46,3 triệu lượt phương tiện lưu thông trên 4 tuyến đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, qua đó thu về hơn 4.052 tỉ đồng.
Báo cáo về tình hình khai thác vận hành các tuyến đường cao tốc do VEC đầu tư, quản lý năm 2019 cho thấy tổng doanh thu năm 2019 trên 4 tuyến cao tốc đang quản lý đạt hơn 4.052 tỉ đồng. Trong đó, tuyến Nội Bài - Lào Cai đạt doanh thu cao nhất với 1.561 tỉ đồng, tiếp đến là tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với 1.319 tỉ đồng,tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình với hơn 824 tỉ đồng, thấp nhất là tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi với 347,29 tỉ đồng.
VEC cho biết sau khi thông xe và đưa vào khai thác toàn tuyến, lượng phương tiện sử dụng tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi trong năm 2019 đã tăng gấp đôi so với năm 2018. Đây là tuyến đường cao tốc mà Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều vi phạm trong quá trình thực hiện dự án.
Cụ thể, ngày 14.11.2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với 4 bị can là lãnh đạo Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và một số nhà thầu đề điều tra tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cơ quan điều tra, việc khởi tố các bị can nêu trên diễn ra trong quá trình điều tra vụ án hình sự vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và các đơn vị liên quan.
Trong năm 2019, đã có 46,3 triệu lượt phương tiện lưu thông trên 4 tuyến đường cao tốc VEC quản lý, tăng 13,5% về lượng và 14,8% về doanh thu so với năm 2018. VEC cho biết mật độ phương tiện trên tuyến phân bố không đồng đều mà tập trung chủ yếu trên các đoạn hướng tâm về thành phố.
Cụ thể, trên tuyến đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, lượng phương tiện quy đổi trung bình 1 ngày đêm lưu thông trên đoạn từ Trạm thu phí Long Phước - QL51 và ngược lại là trên 52.000 CPU/ngày đêm. Trong khi đó, tại đoạn QL51 - Dầu Giây, lượng phương tiện chỉ đạt 14.500 CPU/ngày đêm. Điều này đã dẫn đến việc thường xuyên xảy ra ùn ứ cục bộ tại 20km đầu tuyến cao tốc.
Sự chênh lệch về lưu lượng giữa các đoạn đầu tuyến cao tốc so với các đoạn cuối tuyến cũng xảy ra với 3 tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai và Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Điều này cũng dẫn tới những khó khăn nhất định cho các đơn vị quản lý đường cao tốc.
Tuyết Nhung