Người nông dân trình bày với Thủ tướng rằng mỗi năm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng đã gây thiệt hại hơn 2 tỉ USD với ngành nông nghiệp. Một trong những lý do là chức năng quản lý còn bị buông lỏng, việc điều tra, xử lý còn chậm.
Tại buổi đối thoại với Thủ tướng ở Hải Dương ngày 9.4,nông dân Nguyễn Văn Thế đến từ Hưng Yên nêu, báo chí và các đại biểu quốc hội đánh giá có đến gần 50% số mẫu phân bón kiểm nghiệm không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì. Nạn phân bón giả, kém chất lượng đã gây ra thiệt hại rất lớn về kinh tế cho nông dân.
“Mỗi năm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng đã gây thiệt hại hơn 2 tỉ USD với ngành nông nghiệp. Một trong những lý do là chức năng quản lý còn bị buông lỏng, việc điều tra, xử lý còn chậm. Đơn cử như Công ty Thuận Phong (Đồng Nai) đã bị phanh phui vì sản xuất phân bón giả gây thiệt hại rất lớn cho nông dân nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra truy tố trước pháp luật…”, nông dân này nêu và hỏi Chính phủ có biện pháp gì để dẹp nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng hiện nay.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởngNN-PT-NN Nguyễn Xuân Cường cho biếtngày 20.9.2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón. Ngày 24.4.2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, theo đó đã giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về phân bón cho một đầu mối thực hiện là Bộ NN-PT-NT.
Nghị định quy định cụ thể, chặt chẽ các công đoạn từ khảo nghiệm, công nhận phân bón lưu hành, kiểm nghiệm, sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, quản lý chất lượng, ghi nhãn, sử dụng phân bón đồng thời phân cấp cho địa phương thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về phân bón và chịu trách nhiệm về tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng xảy ra trên địa bàn.
Chính phủ chỉ đạo Bộ NN-PT-NTchủ trì, phối hợp xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón (đang hoàn tất thủ tục để trình Chính phủ ban hành). Thời gian qua, các cơ quan liên quan đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch chỉ đạo công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng cần hạn chế phân vô cơ bằng cách đưa phân hữu cơ vào sản xuất. Điều này cần sự chung tay không chỉ của Nhà nước, người dân mà cả các doanh nghiệp kinh doanh phân bón.
Bộ trưởng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tổng kiểm tra, rà soát tất cả các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh phân bón; xác định những doanh nghiệp chấp hành đúng pháp luật, những doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, xác minh làm rõ các vụ việc phức tạp, nổi cộm để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định: "Chính phủ đã giao cho Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) và Bộ Công an trực tiếp điều tra xử lý nghiêm minh trước pháp luật".
"Các cơ quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5.2018. Đây là vụ việc được Quốc hội, nhiều đại biểu quốc hội quan tâm, nhiều lần chất vấn", Thủ tướngNguyễn Xuân Phúc nói.
Cùng sai phạm, biệt phủ cán bộ tồn tại, công trình của dân thì cưỡng chế?
Cũng tại buổi đối thoại với Thủ tướng, nông dân Trần Văn Chính ở Kim Sơn, Ninh Bình hỏi: Ở một số địa phương hiện nay có hiện tượng cán bộ, đảng viên đã lạm dụng quyền hạn, chức vụ để chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông, lâm nghiệp thành đất ở trái quy định của pháp luật. Thậm chí họ còn ngang nhiên xây biệt thự, biệt phủ trên đất nông, lâm nghiệp. Nhưng khi bị dư luận lên án, họ chỉ bị xử lý kỷ luật, còn biệt thự, biệt phủ thì vẫn tồn tại. Trong khi đó, người nông dân nếu có vi phạm thì ngoài việc bị xử lý theo pháp luật còn bị cưỡng chế dỡ bỏ ngay…
"Xin hỏi, Chính phủ có biện pháp gì để xử lý hiện tượng này nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng của mọi người dân trước pháp luật?", nông dân này hỏi.
Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Phương Hoa - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết pháp luật đất đai đã quy định trường hợp người sử dụng đất tự ý chuyển mục đích sử dụng đất mà không xin phép sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 102/2014/NĐ-CP.
Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn chịu xử phạt bổ sung là buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và buộc nộp số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; nếu không chấp hành xử phạt sẽ bị thu hồi đất theo quy định tại điều 64 của luật đất đai;
“Trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng này trước hết thuộc trách nhiệm của UBND cấp xã, huyện, tỉnh theo Điều 208 của luật Đất đai; trường hợp phải thu hồi đất do UBND cấp tỉnh, cấp huyện quyết định theo điều 66 của luật Đất đai”, bà Hoa nói.
Theo vị này, việc xử lý vi phạm các trường hợp chuyển mục đích trái pháp luật theo quy định của luật Đất đai là công bằng, không phân biệt người vi phạm là tổ chức hay cá nhân, kể cả cán bộ, công chức nhà nước.
“Việc xử lý các trường hợp có vi phạm trong việc xây dựng biệt phủ mà báo chí đã nêu đều đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kết luận mức độ sai phạm và xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Nếu cơ quan báo chí và người dân còn phát hiện trường hợp kết luận sai phạm chưa đúng hoặc đã kết luận sai phạm mà chưa xử lý thì tiếp tục phản ánh để Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo thanh tra, kiểm tra làm rõ để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”, bà Hoa nêu.