"Khi biết các cấp lãnh đạo tạo điều kiện cho bà con nơi đây có chỗ chạy thận, chúng tôi mừng lắm. Vậy là những bệnh nhân như chúng tôi ở đây không phải lặn lội đường xa lên trung tâm TP để chạy thận nữa".
Đó là những chia sẻ của chị Lê Thị Kim Oanh (39 tuổi, ngụ ở xã Tam Hiệp, huyện Cần Giờ, TP.HCM) trong ngày ra mắt Đơn vị thận nhân tạo của Bệnh viện Lê Văn Thịnh đặt tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ vào sáng 18.10.
Ăn uống tốt hơn, người khỏe ra
Chị Oanh chạy thận được gần 2 năm ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cách nhà khoảng 50km. Mỗi tuần chị chạy thận 3 lần, có hôm thì chồng, hôm thì con đưa đến. Mỗi lần chạy thận, chị phải dậy và đi từ sáng sớm, đến tối mịt mới về đến nhà.
“Thời gian cũng bất tiện lắm, nhưng cũng may mắn nhờ nơi làm việc của chồng tạo điều kiện. Hôm nào tôi chạy thận thì ổng xin đơn vị tạo điều kiện để đưa tôi đi bệnh viện”, chị Oanh nói.
Ngày nghe tin có Đơn vị thận nhân tạo của Bệnh viện Lê Văn Thịnh đặt tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, chị Oanh vui mừng và chuyển về đây để chạy thận.
“Khi biết các cấp lãnh đạo tạo điều kiện cho bà con nơi đây có chỗ chạy thận, chúng tôi mừng lắm. Vậy là những bệnh nhân như chúng tôi ở đây không phải lặn lội đường xa lên trung tâm thành phố để chạy thận nữa. Tôi đã chuyển về đây chạy thận được 3 lần. Ở đây gần nhà, tôi ăn uống tốt hơn nên thấy người khỏe ra”, chị Oanh chia sẻ.
Suốt 5 năm chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Nhân dân 115, rồi chuyển về Bệnh viện huyện Nhà Bè, cứ mỗi tuần 3 lần, chị Nguyễn Thị Thắm (45 tuổi, ngụ ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ) phải thuê xe 7 chỗ (chi phí hơn 1 triệu đồng/lần) để đến bệnh viện chạy thận. Nếu tính cả tiền thuốc men (có bảo hiểm y tế), chị Thắm phải chi trả hơn 2 triệu đồng cho mỗi lần đi chạy thận.
Mỗi lần sáng đi chiều về như thế, chị Thắm không chỉ tốn kém tiền bạc mà còn mệt mỏi vì sức khỏe yếu nhưng phải đi xa. “Giờ đây sức khỏe tôi yếu lắm, đứng hết nổi. Hôm nay được chạy thận tại Cần Giờ, tôi không phải đi lên đi xuống nên thấy khỏe hơn. Tôi cũng không tốn chi phí gì cả vì được bảo hiểm y tế chi trả hết. Tôi mừng lắm, cảm ơn các cấp lãnh đạo nhiều”, chị Thắm rơm rớm nước mắt nói.
Theo chị Thắm, Đơn vị thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ khá tốt, máy móc hiện đại, các bác sĩ cũng rất nhiệt tình. “Tôi chỉ mong muốn có sức khỏe thật tốt để chạy thận và tiếp tục sống với các con”, chị Thắm nói.
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, việc ra đời Đơn vị thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế Cần Giờ là một chính sách ưu việt của nhà nước ta, chăm lo cho người nghèo, người dân không phải tốn bất cứ chi phí nào khi chạy thận tại đây. Ông nhấn mạnh: “Người dân ở đây hãy tin rằng điều này sẽ được thực hiện lâu dài và còn tốt hơn”.
Chất lượng còn tốt hơn cả bệnh viện hạng 1
Đơn vị thận nhân tạo của Bệnh viện Lê Văn Thịnh đặt tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ là đơn vị chạy thận đầu tiên được triển khai tại huyện Cần Giờ - một địa phương "vùng sâu, vùng xa" của TP.HCM, nhằm phục vụ cho bệnh nhân trong khu vực, đặc biệt là người dân trên xã đảo Thạnh An.
Theo BSCK2 Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, để xây dựng Đơn vị thận nhân tạo này, các y bác sĩ của bệnh viện phải “chạy đôn chạy đáo”, làm việc tích cực, khẩn trương suốt hơn 1 tháng qua để hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ mà bình thường có thể làm nhiều tháng chưa xong.
Hiện Đơn vị thận nhân tạo này đang có 5 máy chạy thận do 2 bác sĩ và 4 điều dưỡng của Bệnh viện Lê Văn Thịnh đảm nhiệm.
Theo thống kê trên địa bàn huyện Cần Giờ, có 41 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo rải rác khắp các bệnh viện trên địa bàn TP. Tuy nhiên, hiện chỉ mới có 16 bệnh nhân đăng ký chạy thận tại Đơn vị thận nhân tạo này.
“Hiện chúng tôi có 5 máy chạy thận, mỗi ngày chạy từ 3 đến 4 ca thì đủ đáp ứng số lượng bệnh nhân trên. Trong tuần tới, bệnh viện sẽ tăng cường thêm 2 máy chạy thận nữa, mỗi ngày có thể đáp ứng được hơn 20 bệnh nhân. Dự kiến qua đầu năm 2024, Sở Y tế TP sẽ bổ sung thêm 5 máy nữa, chúng tôi đủ đáp ứng cho 41 bệnh nhân ở Cần Giờ đang chạy thận nếu họ có nhu cầu điều trị tại đây”, bác sĩ Khanh cho biết.
Theo ông Thượng, Đơn vị thận nhân tại Trung tâm Y tế Cần Giờ đã được Hội đồng chuyên gia y tế đánh giá đạt tiêu chuẩn ngang bằng với các bệnh viện tuyến TP.
“Khảo sát đơn vị thận nhân tạo này chúng tôi thấy quá tốt, thậm chí tốt hơn một số bệnh viện tuyến TP do những nơi đó quá đông người bệnh. Toàn bộ phòng ốc, máy móc ở đây như là một bệnh viện hạng 1. Đặc biệt, các bác sĩ trực tiếp chạy thận ở đây đều là những người chuyên chạy thận bệnh viện hạng 1 của TP. Ngành y tế TP cũng chủ trương, nếu người dân lân cận huyện Cần Giờ biết đến đơn vị thận nhân tạo này tìm đến để chạy thận thì chúng tôi cũng sẵn sàng tiếp nhận”, ông Thượng khẳng định.
Cần Giờ cần những kỹ thuật thiết yếu
Những bác sĩ đến với đơn vị thận nhân tạo này bằng tinh thần tự nguyện và họ chỉ được hưởng những chế độ mà mình đang hưởng tại nơi công tác.
Tuy nhiên, ông Thượng cũng cho biết, trong thời gian tới ngành y tế sẽ kiến nghị TP có chính sách giúp cho Cần Giờ thu hút nguồn nhân lực. “Hiện nay chính sách cho những bác sĩ này vẫn có nhưng không nhiều. Đối với những bác sĩ đến đây, được cống hiến, được thấy người dân vui chính là “liều thuốc” kích thích giúp họ làm việc hăng say hơn là những chính sách ưu đãi”, ông Thượng nói.
Để giảm sự chênh lệch trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, theo ông Thượng, trong thời gian tới Cần Giờ cần tái lập trở lại bệnh viện huyện thay vì là trung tâm y tế như hiện nay, bởi Cần Giờ là một huyện xa trung tâm TP và còn nhiều khó khăn.
Trước mắt, ngành y tế TP sẽ huy động nguồn lực y tế, các bệnh viện luân phiên cử người đến hỗ trợ để sớm đưa Bệnh viện huyện Cần Giờ đi vào hoạt động với những kỹ thuật thiết yếu, cần thiết.
“Cần Giờ không cần phải triển khai những kỹ thuật cao mà chỉ cần những kỹ thuật thiết yếu, trong đó có chạy thận nhân tạo và một số kỹ thuật khác như: điều trị viêm phế quản, xơ gan, tiểu đường… Đây là những kỹ thuật rất cần thiết phục vụ cho người dân Cần Giờ để họ không phải đến trung tâm TP xa xôi”, ông Thượng nhấn mạnh.
Ngoài ra, lãnh đạo huyện Cần Giờ cần phải có chính sách thu hút nguồn nhân lực để các bác sĩ TP có thể về đây thay luân phiên và chuyển giao kỹ thuật. Như vậy, từ 5 đến 10 năm, các bác sĩ ở Cần Giờ có thể thực hiện được các kỹ thuật trên.
Ông Lê Minh Dũng - Bí thư huyện Cần Giờ cho biết, trong thời quan qua ngành y tế TP đã hỗ trợ cho y tế Cần Giờ rất nhiều, trong đó có tăng cường đội ngũ y tế về khám chữa bệnh cho người dân; xây dựng Đề án củng cố nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ; đưa máy chụp X-quang phổi bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ cho người dân xã đảo Thạnh An.
Với việc mở đơn vị thận nhân tạo đầu tiên tại huyện Cần Giờ đã giúp cho người dân ở địa phương thuận tiện trong việc chạy thận mà không phải đi xa, giúp phục hồi sức khỏe tốt hơn.
Ông Dũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới Sở Y tế TP tiếp tục quan tâm, giúp đỡ huyện Cần Giờ trong Đề án củng cố và nâng cao năng lực y tế Cần Giờ.