Bộ Y tế Israel cho biết liều vắc xin COVID-19 thứ tư của Pfizer–BioNtech giúp tăng gấp 3 lần khả năng chống lại bệnh nghiêm trọng cho những người từ 60 tuổi ở nước này so với những ai nhận ba liều trong cùng nhóm tuổi.

Lợi ích của mũi vắc xin Pfizer thứ 4 với người từ 60 tuổi

Sơn Vân | 24/01/2022, 07:57

Bộ Y tế Israel cho biết liều vắc xin COVID-19 thứ tư của Pfizer–BioNtech giúp tăng gấp 3 lần khả năng chống lại bệnh nghiêm trọng cho những người từ 60 tuổi ở nước này so với những ai nhận ba liều trong cùng nhóm tuổi.

Cũng theo Bộ Y tế Israel, liều vắc xin COVID-19 thứ tư (hoặc mũi tăng cường thứ hai) giúp những người từ 60 tuổi tăng gấp đôi khả năng chống nhiễm vi rút so với những ai trong độ tuổi nhận ba mũi.

Bộ Y tế Israel cho biết nghiên cứu được thực hiện tại một số trường đại học lớn ở nước này và Trung tâm Y tế Sheba đã so sánh 400.000 người từ 60 tuổi được tiêm liều vắc xin thứ tư với 600.000 người trong độ tuổi nhận mũi vắc xin thứ ba hơn 4 tháng trước.

Một nghiên cứu sơ bộ được công bố bởi Trung tâm y tế Sheba của Israel tuần trước cho thấy rằng liều vắc xin COVID-19 thứ tư làm tăng kháng thể lên mức cao hơn mũi thứ ba nhưng có lẽ không đủ ngăn nhiễm biến thể Omicron.

Israel đã bắt đầu cung cấp liều vắc xin Pfizer–BioNtech thứ tư cho những người từ 60 tuổi, nhân viên y tế và những ai bị suy giảm miễn dịch vào đầu tháng này khi biến thể Omicron quét qua đất nước.

Như những nơi khác, Israel đã chứng kiến ​​số ca mắc COVID-19 tăng vọt do Omicron.

tac-dung-cua-mui-vac-xin-pfizer-thu-4-voi-nguoi-tu-60-tuoi.jpg
Người đàn ông nhận được liều vắc xin COVID-19 thứ tư ở thành phố Tel Aviv, Israel - Ảnh: Reuters

Một số quốc gia dự định tiêm liều vắc xin thứ 4 giống Israel để đối phó với sự gia tăng đột biến số ca COVID-19 do Omicron gây ra. Tuy nhiên, các dấu hiệu ban đầu cho thấy việc tiêm chủng lặp lại có thể gặp trở ngại vì nhiều người cảm thấy mệt mỏi khi bước vào năm thứ 3 của đại dịch.

Các chuyên gia về dịch bệnh nói rằng việc thay đổi nhanh chóng thông điệp y tế công cộng khi đối mặt với Omicron, loại vi rút đột biến cao và lây lan nhanh, đã gây ra sự nhầm lẫn và không tin tưởng vào lợi ích của mũi vắc xin tăng cường.

Biến thể Omicron có hơn 30 đột biến trên protein gai - mục tiêu mà hầu hết các loại vắc xin COVID-19 hiện tại nhắm đến. Những thay đổi này làm tăng khả năng lây truyền của Omicron, cho phép vi rút tránh được sự bảo vệ khỏi bệnh có triệu chứng nhờ tiêm vắc xin và khỏi COVID-19 trước đó. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết vắc xin vẫn là công cụ quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh nghiêm trọng và tử vong do COVID-19.

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy mũi vắc xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna thứ 3 có thể khôi phục lại phần lớn khả năng bảo vệ đã mất sau khi tiêm 2 liều đầu tiên.

Thế nhưng, dữ liệu của chính phủ Anh công bố vào tháng 12.2021 chỉ ra rằng mũi vắc xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna thứ ba chỉ bảo vệ bạn chống nhiễm Omicron có triệu chứng khoảng 10 tuần, đặt ra câu hỏi về việc liệu có cần tiêm bổ sung trong thời gian ngắn không.

Dựa trên các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, Giám đốc phụ trách khoa học của Pfizer - Mikael Dolsten nói với CBS News vào đầu tháng 12.2021 rằng "rất có thể sẽ cần đến liều vắc xin thứ tư trong vòng vài tháng nếu Omicron vẫn là phiên bản SARS-CoV-2 thống trị".

Tại Mỹ, cuối tháng 12.2021, Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế chính của Nhà Trắng, nói "có thể tưởng tượng được" rằng sẽ cần mũi vắc xin bổ sung. Song, ông cho biết quyết định về liều tiếp theo sẽ dựa trên thông tin về độ bền của mũi vắc xin tăng cường hiện có.

Những người bị suy giảm miễn dịch ở Mỹ được cung cấp 3 liều vắc xin như một phần của loạt tiêm chủng ban đầu và 1 mũi tiêm nhắc lại 6 tháng sau đó.

Các quan chức y tế ở Hà Lan và Đức đưa ra quan điểm về sự cần thiết của việc tiêm mũi vắc xin tăng cường thứ hai. Trong khi các quan chức Pháp cho biết sẽ không đưa ra quyết định cho đến giữa tháng 2 hoặc tháng 3.2022 khi có thêm dữ liệu.

Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng và Miễn dịch Anh (JCVI) cho biết vẫn chưa cần đến mũi tiêm vắc xin COVID-19 thứ tư, vì liều thứ ba vẫn đang cung cấp sự bảo vệ mạnh mẽ chống lại bệnh nặng do Omicron ở người lớn tuổi.

Theo Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA), các số liệu mới nhất cho thấy, với những người trên 65 tuổi, khả năng bảo vệ chống lại nhập viện vẫn ở mức khoảng 90% trong 3 tháng kể từ khi tiêm mũi vắc xin thứ ba.

Điều đó đồng nghĩa JCVI đã khuyến nghị chính phủ tiếp tục ưu tiên tiêm mũi vắc xin thứ ba cho tất cả người lớn, thay vì bắt đầu cung cấp liều thứ tư cho các nhóm dễ bị tổn thương như những người từ 80 tuổi hoặc cư dân tại nhà chăm sóc. Qua đó, Anh đánh dấu việc không theo đuổi chiến lược tiêm mũi vắc xin COVID-19 thứ tư của Israel.

Giáo sư Wei Shen Lim, Chủ tịch JCVI, nói: “Dữ liệu hiện tại cho thấy mũi vắc xin tăng cường đang tiếp tục cung cấp mức độ bảo vệ cao chống lại bệnh COVID-19 nghiêm trọng, ngay cả với những nhóm tuổi già dễ bị tổn thương nhất. Vì lý do này, ủy ban đã kết luận rằng không cần thiết phải đưa ra liều tăng cường thứ hai ngay lập tức, dù điều này sẽ tiếp tục được xem xét”.

Ông Wei Shen Lim nói thêm rằng dữ liệu là rất đáng khích lệ và nhấn mạnh giá trị của mũi vắc xin tăng cường.

Với việc Omicron tiếp tục lan truyền rộng rãi, tôi khuyến khích mọi người nhận mũi vắc xin tăng cường, hoặc nếu chưa chủng ngừa thì tiêm hai liều đầu tiên, để tăng khả năng bảo vệ chống lại bệnh trọng”, ông Wei Shen Lim nói.

Dữ liệu dựa trên nghiên cứu của UKHSA xem xét hiệu quả mũi vắc xin thứ ba ở những người từ 65 tuổi. Họ thuộc những người đầu tiên đủ điều kiện tiêm mũi vắc xin tăng cường kể từ khi khởi động chiến dịch vào giữa tháng 9.2021.

Hôm 21.1.2022, các bộ trưởng y tế của Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức cuộc họp video riêng để cố gắng tìm ra đường lối chung về liều vắc xin thứ tư, theo thông cáo báo chí do Pháp (Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU) đưa ra.

Vào đầu tuần trước, Cơ quan quản lý dược phẩm của EU (EMA) nói sẽ hợp lý nếu tiêm liều vắc xin thứ tư cho những người có hệ thống miễn dịch suy yếu nghiêm trọng, nhưng cần có thêm bằng chứng.

Các thành viên EU là Hungary và Đan Mạch đã quyết định triển khai tiêm mũi vắc xin COVID thứ tư. Đan Mạch cho biết sẽ làm như vậy cho những người dễ bị tổn thương nhất, trong khi Hungary thông báo mọi người đều có thể nhận được mũi thứ tư sau khi tham khảo ý kiến ​​bác sĩ.

Hôm 22.1.2022, Giám đốc điều hành Pfizer - Albert Bourla cho biết tiêm vắc xin COVID-19 hàng năm sẽ thích hợp hơn tiêm nhắc lại thường xuyên để phòng chống đại dịch.

Vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNtech đã cho thấy có hiệu quả chống lại bệnh nặng và tử vong do biến thể Omicron gây ra nhưng ít hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa truyền nhiễm.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ N12 News của Israel, ông Albert Bourla được hỏi liệu có thấy viễn cảnh về việc tiêm vắc xin COVID-19 nhắc lại được thực hiện thường xuyên từ 4 đến 5 tháng một lần không.

Giám đốc điều hành Pfizer chia sẻ: "Đây sẽ không phải là một kịch bản tốt. Điều tôi hy vọng là chúng ta sẽ có một loại vắc xin mà bạn chỉ phải tiêm mỗi năm một lần. Điều này sẽ giúp việc thuyết phục người dân dễ dàng hơn. Người dân cũng dễ nhớ hơn.

Từ góc độ sức khỏe cộng đồng, đó là một tình huống lý tưởng. Chúng tôi đang tìm cách xem liệu có thể tạo ra một loại vắc xin bao gồm cả Omicron và không quên các biến thể khác không. Đó có thể là một giải pháp”.

Albert Bourla cho biết Pfizer có thể sẵn sàng nộp đơn xin phê duyệt vắc xin được thiết kế lại để chống Omicron và sản xuất hàng loạt ngay sau tháng 3.2022.

Ngày 21.1.2022, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết liều thứ ba của vắc xin mRNA là chìa khóa để chống lại Omicron, cung cấp 90% khả năng bảo vệ khỏi nhập viện.

Đây là những nghiên cứu đầu tiên ở Mỹ xem xét tác động của mũi vắc xin tăng cường với biến thể Omicron đang lây lan cực nhanh, hiện chiếm 99% tổng số ca COVID-19 mới tại nước này.

Nhìn chung, các nghiên cứu cho biết mũi vắc xin tăng cường giúp ngăn nhiễm SARS-CoV-2 và mắc bệnh có triệu chứng. Người lớn từ 50 tuổi trở lên được hưởng lợi nhiều nhất khi tiêm mũi vắc xin Pfizer/BioNTech hoặc mũi Moderna thứ ba.

Giám đốc CDC, Tiến sĩ Rochelle Walensky, cho biết trong cuộc họp ngắn tại Nhà Trắng: "Bảo vệ chống lại nhiễm vi rút và nhập viện do biến thể Omicron là cao nhất ở những người được tiêm mũi vắc xin tăng cường khi họ đủ điều kiện".

Như đã được chứng minh ở các quốc gia khác, mũi vắc xin tăng cường hoạt động tốt hơn trong việc chống lại biến thể Delta so với Omicron, một phiên bản đột biến cao của SARS-CoV-2 có khả năng tránh được khả năng miễn dịch từ vắc xin và khỏi COVID-19 trước đó.

Bài liên quan
Người nhận 2 liều vắc xin Pfizer/Moderna có thể tiêm mũi AstraZeneca tăng cường chống Omicron
Hôm 13.1.2022, AstraZeneca cho biết liều thứ ba vắc xin COVID-19 của mình (Vaxzevria) tạo ra kháng thể cao hơn chống lại Omicron và các biến thể khác như Beta, Delta, Alpha, Gamma.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lợi ích của mũi vắc xin Pfizer thứ 4 với người từ 60 tuổi