Mặt hàng của một số đơn vị Trung Quốc đã bị chặn không được phép bán trên nền tảng Amazon, nguyên nhân có thể vì hành vi kinh doanh không lành mạnh.
Hơn 1 tuần qua, hầu hết sản phẩm của nhà cung cấp thiết bị điện tử Aukey (tại TP.Thẩm Quyến) đều ở trạng thái “không có sẵn”. Hàng của Mpow (do Tập đoàn ByteDance quản lý) cũng gặp tình trạng tương tự từ cuối tháng 4 đến nay.
Cả Aukey lẫn Mpow đều từ chối bình luận, cả hai đều không bị cáo buộc gian lận. Phía Amazon không đề cập cụ thể trường hợp này mà chỉ nói rằng họ có hệ thống phát hiện “hành vi đáng ngờ”.
Aukey và Mpow là 2 trong số rất nhiều đơn vị Trung Quốc chuyển sang dùng Amazon để tiếp cận người tiêu dùng quốc tế – một xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ thời gian gần đây.
Công ty tư vấn Marketplace Pulse thống kê được trong tháng 1, có 75% đơn vị bán mới trên Amazon là Trung Quốc. Tỷ lệ nhà bán hàng Trung Quốc tăng vọt từ 28% (năm 2019) lên 63% (năm 2020).
Nhà bán hàng thành công sẽ thu lợi lớn. Doanh thu của Aukey tăng từ 3,7 tỉ nhân dân tệ (năm 2017) lên 5,1 tỉ tệ (năm 2018). Nửa đầu năm 2020, Mpow ghi nhận xuất khẩu tăng 29% đạt 2 tỉ tệ.
Theo một số người hoạt động trong ngành, nhà bán hàng Trung Quốc “vươn ra thế giới” mang theo cả thói xấu lúc còn hoạt động trên các nền tảng thương mại điện tử nội địa, chẳng hạn như tạo đánh giá khách hàng giả, hoặc thổi phồng doanh số.
Ivan Platonov - Giám đốc Công ty Nghiên cứu đầu tư EqualOcean nhận định động thái loại bỏ hàng Trung Quốc cung cấp bởi Aukey và Mpow nhằm mục đích cảnh báo rằng nền tảng uy tín như Amazon không chấp nhận hành vi kinh doanh không lành mạnh như vậy.
Amazon thực hiện động thái trên đúng lúc trang đánh giá sản phẩm diệt vi rút SafetyDetectives phát hiện tin nhắn từ một số nhà bán hàng trên Amazon đưa ra đề nghị dùng sản phẩm miễn phí đổi lấy bình luận tích cực. Hiện chưa rõ ai là chủ nhân số tin nhắn bị lộ, nhưng vài dữ liệu được viết bằng tiếng Trung.
Thao túng đánh giá khách hàng cùng lưu lượng truy cập là vấn đề mà các trang thương mại điện tử phải đối mặt lâu nay. Amazon nhiều năm nay rất cố gắng giải quyết tình trạng này.
Trong Báo cáo bảo vệ thương hiệu năm 2020, Amazon cho biết đã chi hơn 700 triệu USD, tuyển hơn 10.000 nhân viên phụ trách phát hiện và xử lý gian lận. Năm ngoái họ chặn 6 triệu lượt tạo tài khoản bán hàng mới cùng hơn 10 tỉ lượt đăng bán hàng đáng ngờ.