừng đối với thị trường bán lẻ Việt Nam. Sự kiện này sẽ thúc đẩy kênh thương mại hiện đại phát triển hơn và tạo sức ép cạnh tranh lành mạnh đối với các nhà bán lẻ trong nước. Đặc biệt, mô hình này sẽ đem lại các trải nghiệm mua sắm mới cho người tiêu dùng Việt.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng, 7-Eleven sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của các nhà bán lẻ hiện tại như Vinmart+, Circle K, B’smart… “Việc mua bán, thâu tóm có thể sẽ diễn ra giữa các chuỗi cửa hàng tiện lợi với nhau trong thời gian tới” - ông Hoàng nhấn mạnh.

TS Đào Xuân Khương, chuyên gia tư vấn phân phối và bán lẻ, cho rằng 7-Eleven là mô hình bán lẻ rất hiệu quả trên thế giới và đã chứng minh được sự phù hợp ở các nước Đông Nam Á. “Chúng ta thấy rõ Việt Nam Việt không có chỗ đứng ở phân khúc này. Mô hình cửa hàng tiện lợi sẽ là sân chơi của DN ngoại” - TS Khương đánh giá.

Cửa hàng tạp hoá nên lo lắng?

Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết tính đến năm ngoái, Việt Nam có hơn 1,3 triệu cửa hàngtạp hoá truyền thống. Đối tượng này chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng khi “ông lớn” 7-Eleven đổ bộ.

Nói cách khác, một lượng lớn cửa hàng tạp hóa truyền thống có thể sẽ bị loại khỏi cuộc chơi khi mô hình cửa hàng tiện lợi đánh trúng tâm lý người tiêu dùng là muốn mua sắm nhanh, dịch vụ khách hàng tốt.

Phân tích rõ hơn về sự ảnh hưởng này, TS Đào Xuân Khương nhận định về ngắn hạn, các cửa hàngtạp hoá truyền thống sẽ chưa thấy sự tác động trực tiếp giống như hiệu ứng 12 năm trước khi Metro nhảy vào Việt Nam. Nhưng về lâu dài nó ảnh hưởng đến từng con phố, ngõ hẻm.

TS Khương chia sẻ: “Tôi hoàn toàn không lạc quan về mô hình bán lẻ truyền thống. Các cửa hàng tạp hóa truyền thống ngày càng được nâng cấp qua cách sắp xếp, trưng bày sản phẩm… nhưng đó chỉ là một trong sáu yếu tố quyết định hiệu quả một cửa hàng bán lẻ. Vì thế không có cơ sở nào để lạc quan”.

Ông Khương dẫn chứng chỉ mất khoảng 10 năm, bốn hệ thống bán lẻ điện thoại di động là Thế Giới Di Động, FPT Shop, Viễn Thông A, Viettel Store đã chiếm đến 80% thị phần bán lẻ điện thoại ở Việt Nam. Trong khi cửa hàng điện thoại nhỏ lẻ kiểu truyền thống teo tóp dần. Do đó, trong tương lai cửa hàng tạp hóa có thể cũng sẽ chung số phận giống như cửa hàng điện thoại hiện nay.

Tuy nhiên, ở góc nhìn lạc quan, ông Nguyễn Huy Hoàng cho rằng khi nói đến thị trường bán lẻ Việt Nam luôn phải nhớ đến tầm quan trọng của cửa hàng tạp hóa truyền thống. Những chủ cửa hàng tạp hóa ở Việt Nam vẫn rất nhạy bén với thời cuộc, họ nhanh chóng nâng cấp cửa hàng, bày hàng hóa khoa học hơn, chú trọng đến yếu tố tiện lợi và gầy dựng mối quan hệ với người mua.

“Những yếu tố này đang giúp các cửa hàng truyền thống cạnh tranh với các mô hình bán lẻ hiện đại khác tại thị trường Việt Nam” - ông Hoàng nói.

Hai tiếng có một cửa hàng mới ra đời

7-Eleven là một trong những công ty nhượng quyền lớn nhất thế giới với công ty mẹ đóng tại Mỹ và công ty con đóng tại Nhật. Hiện thương hiệu đã có hơn 56.000 cửa hàng trên thế giới, riêng Nhật Bản có hơn 15.000 cửa hàng. 7-Eleven đặt mục tiêu sẽ đạt 80.000 cửa hàng trên toàn thế giới vào năm 2020. Trung bình cứ hai tiếng trên thế giới lại có một cửa hàng ra đời. 7-Eleven cho biết đã ký hợp đồng nhượng quyền độc quyền tại Việt Nam.

Tú Uyên/PLO

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
7-Eleven có 'đè bẹp' được cửa hàng tạp hóa Việt?