Albert Bourla, Giám đốc điều hành Pfizer, không ngại chấp nhận rủi ro và điều đó đã mang lại cho ông lẫn hãng dược phẩm khổng lồ sự thành công sáng chói.
Khi tiếp quản vị trí lãnh đạo của Pfizer vào năm 2019, ông Albert Bourla đã áp dụng cách tiếp cận trả thưởng cao, rủi ro cao bằng cách đặt cược nhiều vào khoa học tiên tiến và trải nghiệm của khách hàng.
Chiến lược của Albert Bourla đang thành công. Sau 16 năm, Pfizer gia nhập lại danh sách các công ty được ngưỡng mộ nhất của Fortune, phần lớn là do tầm nhìn của ông và sự ra mắt vắc xin COVID-19 công nghệ mRNA lịch sử.
Albert Bourla ghi nhận những bài học từ cha mẹ mình và nền tảng khoa học là những động lực chính dẫn đến thành công của ông. Albert Bourla mang đến câu chuyện truyền cảm hứng, với những bài học mà nhiều người có thể áp dụng cho sự nghiệp của họ.
Lý lịch
Albert Bourla được sinh ra với cha mẹ là những người sống sót sau cuộc chiếm đóng của Đức Quốc xã ở thành phố Thessalonika (Hy Lạp). Cha mẹ Albert Bourla nhấn mạnh một bài học quan trọng: Sống tích cực trong hiện tại, ngay cả khi quá khứ đen tối.
Con đường Albert Bourla trở thành Giám đốc điều hành Pfizer thật khác thường, nhưng rất quan trọng với sự thành công của ông trong dài hạn.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Aristotle ở Thessaloniki, nơi Albert Bourla theo học ngành thú y và nhận bằng tiến sĩ trong công nghệ sinh học sinh sản, ông bắt đầu sự nghiệp là một bác sĩ thú y.
Năm 1993, Albert Bourla gia nhập Pfizer với tư cách là giám đốc kỹ thuật của bộ phận thú y. Ông chuyển đến New York (Mỹ) vào năm 2001 để làm giám đốc tiếp thị tập đoàn này tại Mỹ. 5 năm sau, Albert Bourla trở thành người đứng đầu mảng sức khỏe động vật của Pfizer ở châu Âu, châu Phi và Trung Đông.
Tìm điểm ngọt ngào với sức khỏe người tiêu dùng tại Pfizer
Năm 2014, Albert Bourla được thăng chức làm người đứng đầu bộ phận vắc xin, ung thư và chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng toàn cầu của Pfizer.
Ông trở thành lãnh đạo nhóm Pfizer Innovative Health vào năm 2016 và phục vụ trong 1 năm, giám sát nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng, miễn dịch học, vắc xin và các lĩnh vực khác. Trong thời gian này, ông cũng đã tạo nhóm Patient and Health Impact Group, tập trung vào việc giúp bệnh nhân sử dụng các nền tảng của Pfizer dễ dàng hơn.
Albert Bourla tiếp tục thăng tiến nhanh chóng và được thăng chức COO (giám đốc vận hành) Pfizer vào năm 2018. Một năm sau, ông được thăng chức CEO (giám đốc điều hành) Pfizer.
Theo trang Harvard Business Review, Albert Bourla đã tập trung vào việc đặt bệnh nhân lên hàng đầu trong hai thập kỷ làm việc với Pfizer.
Albert Bourla nhấn mạnh đến trải nghiệm người dùng, đo lường thành công bằng số lượng bệnh nhân mà Pfizer phục vụ qua số lượng bán hàng, thúc đẩy công ty trở nên đổi mới và hướng đến khoa học hơn thông qua phong cách lãnh đạo khắt khe mà ông cho là nền tảng khoa học và di sản Do Thái của mình.
Các quyết định thông minh trước COVID-19 mang lại thành công sau này
Ngay sau khi trở thành CEO Pfizer vào năm 2019, Albert Bourla đã tái cấu trúc công ty theo cách chứng minh là có lợi khi đại dịch COVID-19 xảy ra vài tháng sau đó.
Ông kết hợp Upjohn (công ty kinh doanh thuốc không được cấp bằng sáng chế nổi tiếng với việc sản xuất Viagra, Chantix, Lipitor) với Mylan (công ty dược phẩm) thành một công ty con có tên Viatris. Công ty mới này nhỏ hơn 20%, cho phép đổi mới nhanh chóng hơn cho bệnh nhân và đầu tư vào khoa học.
Động thái này đã biến Pfizer trở thành một tập đoàn nhỏ hơn, sáng tạo, hoạt động dựa trên khoa học. Khi một số nhà phân tích đặt câu hỏi về chiến lược trả thưởng cao, rủi ro cao của Albert Bourla vào thời điểm đó thì ông đã dẫn dắt công ty tập trung vào sự đổi mới tiên tiến.
Biến điều không thể thành có thể
Trong một bài viết trên Harvard Business Review, Albert Bourla cho biết ông đã thách thức mọi người ở Pfizer “biến điều không thể thành có thể” khi công ty chạy đua để phát triển vắc xin COVID-19.
Ông đã thách thức nhóm của mình sản xuất một loại vắc xin COVID-19 an toàn trong 8 tháng, dù quá trình phát triển thường mất tới 10 năm. Kết quả cuối cùng là vắc xin mRNA được tạo ra trong 9 tháng - thành tích lịch sử đánh bại kỷ lục vắc xin phòng bệnh quai bị kéo dài 4 năm vào những năm 1960.
Albert Bourla cũng thực hiện những thay đổi quan trọng để giảm bớt tình trạng quan liêu, như thoái vốn khỏi những mảng kinh doanh sản phẩm tiêu dùng và không có bệnh nhân, đồng thời tăng gấp đôi đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Ông đã từ chối nhận tài trợ từ chính phủ Mỹ ngay từ đầu trong đại dịch để tránh các quy trình kéo dài và tăng tốc độ tung ra vắc xin COVID-19.
Đối tác BioNTech nhận được tài trợ từ chính phủ Đức và Pfizer cuối cùng đã ký hợp đồng cung cấp vắc xin COVID-19 lớn cho chính phủ Mỹ. Ngay sau đó, Pfizer trở thành vắc xin COVID-19 đầu tiên được phép sử dụng ở Mỹ và châu Âu.
Thành công của Albert Bourla với tư cách là Giám đốc điều hành Pfizer đã mang lợi ích cho sức khỏe con người và được đền đáp ở Phố Wall.
Khi Albert Bourla tiếp quản, Pfizer đã tạo ra doanh thu 41,2 tỉ USD. Đến năm 2021, con số đó tăng gấp đôi, đạt 81,3 tỉ USD. Giá trị vốn hóa thị trường của Pfizer cũng đã tăng vọt dưới sự lãnh đạo của Albert Bourla, từ 216,9 tỉ USD vào năm 2019 lên 331,5 tỉ USD vào 2021.
Giải thưởng và danh hiệu
Năm 2019, Albert Bourla được Đại sứ Mỹ tại Hy Lạp trao giải “Nhà lãnh đạo người Hy Lạp ưu tú”. Năm 2021, ông được CNN Business trao tặng danh hiệu Giám đốc điều hành của năm.
Tháng trước, Albert Bourla nhận Giải Genesis 2022 cho sự lãnh đạo của ông trong đại dịch kèm phần thưởng 1 triệu USD. Mỗi năm, giải thưởng này được trao cho cam kết với các giá trị của người Do Thái, những thành tựu nghề nghiệp và những đóng góp cho nhân loại. The Genesis Prize Foundation cho biết Albert Bourla đã nhận được số phiếu bầu lớn nhất trong một chiến dịch trực tuyến có khoảng 200.000 người ở 71 quốc gia tham gia.
The Genesis Prize Foundation khen ngợi Albert Bourla vì “khả năng lãnh đạo, sự quyết tâm và đặc biệt là việc sẵn sàng chấp nhận những rủi ro lớn”, trích dẫn việc Pfizer từ chối nhận tài trợ từ chính phủ Mỹ sớm trong đại dịch - một quyết định giúp công ty giảm bớt tình trạng quan liêu và đẩy nhanh việc phát triển vắc xin.
Ngoài vị trí giám đốc điều hành, Albert Bourla còn là thành viên hội đồng quản trị của công ty và Quỹ Pfizer.
Tiến về phía trước
Pfizer đã tiếp tục đà phát triển trong đại dịch. Năm ngoái, công ty đã tung ra vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Pfizer cũng cung cấp Paxlovid, thuốc uống kháng vi rút SARS-CoV-2 có khả năng ngăn ngừa tử vong do COVID-19 đến 89% và hiệu quả với Omicron, được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vào tháng 12.2021.
Mới đây, Trung Quốc cũng cấp phép sử dụng Paxlovid khi biến thể Omicron lan rộng ở nước này. Qua đó, Paxlovid trở thành thuốc kháng vi rút SARS-CoV-2 đường uống đầu tiên được cấp phép sử dụng tại Trung Quốc để điều trị COVID-19.
Paxlovid kết hợp một loại thuốc kháng vi rút mới có tên nirmatrelvir và một loại cũ hơn gọi là ritonavir (thuốc kháng retrovirus được dùng cùng các loại thuốc khác để điều trị HIV).
Paxlovid có thể dùng điều trị COVID-19 bệnh nhi từ 12 tuổi trở lên và giảm thiểu rủi ro, biến chứng, nhập viện.
Ngoài vắc xin, Albert Bourla và Pfizer cũng đang tập trung vào các lĩnh vực khoa học khác. Đầu tư vào đổi mới, nghiên cứu và phát triển đã giúp công ty báo cáo doanh thu tăng trưởng 8% với các sản phẩm ngoài vắc xin.