PGS-TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã chia sẻ như thế tại hội thảo “Giải pháp hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN” do Bộ Y tế phối hợp với báo Tiền Phong tổ chức sáng nay (19.10).

Ai cũng nói thầy thuốc giỏi lắm, nhưng vào bệnh viện rất buồn

Hồ Quang | 19/10/2023, 15:45

PGS-TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã chia sẻ như thế tại hội thảo “Giải pháp hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN” do Bộ Y tế phối hợp với báo Tiền Phong tổ chức sáng nay (19.10).

Trong Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, có nêu xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới, hướng tới mục tiêu TP.HCM là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển y tế cũng như sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân của TP.

ai-cung-noi-thay-thuoc-gioi-lam-nhung-vao-benh-vien-rat-buon-hinh-anh-1(1).png
PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tại hội thảo “Giải pháp hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN" sáng 19.10 - Ảnh: PV

Để trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, ngành y tế TP.HCM không chỉ có ghép gan, ghép tim, ghép thận, ghép tế bào gốc… mà còn phải giải quyết tốt những vấn đề tồn tại mà ngành y tế cũng như TP đang phải đối mặt, mới có thể thu hút khách nước ngoài, khách du lịch, nhà đầu tư, Việt kiều…

Đối với TP.HCM, dù là một trong những địa chỉ đi đầu thực hiện chất lượng bệnh viện, nhưng ông Khuê cho biết TP còn xuất hiện nhiều vụ khám chữa bệnh “chui”, khám bệnh không có bằng cấp… gây rất nhiều phiền hà cho người bệnh.

Đề cập đến vấn đề nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện, ông Khuê cho rằng những điều này tưởng chừng đơn giản, nhưng rất cần sự quan tâm của tất cả các cấp các ngành, đặc biệt là ngành y tế, đó là đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức, xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh, hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh.

“Ai cũng nói các thầy thuốc giỏi lắm, nhưng vào bệnh viện rất buồn, từ khâu chào hỏi đến làm việc, từ người bảo vệ đến đội ngũ thực hiện việc chăm sóc sức khỏe bệnh nhân”, ông Khuê chia sẻ.

Theo ông Khuê, sau đại dịch COVID-19, Việt Nam cũng như thế giới đối mặt với mô hình bệnh tật kép. Tiếp tục các bệnh lây nhiễm như sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ, tay chân miệng… những căn bệnh tưởng chừng xa xưa rồi nhưng đến nay vẫn còn. Ngoài ra còn những vấn đề khác như vắc xin, tiêm chủng… Cứ đến mùa bệnh là các bệnh viện phải căng mình ra để lo những điều này.

“Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã công bố sau đại dịch COVID-19 chúng ta sẽ tiếp tục đối mặt với đại dịch các bệnh không lây nhiễm”, ông Khuê cho biết.

Ông Khuê cũng liệt kê nhiều vấn đề khác mà ngành y tế sẽ đối mặt trong thời gian tới như: bệnh nhân ung thư gia tăng; các bệnh khác như huyết áp tim mạch, tiểu đường, béo phì, thiếu dinh dưỡng ở vùng sâu vùng xa, thừa dinh dưỡng ở các TP, tai nạn, chấn thương, già hóa dân số… “Người Việt Nam thường nói “chưa giàu đã già”. Hiện nay 10% dân số của Việt Nam là dân số già. Như vậy với khoảng 100 triệu dân như hiện nay, chúng ta có khoảng 10 triệu người già. Đối với mỗi người già thường có từ 4 đến 5 bệnh. Đây là một gánh nặng rất lớn đối với ngành y tế” ông Khuê nói.

Ngoài ra, ngành y tế còn đối mặt với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ việc nhập khẩu đến nuôi trồng thủy sản, trồng trọt đến sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. “Thỉnh thoảng chúng ta thấy, một số nơi các lô hàng thủy-hải sản, trái cây, nước ngoài không chịu nhập vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Thậm chí, nhiều gia đình còn phải suy nghĩ không biết mua thực phẩm nào sạch, an toàn để gia đình sử dụng”, ông Khuê chia sẻ.

Theo Sở Y tế TP.HCM, để thực hiện hiệu quả các giải pháp đưa TP sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe trong khu vực ASEAN, đơn vị này đã và đang xây dựng, triển khai 11 dự án y tế trên địa bàn, bao gồm: Đề án y tế thông minh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030; đề án “Phát triển sức khỏe cộng đồng nhằm bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân TP.HCM giai đoạn 2021-2030”; đề án “Tăng cường tổ chức và nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố”; đề án “Phát triển y tế chuyên sâu TP.HCM giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo”; đề án “Hình thành Trung tâm Tầm soát, chẩn đoán bệnh sớm bằng công nghệ cao từ nay đến năm 2030”; đề án “Phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo”; đề án “Phát triển công nghiệp dược TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; đề án "Thực hiện tự chủ tài chính theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP và các chính sách đặc thù giúp các bệnh viện công lập ngành y tế TP phát triển bền vững; đề án “Huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển y tế TP.HCM giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ai cũng nói thầy thuốc giỏi lắm, nhưng vào bệnh viện rất buồn