Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm là những ngành mà người tiêu dùng khiếu nại nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm nay.

6 tháng đầu năm: Ngân hàng, bảo hiểm... là ngành bị khiếu nại nhiều nhất

tuyetnhung | 27/07/2018, 16:28

Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm là những ngành mà người tiêu dùng khiếu nại nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm nay.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết trong nửa đầu năm nay tài chính, ngân hàng, bảo hiểm là những lĩnh vực được yêu cầu tư vấn giải quyết khiếu nại và được phản ánh tới Cục nhiều nhất, với 372 trường hợp, chiếm khoảng 37,68%. Sau đó là nhóm điện thoại, viễn thông với 108 trường hợp, chiếm 10,94% và nhóm đồ điện tử gia dụng với 100 trường hợp, chiếm 10,13%.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, đây là điểm khác biệt so với những năm trước. Trong các năm gần đây, nhóm ngành hàng thường xuyên nằm trong nhóm bị khiếu nại, phản ánh nhiều nhất là "Hàng hóa tiêu dùng thường ngày" với sự chênh lệch số lượng so với các nhóm ngành hàng khác là rất lớn. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay, ngành hàng tài chính, bảo hiểm, ngân hàng lại là nhóm chiếm số lượng nhiều nhất, gấp 3, 4 lần so với nhóm ngành hàng nhiều thứ 2 là điện thoại, viễn thông.

Trong nhóm ngành hàng này, chủ thể bị khiếu nại chủ yếu tập trung vào các công ty tài chính, nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến dịch vụ cho vay tiêu dùng với nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm quyền lợi người tiêu dùng như: cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ, gây nhầm lẫn; sử dụng mẫu hợp đồng có cỡ chữ nhỏ, không cung cấp hợp đồng cho người tiêu dùng sau khi ký, thu hồi nợ mang tính chất đe dọa, gây áp lực ảnh hưởng đến uy tín, tâm lý của người tiêu dùng...

Trong số 987 yêu cầu gọi tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, nếu phân loại theo hành vi bị khiếu nại, có 17,12% trường hợp phản ánh về số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng, chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Hành vi tiếp theo được yêu cầu tư vấn là Bảo hành với tỉ lệ 13,57%. Các trường hợp còn lại khiếu nại, phản ánh về cung cấp thông tin (6,38%), giao kết hợp đồng (5.27%) và các hành vi khác.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Hà Nội và TP.HCM là 2 thành phố có nhiều phản ánh, khiếu nại nhất về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng (tương ứng 288 và 185 vụ việc chiếm tỷ lệ lần lượt là 29,17% và 18,74% tổng số khiếu nại). Hai thành phố này chiếm tỉ lệ cao hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành xếp sau đó như Đồng Nai, Bình Dương, Cà Mau, Long An, Cần Thơ với tỷ lệ khoảng 1 - 4%.

Nêu một số vụ việc khiếu nại điển hình, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết trong 6 tháng đầu năm nay Cục tiếp nhận một số đơn khiếu nại của người tiêu dùng về việc được mời mua hàng qua điện thoại. Cụ thể, sản phẩm được mời chào là điện thoại trị giá khoảng 4 triệu đồng, được tặng kèm thẻ mua sắm nhiều triệu đồng sử dụng được ở các siêu thị trên toàn quốc. Hàng được giao qua bưu điện với hình thức thu tiền khi nhận hàng (Cash On Delivery – C.O.D) và chỉ được mở hàng khi đã thanh toán. Tuy nhiên, sau khi thanh toán và nhận hàng, người tiêu dùng phát hiện sản phẩm là điện thoại có giá trị rất thấp và thẻ mua sắm không có giá trị sử dụng.

Hay 15 vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng trong lĩnh vực kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, bao gồm 6 khiếu nại liên quan đến chung cư, 1 khiếu nại liên quan đến cung cấp nước sạch, 4 khiếu nại liên quan đến tài chính ngân hàng, 2 khiếu nại liên quan đến truyền hình trả tiền và 2 khiếu nại liên quan đến bảo hiểm...

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
5 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
6 tháng đầu năm: Ngân hàng, bảo hiểm... là ngành bị khiếu nại nhiều nhất