Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục đạt được kết quả tăng trưởng mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng GDP dự báo tăng lên 7,1% trong năm nay, trước khi giảm xuống còn 6,8% trong năm 2019.
Nêu ý kiến tại cuộc họp báo Tình hình Phát triển Kinh tế Việt Nam của ADB tổ chức sáng 11.4, ông Eric Sidgwick -Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá trong năm 2018, nhờ đó Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
“Tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi sự mở rộng mạnh mẽ lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu, gia tăng tiêu dùng nội địa, dòng vốn đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, cũng như cải thiện lĩnh vực nông nghiệp”, ông Eric Sidgwick nói.
Ông Sidgwick lưu ýsự tăng cường nỗ lực thu ngân sách trên mọi lĩnh vực của Chính phủ trong năm 2017 đã giúp kéo giảm nợ công xuống còn 61,3% GDP vào cuối năm 2017, từ 63,6% trong năm ngoái. Sự củng cố tài khóa cùng với lạm phát ở mức thấp sẽ tạo điều kiện tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô.
Báo cáo cũng lưu ý một số nguy cơ lớn đối với triển vọng này, gồm cả sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu. Kim ngạch thương mại hằng năm hiện vượt mức 185% GDPkhiến Việt Nam trở thành nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singgapore.
Bên cạnh đótheo ADB, tiến độ thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp quốc doanh trong năm 2017 đã nhanh hơn, song vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra khi mới đạt 39/44 doanh nghiệp.
“Một yếu tố làm cho thu nhập thoái vốn tăng là hoạt động khởi sắc của thị trường chứng khoán, với chỉ số giá cổ phiếu tăng mạnh 48% trong năm ngoái, nâng mức vốn hoá thị trường của thị trường chứng khoán lên gần 75% GDP”, báo cáo nêu.
ADB cũng nhận xét, tình hình xử lý nợ xấutiến triển chậm hơn. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2016 đã giảm xuống còn 2,3% tổng mức dư nợ vào cuối năm 2017. Điều này một phần là do nợ xấu tiếp tục được chuyển từ hệ thống ngân hàng sang cho Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC).
Trong khi đó, nợ xấu do cả VAMC và các ngân hàng nắm giữcộng với nợ xấu tiềm tàng tính đến cuối năm 2017 đứng ở mức 7,9% tổng dư nợ, so với mức 10,1% vào năm 2016.
“Rủi ro trong khu vực tài chính đến từ lượng nợ xấu chưa được xử lý và các ngân hàng thiếu vốn là nguồn rủi ro nội tại đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam, mặc dù Nghị quyết do Quốc hội mới ban hành và Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi sẽ dỡ bỏ một số rào cản pháp lý hiện đang cản trở việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng một cách hiệu quả”, ADB đánh giá
Báo cáo lưu ý rằng một sự cố nghiêm trọng trong thương mại giữa hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam -Mỹ và Trung Quốc và động thái tăng cường bảo hộ thương mại - như Mỹ sẽ tăng thuế đối với mặt hàng thép và nhôm - sẽ ảnh hưởng mạnh đến Việt Nam. Việc phụ thuộc đáng kể vào vốn FDI và thương mại với Hàn Quốc làm cho Việt Nam rủi ro hơn đối với các căng thẳng địa chính trị.
Lam Thanh